Cựu chiến binh đó là Lê Bá Dương, sống tại thành phố biển Nha Trang, (Khánh Hòa), từng là bộ đội Trung đoàn 27 Triệu Hải và ông Michael Clatterbuck (còn gọi là Mike), sống tại Mỹ, từng là lính của Trung đoàn 12 pháo binh, Sư đoàn 3 Thủy quân đóng tại Đông Hà, Quảng Trị.
CUỘC GẶP XÚC ÐỘNG
Vào những ngày sóc vọng hoặc ngày lễ, bến thả hoa sông Thạch Hãn cạnh Thành cổ Quảng Trị nườm nượp người đến dâng hương, thả hoa đăng tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ. Một buổi chiều muộn, anh hướng dẫn viên du lịch tên Tâm, chủ quán cà phê Phố áp Quảng trường Văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Trị dẫn theo vị khách nước ngoài tên Mike đến khu hành lễ tại bến thả hoa. Anh tâm bảo, Mike muốn được thực hiện đầy đủ nghi thức thả hoa, thắp hương, và nếu được gặp một cựu binh Việt Nam từng chiến đấu ở nơi này thì “không còn gì tuyệt vời hơn!”.
Tình cờ hôm đó, ông Lê Bá Dương (ông Dương hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên thường trú của báo Văn hóa tại Nha Trang. Ông cũng là người khởi xướng nên phong trào kết bè thả hoa thường niên trên dòng sông Thạch Hãn vào ngày 27 tháng 7 để tưởng niệm vong linh đồng đội, những người đã ngã xuống mảnh đất Quảng Trị trong cuộc chiến khốc liệt của Mùa hè đỏ lửa 1972), cựu chiến binh Trung đoàn chủ lực bảo vệ Thành cổ cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, và đến bến sông này.
Mike và ông Dương ngồi ở bậc thềm của bến thả hoa, nhìn ra phía trước là dòng Thạch Hãn, còn ngay sau lưng là Thành cổ Quảng Trị. Nơi này, mấy chục năm trước là một chiến trường khốc liệt. Mike kể, ông sang Việt Nam lần đầu vào năm 1968, là lính thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến, làm nhiệm vụ tại đồn quan sát Ocean View, doanh trại Kistler (cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị). Ngày ngày, Mike cùng đồng đội thực hiện các cuộc tuần tra trên sông Hiếu và sông Thạch Hãn, và nhiều lần đụng độ với quân giải phóng. Đội của ông gồm 36 lính Mỹ, thì có đến 16 người đã chết trên sông Thạch Hãn.
Sau 13 tháng ở chiến trường Việt Nam, Mike rời cuộc chiến, trở về nước đi học, lấy bằng đại học rồi thạc sĩ và làm trong ngành ngân hàng cho đến ngày hồi hưu 2013. Lúc biết bến thả hoa trên sông Thạch Hãn qua Internet, Mike lên kế hoạch trở về Việt Nam. Ông dành thời gian học tiếng Việt, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam. Đến nay, ông đã 10 lần trở lại Việt Nam, trong đó 3 lần đến chiến trường xưa Quảng Trị. Cuộc gặp gỡ lần này với ông là kỷ niệm đáng nhớ. Tâm nguyện của Mike là được thắp hương và thả hoa đăng tưởng niệm những người lính Việt Nam đã hy sinh trên dòng sông lịch sử này. Mike bảo: “Một cảm xúc rất mãnh liệt, tôi đã ở đây cách đây 50 năm và đây là lần đầu tiên tôi đến với bến thả hoa tưởng niệm này. Tôi đã đến đây để tưởng niệm cho tôi, cho cả đồng đội tôi và những người lính của phía Việt Nam hy sinh tại đây”.
KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, HƯỚNG ÐẾN TƯƠNG LAI
Được hướng dẫn viên du lịch Tâm giới thiệu, cựu chiến binh Lê Bá Dương đang ngồi cạnh ông chính là người khởi xướng hoạt động thả hoa tưởng nhớ đồng đội hy sinh trên dòng Thạch Hãn Mike thực sự bất ngờ. Mike cởi mở, vào thời của ông, nếu không học cao đẳng hoặc đại học sẽ nhận lệnh nhập ngũ. Và ông không thể nào hình dung được hậu quả khủng khiếp của cuộc chiến cho đến lúc ông có mặt ở chiến trường Việt Nam.
Lê Bá Dương cũng chia sẻ câu chuyện về những ngày ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn. Ông chỉ cho Mike xem bài thơ Lời người bên sông của ông được khắc ở phiến đá ngay tại bến thả hoa: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Ở nơi đây, trên dòng Thạch Hãn này, không biết bao nhiêu đồng đội của ông đã ngã xuống. Vì vậy, mỗi lần quay trở lại đây, quá khứ bi tráng lại hiện lên nguyên vẹn. “Tôi nghĩ rằng, tất cả những cựu binh đều sẽ có cảm xúc mạnh mẽ như vậy. Bởi vì chúng ta đi qua cuộc chiến và trải qua những đau thương mất mát một cách trực tiếp, nên sẽ có cùng chung một cảm xúc”, ông Dương nói với Mike.
Theo ông Dương, ông và Mike mỗi người có một góc nhìn khác nhau về chiến tranh, nhưng ông tin rằng, những người mang súng đến xâm lược thì họ sẽ gửi gắm thông điệp cho các thế hệ con cháu không lặp lại những điều tồi tệ đó. Còn đối với những người lính như ông, khi đất nước bị xâm lăng ông sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Cựu chiến binh Lê Bá Dương tâm sự: “Thời kỳ chiến tranh, 2 người lính ở 2 chiến tuyến khác nhau. Bây giờ, khi đến đây rồi chúng tôi gặp nhau để truyền đi một thông điệp hòa bình. Quá khứ đau thương cần được khép lại. Tương lai mở ra là sự hiểu biết, tin cậy vì sự tiến bộ, văn minh của loài người. Chúng tôi hy vọng vào điều đó...”.
Mike bộc bạch: “Những cựu binh đi qua cuộc chiến và trải qua những ngày thảm khốc. Chiến tranh là điều tồi tệ. Tôi có rất nhiều người bạn cựu binh ở Mỹ và tất cả chúng tôi đều cảm thấy như vậy. Đó là điều mà chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá. Khi quay trở lại đây, tôi thấy con người yên bình và ấm áp. Đó là điều luôn làm tôi ngạc nhiên bởi chúng tôi gây bao đau thương trên mảnh đất này nhưng được đối xử rất bao dung, độ lượng”.
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Như Ý
Cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị, xúc động của hai cựu binh vốn ở hai chiến tuyến tại Thành cổ Quảng Trị như gửi đi thông điệp, rằng: Chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Những nỗi đau của quá khứ cũng dịu vơi. Những cái bắt tay ôm chặt hôm nay sẽ là nền tảng để cùng nhau khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
HỮU THÀNH