Những kết quả tích cực trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị 

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, thời gian qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng ở tỉnh Quảng Trị được thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả cao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành quán triệt và triển khai thực hiện việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, truyền thống ngành. Chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý, tải bản, phát hành lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị 1930-2000, gồm 3 tập: tập I (1930- 1954); Tập II (1954-1975); Tập III (1975-2000); chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, phát hành Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị Tập IV, giai đoạn 2000 - 2015. Việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2000 - 2015; chỉnh lý, bổ sung, tái bản các tập lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1930 – 2000 không chỉ cụ thể hóa Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư vào thực tiễn của Quảng Trị mà còn đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân tỉnh nhà, phục vụ lâu dài nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời kỳ mới.

Ngoài các tập lịch sử Đảng bộ tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 23 sở, ban, ngành, đoàn thể xuất bản lịch sử, truyền thống với trên 36 ấn phẩm. Một số cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử, truyền thống[1]; 10/10 huyện, thị, thành ủy; 131/141 xã, phường, thị trấn xuất bản lịch sử Đảng bộ; thực hiện việc sáp nhập xã, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Trị từ 141 giảm xuống còn 125, theo đó, số đơn vị cấp xã đã xuất bản lịch sử Đảng bộ toàn tỉnh là 115/125[2].

Đặc biệt, có 32 xã đặc biệt khó khăn[3] ở miền núi, miền biển, vùng bãi ngang thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đội ngũ cán bộ biên soạn thiếu, tư liệu bị mất mát nhiều do chiến tranh, thiên tai, kinh phí khó khăn... nhưng Ban Thường vụ Đảng ủy các xã đã khắc phục khó khăn, huy động sự tham gia của cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên địa bàn và con em ở xa để hoàn thành xuất bản lịch sử Đảng bộ đạt chất lượng.

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương được đẩy mạnh. Cấp ủy các cấp chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với các hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với từng đối tượng; đặc biệt chú trọng phát huy hiệu quả tuyên truyền trên không gian mạng (Báo Quảng Trị điện tử; Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; Trang thông tin các huyện, thị, thành phố; các trang facebook trong hệ thống Tuyên giáo của tỉnh…). Nội dung tập trung tuyên truyền về nền tảng tư tưởng của Đảng; truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc; tuyên truyền các sự kiện lịch sử chính trị trọng đại của quê hương, đất nước: Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930 - 03/02/2020); 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2021); kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn; kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị; 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971-2021); 30 năm ngày lập lại tỉnh Quảng Trị (1989-2019)…

Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng với các cuộc thi tìm hiểu, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tham gia. Nổi bật như: Hưởng ứng Cuộc thi trắc nghiệm “tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam trên mạng xã hội VCNET”; Cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”... Các cuộc thi được cấp ủy các cấp chỉ đạo hưởng ứng sôi nổi; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Báo Quảng Trị, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; trang thông tin, cổng thông tin điện tử các địa phương, cơ quan tích cực tuyên truyền sâu rộng về các cuộc thi, tạo sự lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Nhiều địa phương, đơn vị quan tâm phát huy giá trị tinh thần các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ địa phương trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng bằng những cách làm sáng tạo. Nổi bật như, Ban Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và quê hương Triệu Phong anh hùng, đổi mới” nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn; Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ huyện Gio Linh giai đoạn 1930-2020” nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng huyện Gio Linh (02/4/1972-02/4/2022). Ban Thường vụ Thành ủy Đông Hà chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố, lồng ghép lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống của địa phương vào các tiết học liên môn… Ban Thường vụ Huyện ủy Hải Lăng chỉ đạo Đảng ủy các xã tổ chức cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ xã trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, học sinh trên địa bàn; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với phòng Giáo dục huyện chỉ đạo các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn triển khai hội thi với chủ đề “Em yêu lịch sử Việt Nam”… Chỉ đạo các Trung tâm Chính trị biên tập lịch sử Đảng bộ làm tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và tài liệu ngoại khóa lịch sử cho học sinh các cấp trên địa bàn[4].

Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị tinh thần các di tích lịch sử cách mạng được quan tâm, chú trọng. Quảng Trị có 468 di tích lịch sử cách mạng, đều là những di tích ghi đậm những chiến công trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Những năm qua, Quảng Trị quan tâm đầu tư kinh phí bảo tồn, tôn tạo, trùng tu, chăm sóc tốt các di tích lịch sử, không chỉ phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, mà còn đáp ứng tình cảm, tâm linh của Nhân dân cả nước. Vào các dịp lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước, cán bộ, đảng viên, Nhân dân đều đến các nghĩa trang liệt sỹ, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn để dâng hương, dâng hoa, báo công, ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, đất nước.

Tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thành công nhiều Hội thảo khoa học có ý nghĩa quan trọng như: Hội thảo “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 - Giá trị lịch sử và hiện thực” nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971-2021); Hội thảo khoa học “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển” nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1972-2022)... để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân cả nước.

Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng đã góp phần bổ sung lý luận cách mạng của Đảng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không chỉ có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, các tập lịch sử Đảng bộ còn là căn cứ để xác minh, khẳng định những sự kiện, nhân vật, đóng góp của Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng và xác minh, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng ở địa phương. Lê Trang

 

 

[1]HĐND tỉnh. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ; một số cơ quan, đơn vị thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh đang triển khai sưu tầm tư liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử, truyền thống hoặc kỷ yếu.

[2] Trong số 10 đơn vị chưa xuất bản có 4 đơn vị gồm: thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) thành lập năm 1994: đang triển khai nghiên cứu, biên soạn. Phường I, Phường II, Phường III, Phường An Đôn (thị xã Quảng Trị) là những đơn vị hành chính có diện tích quá nhỏ, lịch sử Đảng bộ các phường được thể hiện trong lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị và Lịch sử Công an thị xã Quảng Trị nên không tổ chức nghiên cứu, biên soạn. Thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông), thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) là những đơn vị mới thành lập nên chưa nghiên cứu, biên soạn. 2 xã Hướng Lộc, xã Xi (huyện Hướng Hóa) và xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh) đang thẩm định.

[3] Gồm: huyện Hướng Hóa: 8 xã; huyện Đakrông: 9 xã; huyện Vĩnh Linh: 3 xã; huyện Gio Linh: 6 xã; huyện Triệu Phong: 4 xã; huyện Hải Lăng 2 xã.

 

[4] Trung tâm Chính trị Huyện ủy Gio Linh đã đưa “Giáo trình tóm tắt Lịch sử Đảng bộ huyện Gio Linh 1930 - 2020” vào giảng dạy tại Trung tâm chính trị huyện; các Trung tâm chính trị: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh... đang triển khai biên tập dự thảo lần 1. Trường Chính trị Lê Duẩn tiếp tục triển khai có hiệu quả việc giảng dạy lịch sử địa phương Quảng Trị trong chương trình đào tạo Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính.

441 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1861
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1861
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76442453