Những giải pháp để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Quảng Trị trong thời kỳ mới 

Để thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW, ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, ngày 17/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 174-KH/TU, trong đó đề ra 07 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Quảng Trị trong thời kỳ mới.

1. Tiếp tục đổi mi mạnh mẽ tư duy và phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu đối vi công tác văn học, nghệ thuật.

Cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật. Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần chú trọng tính đặc thù, nhạy cảm, tinh tế của văn học, nghệ thuật; vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ để tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, phản ánh sinh động công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về văn học, nghệ thuật.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quan tâm bố trí nguồn lực xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật bảo đảm hài hòa, hiệu quả.

Tập trung các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với văn học, nghệ thuật. Tăng cường các nguồn lực xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật đảm bảo hài hòa, tránh dàn trải, lãng phí. Đầu tư kinh phí có chiều sâu, trọng điểm để văn nghệ sĩ có thể sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng, giá trị nghệ thuật cao. Rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế các giải thưởng Văn học Nghệ thuật của tỉnh phù hợp với tình hình mới; tăng cường ban hành chính sách, khen thưởng, động viên, đãi ngộ đối với Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, tác giả có các tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao. Nghiên cứu xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích gắn kết giữa phát triển văn học, nghệ thuật với các ngành du lịch, dịch vụ; từng bước tạo lập các chương trình, sản phẩm, thương hiệu của tỉnh, địa phương trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Từng bước phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; xây dựng chế tài để điều chỉnh hành vi ứng xử, chuẩn mực của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; nâng cao ý thức pháp luật bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả. Chú trọng việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong nhà trường; từng bước nâng cao trình độ, năng lực cảm thụ thẩm mỹ của công chúng.

3. Thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của tỉnh.

Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật; chú trọng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ tham gia xây dựng và bảo vệ nền văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của văn hoá, con người Việt Nam nói chung, văn hoá, con người Quảng Trị nói riêng, góp phần tích cực triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, quê hương nhanh và bền vững.

4. Thực hiện tốt công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, uy tín, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; rà soát sửa đổi, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách liên quan tạo điều kiện phát triển văn học nghệ thuật.

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật đảm bảo trình độ, năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ đồng bộ cả về số lượng và chất lượng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn; có khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, con người Quảng Trị trong thời đại mới. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động văn học, nghệ thuật; khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Quảng Trị.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ các tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, nhất là chính sách tuyển dụng, tạo môi trường làm việc, tập trung vào đội ngũ văn nghệ sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao, có khả năng chủ trì các công trình nghiên cứu lớn, đặc biệt quan trọng, các văn nghệ sĩ có uy tín, có thành tựu, cống hiến. Rà soát sửa đổi, bổ sung, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ văn nghệ sĩ trẻ, nữ, công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong lực lượng vũ trang, đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị bảo đảm thống nhất, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả.

Kịp thời củng cố, kiện toàn tổ chức của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, chuyên nghiệp, hiệu quả, tập hợp đông đảo văn nghệ sĩ tham gia. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Văn học Nghệ thuật theo hướng nêu cao tính chủ động, sáng tạo; chủ động tham mưu đề xuất chính sách; tăng cường chức năng phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền; làm tốt vai trò cầu nối giữa văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước; tham gia ý kiến vào văn bản quy phạm pháp luật; chăm lo giúp đỡ hội viên, nắm chắc diễn biến tư tưởng cán bộ, hội viên. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo hội và các phân hội theo hướng chuẩn hóa và trẻ hoá. Cải tiến, nâng cao chất lượng Tạp chí Cửa Việt, phù hợp với xu thế mô hình báo chí đa phương tiện, tòa soạn hội tụ.

Tổ chức tốt, hiệu quả các đợt sáng tác chuyên đề, các trại sáng tác, chuyến đi thực tế trong và ngoài tỉnh, các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ của tỉnh.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá văn học, nghệ thuật

Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông và các nền tảng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật của tỉnh đến đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa, con người Quảng Trị cùng với hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông trong tuyên truyền, phổ biến tác phẩm văn học, văn nghệ nhất là trên không gian mạng. Tuyên truyền các hoạt động, phong trào văn nghệ quần chúng lành mạnh, phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phục vụ đông đảo các tầng lớp Nhân dân; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và các di sản văn hóa được công nhận cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh; chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, truyền bá, phát huy các loại hình văn học, nghệ thuật đặc sắc của quê hương (hò Như Lệ, Truyện trạng Vĩnh Hoàng, hò giã gạo...). Phát huy vai trò của các nghệ nhân trong việc thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian.

7. Đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế để văn học nghệ thuật vừa giữ vững bản sắc, vừa nâng cao khả năng hội nhập

Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế đặc biệt giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các hội văn học nghệ thuật, hội chuyên ngành trong nước và một số tổ chức văn học, nghệ thuật của các tỉnh lân cận thuộc nước bạn Lào và Thái Lan; tích cực tham gia liên hoan, hội diễn nghệ thuật do Trung ương tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, hình ảnh quê hương, con người Quảng Trị đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ hợp tác, giao lưu, tiếp cận với các xu hướng, sản phẩm văn học, nghệ thuật mới, tiến bộ trên thế giới.

Thực hiện tốt những giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật;  nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp Nhân dân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, phát triển tỉnh Quảng Trị nói riêng…. Đồng thời, khơi dậy những giá trị văn hóa, sức mạnh tinh thần con người Quảng Trị, tạo nguồn lực nội sinh, động lực đột phá để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Minh Huyền

10 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 543
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 544
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 90907131