Những kết quả nổi bật nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ huyện Triệu Phong 

Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Triệu Phong đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra, với những kết quả nổi bật sau:

Tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng và giá trị gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiệm kỳ qua, huyện Triệu Phong đã triển khai nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, chuyển đổi hình thức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu được triển khai tích cực, có hiệu quả, đã lựa chọn một số sản phẩm để xây dựng thương hiệu như gạo sạch Triệu Phong, bún Vạn Linh... Các HTX sản xuất kinh doanh ổn định, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - ngư nghiệp đạt 1.264,605 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 2,8%. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, xây dựng các cánh đồng lớn với diện tích 1.605 ha. Khảo nghiệm, đưa vào sản xuất các giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao thích ứng với biến đổi khí hậu, gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích. Tổng diện tích gieo trồng đạt 16.110,9 ha, trong đó: diện tích lúa đạt 11.327 ha, năng suất lúa đạt 56,5 tạ/ha, tăng 3,2 tạ/ha so với năm 2015. Sản lượng lương thực có hạt đạt 65.738 tấn. Các mô hình sản xuất mới được quan tâm xây dựng như: mô hình lúa theo hướng canh tác tự nhiên, sản xuất lúa hữu cơ và bán hữu cơ, mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như đậu xanh, ngô, sen... cho hiệu quả cao hơn. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 560,005 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 2,1%, chiếm 64,14% tỷ trọng ngành nông nghiệp. Chăn nuôi phát triển theo hướng gia trại, trang trại tập trung có liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao trong chăn nuôi gà, lợn. Chương trình cải tạo đàn bò, nạc hoá đàn lợn tiếp tục được thực hiện rộng rãi, tỷ lệ bò zêbu chiếm 60% tổng đàn; tổng đàn gia súc đạt 48.850 con, tổng đàn gia cầm đạt 550.000 con. Công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tích cực. Quản lý đất rừng, phòng, chống cháy rừng được tăng cường; diện tích trồng rừng tập trung hàng năm là 1.200 ha, sản lượng gỗ khai thác 160.00m3. Tổng diện tích đất có rừng là 15.760 ha, độ che phủ rừng 39,3%[1]. Có 479,18 ha rừng/48 hộ được cấp chứng chỉ FSC. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 121,681 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hàng năm 12,2%. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản 887 ha, đạt 93,4%. Sản lượng thu hoạch 2.825 tấn, đạt 87,46%. Giá trị sản xuất ngành ngư nghiệp đạt 269,765 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 4,4%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước được đầu tư hoàn thiện. Cuối năm 2020, có 12/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 70,59%; các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên.

Công nghiệp - TTCN tiếp tục tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa vào khai thác các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề: Các điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún ở Thượng Trạch, Linh Chiểu (Triệu Sơn); các cụm công nghiệp ở thị trấn Ái Tử... Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp được thực hiện tích cực. Cụm công nghiệp Ái Tử có 13 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 600 lao động. Cụm công nghiệp Đông Ái Tử đã có 16 dự án được cấp phép chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 726,69 tỷ đồng, 09 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, trong đó có 03 nhà máy may dự kiến đi vào sản xuất cuối năm 2020, tạo việc làm cho 5.000-6.000 lao động. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; thực hiện quản lý theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2 được phê duyệt. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư hạ tầng Khu kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư, đã có 03 dự án đã khởi công: Bến cảng CFG Nam Cửa Việt, Kho xăng dầu Việt Lào, Hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam. Công tác khuyến công được tăng cường, các ngành nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, các cơ sở sản xuất công nghiệp – TTCN ở các địa phương ngày càng phát triển, một số ngành nghề mới như may gia công, chế biến nông sản. Phát triển thêm 125 cơ sở sản xuất mới như: gạch nung, cưa xẻ gỗ, mộc dân dụng, mộc mỹ nghệ, sản xuất bún bánh, tinh bột nghệ, củi trấu….tạo nhiều việc làm cho người lao động, có thu nhập ổ định, đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn hiện có 112 doanh nghiệp, 1.003 hộ kinh doanh cá thể, thu hút 4.540 lao động. Giá trị sản xuất ngành Công nghiệp - TTCN đạt 792,825 tỷ đồng, tốc độ bình quân hàng năm tăng 15,5% .

 Thương mại - dịch vụ có chuyển biến tích cực.

Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, đã chú trọng việc quy hoạch bố trí quỹ đất, kêu gọi đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ dọc quốc lộ 1A (qua địa bàn huyện), đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào kinh doanh ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng. Công tác hỗ trợ mở rộng thị trường, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm vào các siêu thị được quan tâm. Đưa cửa hàng “Nông sản sạch Triệu Phong” vào hoạt động để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm truyền thống của huyện. Hạ tầng thương mại - dịch vụ tiếp tục được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa. Hệ thống chợ được nâng cấp, xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả. Hạ tầng khu dịch vụ - du lịch bãi tắm Nhật Tân được đầu tư xây dựng hoàn thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác; bước đầu thử nghiệm một số tour, điểm du lịch để xây dựng, quảng bá các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới

Hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, chất lượng giao thông được cải thiện đáng kể, đã nhựa hóa 117,61km, bê tông hóa 84,5km đường huyện quản lý; bê tông hóa 341,07km đường nông thôn. Nhiều công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới như Quốc lộ 49C đi qua địa bàn huyện, Đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam, Đường, cầu An Mô, Đường Triệu Đông - Triệu Hòa - Triệu Đại, Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn góp phần giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (OFID), Cầu Thành Cổ, tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Quảng Trị, các tuyến đường nội thị thị trấn Ái Tử.... Hệ thống hồ đập thủy lợi được đầu tư nạo vét, nâng cấp; từng bước kiên cố kè sông, đê ngăn mặn đảm bảo an toàn. Hệ thống điện được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, cơ bản hoàn thiện các tuyến đường điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của Nhân dân trên địa bàn.

Nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân

Chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện tích cực, đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,61%, hộ cận nghèo còn 3,95%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được quan tâm. Tạo việc làm mới cho 10.233 lao động, xuất khẩu lao động 1.386 người. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh, tăng về số lượng và nâng cao chất lượng, đa dạng các ngành nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53% .

Chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh. Đến nay, đã có 17/17 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn Ái Tử đạt chuẩn văn minh đô thị, bình quân hàng năm có trên 96% gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Các thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở được quy hoạch, đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân. Chất lượng, hiệu quả giáo dục được nâng lên, đã thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ. 100% giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn, trong đó có 98% trên chuẩn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư xây dựng. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được duy trì củng cố vững chắc. Các chế độ, chính sách cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được duy trì có hiệu quả, xây dựng được các quỹ học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Công tác khám, chữa bệnh được duy trì, chất lượng. Cơ sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh được đầu tư nâng cấp, mạng lưới y tế được củng cố và phát triển. 100% xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân (100% người dân trên địa bàn huyện được lập hồ sơ quản lý sức khỏe), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Hoạt động y tế dự phòng được chú trọng, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh được tăng cường, các dịch bệnh xảy ra được khống chế kịp thời, không để lây lan trên diện rộng. Chương trình tiêm chủng mở rộng đạt kết quả cao, hàng năm tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 98%. Công tác bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội được các cấp, các ngành thực hiện tốt, đã có 90% số xã đạt xã phù hợp với trẻ em, các mô hình phòng chống tệ nạn xã hội được phát động và thực hiện hiệu quả. Việc thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công và các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện tốt. Các chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và kịp thời. Hoàn thành việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công theo quy định. 100% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thực hiện chính sách trợ giúp xã hội.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng không ngừng nâng cao

Các cấp ủy đảng tăng cường thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch cụ thể, sát tình hình thực tiễn của huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tích cực chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và lực lượng vũ trang đấu tranh, phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hàng năm, Huyện ủy, cấp ủy các cấp đều xây dựng chủ đề, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể gắn với nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên để thực hiện. Chỉ đạo tổ chức tốt “diễn đàn sinh hoạt chi bộ” thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII. Đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII vào sinh hoạt chi bộ định kỳ để đảng viên tự soi, tự sửa. Thực hiện nghiêm quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Kịp thời xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy chế làm việc hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương. Hoàn thành sáp nhập thôn, khu dân cư, đơn vị hành chính cấp xã; sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện, trường học, các hội quần chúng và thực hiện kiêm nhiệm chức danh, sau sắp xếp còn 18 xã, thị trấn, 92 thôn, khu dân cư, 45 trường học. Các tổ chức cơ sở đảng được củng cố, sắp xếp phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới, đã thành lập 01 Chi bộ Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Chất lượng sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ ngày càng được nâng lên, nội dung sinh hoạt từng bước đổi mới. Thành lập tổ công tác theo dõi và dự sinh hoạt định kỳ tại chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở. Thực hiện quy định của Trung ương, hằng năm tiến hành đánh giá, xếp loại đảng bộ, đảng ủy xã, thị trấn và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị theo khung tiêu chí đánh giá, sát với thực tiễn, góp phần nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng. Công tác phát triển đảng viên được thực hiện tích cực, từ sau đại hội lần thứ XIX đến nay đã kết nạp được 925 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn huyện lên trên 4.100 đảng viên. 100% thôn, khu dân cư đều có tổ chức đảng, tỷ lệ đảng viên giữ chức trưởng thôn chiếm trên 80%. Chất lượng đảng viên ngày càng được nâng lên.

Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ huyện Triệu Phong sẽ là tiền đề, cơ hội thuận lợi để Đảng bộ huyện khai thác tốt mọi tiềm năng, thế mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025./. Thủy Phương

 

 

[1] Trong đó rừng trồng là 14.718,8 ha.

717 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 831
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 831
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87121355