Đây là mô hình mang nhiều ý nghĩa thiết thực, thể hiện tính nhân văn tốt đẹp, góp phần phát triển phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại mỗi địa phương...
Vĩnh Long là xã đầu tiên của huyện Vĩnh Linh cho ra mắt mô hình trên. Tại thời điểm ra mắt mô hình, xã Vĩnh Long có 17 người chấp hành xong án phạt tù, có tỷ lệ cao so với các địa bàn khác trong toàn huyện và tỉnh Quảng Trị. Đa số những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đều mang tâm lý tự ti, mặc cảm nên rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Sau khi đi vào hoạt động, được sự hướng dẫn của các đội nghiệp vụ Công an huyện Vĩnh Linh, UBND xã Vĩnh Long đã giao 6 trong 17 người chấp hành xong án phạt tù trong năm 2017 cho Hội CCB xã trực tiếp quản lý. Bằng tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, các thành viên trong Hội đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tình giúp đỡ, hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng bằng những việc làm thiết thực, như: Định hướng nghề nghiệp; thường xuyên gặp gỡ, động viên tinh thần, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống; phối hợp cùng với mặt trận, các đoàn thể tạo điều kiện cho họ được tham gia sinh hoạt trong các tổ chức hội, đoàn thể nơi cư trú…
Ông Trần Văn Việt, Hội trưởng Hội CCB xã Vĩnh Long, cho biết: Chỉ 5 sau tháng triển khai thực hiện, những người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn xã đã có những chuyển biến rõ rệt, yên tâm lao động sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Nhiều trường hợp đã được tạo điều kiện có việc làm tại các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn với thu nhập ổn định, được tạo điều kiện vay vốn để kinh doanh, buôn bán...
Như trường hợp của anh Trần Xuân Lập ở thôn Nhà Tài là một ví dụ. Sau khi chấp hành xong hình phạt tù, anh Lập trở về địa phương và gặp phải rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với sự giúp đỡ tận tình của Hội CCB xã, đến nay đời sống kinh tế của anh đã dần ổn định, từ đó anh cũng yên tâm hơn với những dự định của mình trong thời gian tới…
Cùng trong thời gian này, các thành viên trong Ban điều hành mô hình đã vận động Công ty Cao su Đức Hiền và Công ty Cao su Trần Dương nhận hai anh Trần Đức Tuấn ở thôn Cây Si và anh Nguyễn Khắc Hiếu ở thôn Phúc Lâm vào làm công nhân với mức thu nhập ổn định, đủ để trang trải và ổn định cuộc sống.
Từ những hiệu quả bước đầu tại xã Vĩnh Long, các địa phương khác trong tỉnh đã có kế hoạch để xây dựng và áp dụng mô hình “CCB giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”. Gần đây nhất là huyện Hải Lăng cho ra mắt mô hình tại xã Hải Thọ và Triệu Phong cho ra mắt mô hình tại xã Triệu Thượng. Tuy nhiên, để mô hình thực sự đem lại hiệu quả đúng như tiêu chí ban đầu đặt ra là một vấn đề đáng quan tâm.
Mô hình “CCB giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” có hai nhiệm vụ song hành, đó là ổn định tâm lý, quản lý, giám sát phòng ngừa sai phạm và giúp đỡ về vốn, tạo công ăn việc làm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống. Nhưng có một thực tế là ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn vốn và tìm công ăn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.
Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, như một số doanh nghiệp không muốn tuyển dụng do người chấp hành xong án phạt tù có nghề nghiệp không phù hợp với nhu cầu lao động và chưa có chính sách hỗ trợ nguồn vốn từ các ngân hàng. Trước những khó khăn đó buộc Ban điều hành các mô hình phải tự phát huy nội lực, như ở xã Vĩnh Long, sau khi tiếp nhận 6 người chấp hành xong hình phạt tù do UBND xã giao, các thành viên trong Ban điều hành đã tích cực phối hợp với lực lượng Công an xã chủ động tìm đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài địa bàn để vận động, thuyết phục tìm việc làm.
Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ của UBND xã để tìm nguồn vốn từ các quỹ tín dụng nhân dân. Còn đối với mô hình ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, cùng với việc nỗ lực tìm kiếm việc làm cũng như nguồn vốn cho người chấp hành xong hình phạt tù, để khắc phục khó khăn ban đầu, CBCS Đội Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp Công an huyện tự nguyện đóng góp ngày lương để hỗ trợ cho gia đình người chấp hành xong hình phạt tù có hoàn cảnh khó khăn…
Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc phát triển và nhân rộng mô hình “CCB giúp đỡ người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng” là một bước đi đúng trong công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong hình phạt tù. Chính vì vậy, để mô hình phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể; sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tập thể, đơn vị kinh doanh, sản xuất trong việc hỗ trợ nguồn vốn, đào tạo nghề và tạo việc làm.
Làm tốt công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong hình phạt tù cũng là một trong những yếu tố góp phần trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, hỗ trợ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...
Thành Nam