Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng 

(Chinhphu.vn) – Sau Quảng Ninh, địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, hôm nay (16/4), Hà Nội, TPHCM và một số địa phương sẽ triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này. Các chuyên gia y tế đưa ra những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng.
Những lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng - Ảnh 1.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, cùng với nguồn cung ứng vaccine thì Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn có hướng dẫn cụ thể cho từng lô vaccine và triển khai cho nhóm đối tượng nào để bảo đảm tính đồng đều cũng như việc giám sát an toàn tiêm chủng trên quy mô toàn quốc.

Tại Việt Nam, vaccine sử dụng tiêm cho đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và Moderna. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương và cơ sở tiêm chủng tuyệt đối không tiêm trộn 2 loại vaccine COVID-19 này để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, chỉ tiêm 2 mũi vaccine cùng loại với lịch tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần. 

Các phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ

Về ghi nhận phản ứng sau tiêm đối với nhóm trẻ này, bà Hồng cho biết, các phản ứng hoàn toàn tương tự như nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi mà chúng ta đã triển khai tiêm trên cả nước.

"Hầu hết các phản ứng thông thường như đau đầu, tiêu chảy, đau tại vị trí tiêm, các cháu cảm thấy mệt mỏi, có thể ớn lạnh, sốt… Các phản ứng này xuất hiện ở liều tiêm thứ 2 nhiều hơn liều tiêm thứ 1. Tỉ lệ gặp các phản ứng thông thường này từ 10-50%", bà Hồng cho biết.

Các phản ứng có tỉ lệ gặp ít hơn, khoảng dưới 10%, gồm các phản ứng như buồn nôn, sưng tấy tại chỗ tiêm. Các trường hợp hiếm gặp hơn là nổi hạch, quá mẫn khi phát ban, ngứa, mề đay, mất ngủ, một số trẻ ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị tiêm.

Các trường hợp rất hiếm gặp với tỉ lệ 1/100.000 hay 1/1.000.000... là phản ứng viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, phản ứng phản vệ.

Cả hai vaccine Pfizer và Moderna đều có hoạt chất mNRA nên phản ứng sau tiêm đều tương tự ở các nhóm đối tượng tiêm. "Ghi nhận phản ứng ở nhóm trẻ nhỏ ở một số quốc gia đã triển khai tiêm cho nhóm đối tượng từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng như thông báo của nhà sản xuất thì tỉ lệ hiếm gặp như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim ở nhóm tuổi này thấp hơn so với nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Tuy nhiên, trong tiêm chủng, chúng tôi luôn hướng dẫn các cán bộ y tế phải luôn có tinh thần trách nhiệm, cảnh giác với những phản ứng có thể xảy ra để xử lý kịp thời, tránh những rủi ro đáng tiếc khi tiêm chủng cho trẻ".

Lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng

Đối với nhóm trẻ trong độ tuổi này, bà Dương Thị Hồng cho biết, Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn hướng tới việc truyền thông trực tiếp truyền tải thông tin đến các bậc phụ huynh, đến thầy, cô giáo và những người chăm sóc trẻ cần theo dõi sức khỏe của trẻ khi tiêm chủng.

Cụ thể, trước khi đưa trẻ đi tiêm, các bậc phụ huynh phải theo dõi sức khỏe của trẻ xem các cháu có ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi, sinh hoạt bình thường không, đặc biệt với trẻ 5-6 tuổi. Đối với trẻ lớn hơn thì theo dõi trẻ có bị mắc các bệnh về viêm long đường hô hấp hoặc điều gì bất thường về sức khỏe thì chưa nên đưa trẻ đi tiêm.

"Chúng ta sẽ có rất nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng và các đợt tiêm chủng bổ sung, tiêm vét. Vì vậy, khi các cháu thực sự khỏe mạnh thì gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng", bà Dương Thị Hồng khuyến nghị.

Chuyên gia dịch tễ cũng nhấn mạnh, để tránh lây nhiễm COVID-19 khi đưa trẻ đi tiêm chủng, những trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp hoặc có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 thì không nên đưa tới điểm tiêm chủng.

