Những lá thư thời chiến – Tình yêu và hy sinh 

(Chinhphu.vn) - Những lá thư trong chiến tranh không chỉ là sợi dây kết nối tình cảm của những người đang cách xa, mà còn là những tư liệu phản ánh về chiến tranh một cách xác thực. Đằng sau chúng là biết bao câu chuyện cảm động về những người lính và gia đình họ.

 

Những lá thư thời chiến do Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, ngày 25/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”.

“Tuyển tập những lá thư thời chiến Việt Nam” là công trình được Nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (2005-2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Đặc biệt, đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ hoặc thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, được nhiều gia đình đặt lên bàn thờ…

Những niềm tâm sự của những người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân, hiến dâng cả cuộc đời mình cho tương lai đất nước được thể hiện qua những trang thư. Mỗi bức thư là những lời tâm tình gan ruột của những người anh, người cha, người chồng, người vợ, người con, người bạn với những người thân yêu, trong phút dừng chân trên chặng đường hành quân ra trận, trong khoảnh khắc yên lặng giữa hai trận đánh…

Những dòng thư như những lời thơ ngân vang, trong trẻo, đầy thiết tha ước vọng về một cuộc sống thanh bình, những lời dặn dò như những lời di chúc, những lời thề quyết tâm thắng giặc, những lời hứa bảo toàn danh dự của những người con yêu quý của Tổ quốc trong cảnh đất nước có chiến tranh, những niềm thương yêu cháy bỏng, những nỗi nhớ thương da diết, khắc khoải, những bồn chồn lo âu, mong đợi…

Theo Nhà văn Đặng Vương Hưng, bạn đọc trẻ thời nay rất khó hình dung những bức thư được viết trên mảnh vải quần, thư gửi người đã chết, thư lấy từ hầm sâu bí mật dưới thành cổ Quảng Trị và những trang viết cuộc đời của chàng trai giỏi Văn nhất miền Bắc một thời đã “Mãi mãi tuổi 20”, thư tiên tri về cái chết của chính mình… Các bạn sẽ được đọc thư của các chiến sĩ điệp báo, thư của những sinh viên-chiến sĩ, thầy giáo-chiến sĩ; những lá thư viết và gửi từ “địa ngục trần gian”, thư viết trong ngày vui đại thắng 30/4/1975, thư của một người gửi cho người yêu đã hy sinh từ 40 năm trước…

Những bức thư thời chiến ngày ấy đa phần là chuyển nhờ phong bì và con tem quân đội, viết trên đủ loại giấy khác nhau, trên vỏ bao thuốc lá, thậm chí mảnh vải quần... Chúng giống nhau một điểm là đều đã vàng úa, đổi màu theo thời gian, mưa nắng, thấm đẫm mồ hôi, thậm chí cả máu của người viết. Trong những lá thư ấy, ngoài việc trao gửi yêu thương, nhớ mong thầm kín, hỏi han tình hình sức khỏe gia đình, báo tin chiến trường, hầu hết là những thông tin trao đổi với người thân về việc ăn ở, sinh hoạt đời thường của người lính ngoài mặt trận. 

Nói về sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự gian khổ, hy sinh, chịu đựng của người lính nơi chiến trường, hiếm điều gì mô tả, tường thuật một cách chân thực như những lá thư thời chiến. Đọc những lá thư, ta có thể cảm nhận, hình dung ở mỗi nhân vật đều phảng phất “mùi vị” của chiến tranh, của cái chết cận kề, của gian khổ. 

Hầu hết chủ nhân của những bức thư có tuổi đời còn rất trẻ. Khi bắt đầu bước chân vào cuộc chiến, họ còn ngây thơ, non nớt, nhưng qua thử thách, qua thực tiễn nơi chiến trường, các anh đã trưởng thành rất nhanh về nhận thức và ý chí. 

Từ những trang giấy ố vàng, chúng ta nhận ra khí phách con người Việt Nam, những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ Quốc.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, là một trong số rất ít những tác giả của “Những lá thư thời chiến” may mắn trở về sau cuộc chiến. Ông bồi hồi cho hay, hiện tại vợ chồng ông vẫn trân trọng giữ gìn hơn 500 bức thư tình đã viết cho nhau trong chiến tranh, từ năm 1952-1975. Người cựu chiến binh ấy chia sẻ giản dị: “Thư của lính viết cho vợ ngôn từ chẳng văn hoa gì. Ngoài chuyện nhớ nhung vốn lẽ đương nhiên thì chỉ toàn chuyện chiến tranh, hết trận đánh này đến trận đánh khác. Song chúng tôi xem nó như những lời động viên, chia sẻ những vui buồn để hiểu nhau hơn, từ đó động viên nhau vượt qua mất mát, hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Phương Liên

1370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 414
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 414
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88669203