Khi trẻ khỏe mạnh và đến các điểm tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần phải chia sẻ đầy đủ thông tin tiền sử của trẻ cho cán bộ y tế như tiền sử dị ứng, bệnh nền mãn tính... để các bác sĩ có hướng dẫn và chỉ định cụ thể về điểm tiêm tại bệnh viện (với trẻ có bệnh lý tim mạch…) nhằm bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, để có điều kiện chăm sóc và đánh giá sức khỏe của trẻ trước khi tiêm cũng như tư vấn các phản ứng sau tiêm.

Đối với các bệnh mạn tính thông thường như béo phì hoặc những triệu chứng không đặc biệt thì các bác sĩ có thể chỉ định tiêm chủng ngay tại trạm y tế hoặc tại trường học mà vẫn bảo đảm an toàn cho trẻ.

Trong quá trình tiêm chủng, các bậc phụ huynh nên tương tác với cán bộ y tế để biết con mình được tiêm vaccine gì và lắng nghe tư vấn các phản ứng sau khi tiêm.

Sau khi tiêm chủng, cần theo dõi sức khỏe của trẻ ít nhất trong 3 ngày. Cụ thể, những phản ứng bất thường xảy ra sau khi tiêm luôn ghi nhận sau khi tiêm 30 phút. Chính vì vậy các bậc phụ huynh phải để trẻ ở lại điểm tiêm theo dõi sức khỏe trong 30 phút, đây thời điểm quan ngại nhất với phản ứng phản vệ. Phản ứng này phải được phát hiện và xử trí hết sức kịp thời để bảo đảm an toàn cho trẻ. "Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên vội vàng mà hãy ở lại theo dõi sức khỏe của trẻ ít nhất 30 phút sau khi trẻ được tiêm và báo lại tình hình sức khỏe của con mình sau khi ra về".

Sau khi tiêm, phụ huynh cần theo dõi các phản ứng thông thường như trên và theo dõi những triệu chứng bất thường như sốt cao, phát ban, biểu hiện khó thở, tím tái, mệt mỏi, ngủ li bì…Thông thường những phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và xảy ra 4-8 tiếng và xu hướng sau ngày đầu, ngày thứ 2 sẽ giảm dần các triệu chứng, không có diễn biến tăng lên. Nếu các triệu chứng thông thường có mức độ tăng lên trong thời gian này và mức độ trầm trọng hơn thì ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Chuyên gia dịch tễ cũng chia sẻ, ngay sau khi tiêm, các bậc phụ huynh thấy con có những biểu hiện mà có thể nhân viên y tế chưa tư vấn được hết hoặc khác nội dung được tư vấn thì hãy gọi điện thoại ngay đến các cơ sở y tế mà các điểm tiêm sẽ thông báo tới phụ huynh để được tư vấn kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ, cần sự quan tâm tích cực hơn của người chăm sóc trẻ vì trẻ vui chơi quên hoặc bỏ qua những triệu chứng sau khi tiêm, vì vậy các bậc cha mẹ chủ động hỏi han con tích cực hơn để kịp thời phát hiện các triệu chứng bất thường.

Theo TS. BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, các biểu hiện thay đổi sau khi tiêm dễ nhận biết ở trẻ như sốt, thay đổi màu sắc da, có nổi ban… Đặc biệt, trong 3 ngày đầu sau tiêm, trẻ cần phải tránh vận động mạnh, vì vậy, các môn học cần thể lực như thể dục… trong trường học cần hạn chế, nhằm tránh nhầm lẫn hoặc bỏ sót các biểu hiện sau tiêm ở trẻ.

Vaccine COVID-19 chống chỉ định tiêm đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nếu có dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong vaccine hoặc có phản ứng với mũi tiêm thứ nhất.

Theo Bộ Y tế, để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã làm việc rất thận trọng, từng bước, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo chương trình tiêm chủng của các nước, đặc biệt là khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ để bảo đảm tiêm chủng an toàn.

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho lứa tuổi này với mục tiêu bảo đảm an toàn và hiệu quả cao nhất khi tiêm chủng. 

Hiền Minh

647 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 29
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 29
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87208698