Cách đây không lâu, tôi vào Quảng Trị tham gia một số cảnh quay đồng hành phục vụ chương trình kỷ niệm 50 năm chiến thắng Quảng Trị của Truyền hình Nhân Dân. Huy là phóng viên thường trú của báo trên địa bàn. Trong kịch bản, có cảnh một nhà thơ đi thuyền trên sông Bến Hải, suy tưởng về những gì xảy ra hơn 50 năm trước, khi con sông đang là giới tuyến chia cắt hai miền đất nước.
Huy nhờ địa phương thu xếp cho hai chiếc thuyền phục vụ đoàn làm phim. Vừa bước xuống thuyền, trong tôi bỗng trào lên cảm xúc bâng khuâng và bi tráng. Tính từ khi giới tuyến được vạch ra (1954), cho đến ngày Quảng Trị được giải phóng (5/1972), người dân hai miền, trong đó có cha tôi và đồng đội của ông, những anh bộ đội quân giải phóng, đã phải mất 18 năm mới vượt qua được con sông này. Bây giờ chúng tôi đi thuyền chỉ mất chưa đầy 5 phút.
Đi trên sông mà ngỡ đang đi trong mơ. Chúng ta có thể đo được chiều dài, chiều rộng của dòng sông, tính được lưu lượng dòng nước chảy; nhưng làm sao chúng ta đong đếm được biết bao giọt nước mắt đã rơi từ những người mẹ, người chị, những cặp vợ chồng, những đôi lứa yêu nhau ở hai bên bờ sông trong gần 20 năm chia cắt? Thế mới hiểu cái giá đau thương chất ngất do chiến tranh gây ra và giá trị lớn lao của hòa bình!
Mọi năm vào cữ này trời Quảng Trị trong và cao, chan hòa nắng. Thế nhưng năm nay chúng tôi gặp phải thời tiết trái mùa. Người Quảng Trị có câu “Lũ tháng Ba cháy nhà tháng Bảy”. Tháng Ba (âm lịch) là lúc lúa và hoa màu sắp kết bông, kết trái. Gặp lũ thì coi như mất trắng. Còn tháng Bảy (âm lịch) vừa thu hoạch mùa màng xong, bị cháy nhà thì cả năm đói. Tất nhiên, đây chỉ là cách dân gian ví von về những hiện tượng thiên tai bất ngờ, nguy hiểm. Quảng Trị mưa từ sáng sang chiều, rồi lan vào đêm. Lũ thượng nguồn ùn ùn về. Sông Bến Hải bình thường nước xanh lục, nay đục ngầu. Đứng trên cầu Hiền Lương, gió thổi mạnh như muốn hất người xuống sông.
Hai người chèo thuyền đưa chúng tôi từ bờ nam Bến Hải sang bờ bắc hóa ra là hai cha con. Hoài bảo với bố: “Gió mạnh lắm, để con chèo cho an toàn”. Hoài là công an viên của thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh. Những khi rảnh rỗi anh cùng cha chài lưới trên sông Bến Hải kiếm thêm con tôm, con cá cải thiện. Nay được tham gia chương trình về quê hương, anh vui lắm nhưng vẫn giữ thái độ điềm đạm.
Con thuyền rẽ những lùm cây bên bờ, lao ra giữa dòng sông, tiến về phía thượng nguồn. Gió thổi ào ào, xen lẫn những hạt mưa, nước sông chảy xiết. Con thuyền tròng trành, xoay ngang. Tôi nói bỡn: “Mình không thạo bơi đâu nhé”. Hoài trả lời chắc như đinh đóng cột: “Anh yên tâm, người của Trung ương vào, chúng em phải bảo đảm tuyệt đối an toàn. Nếu có sao, em quắp anh chỉ vài sải tay là tới bờ!”. Tôi ngước nhìn lên, dáng Hoài vít mái chèo in trên nền trời đầy mây, thật đẹp.
Đã bao nhiêu năm, hình như Quảng Trị đã phải quên rằng mình rất đẹp. Miền đất đầu giới tuyến, là túi hứng mưa bom, bão đạn, đã có bao nhiêu người ngã xuống. Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang, là nơi an nghỉ của hơn nửa triệu liệt sĩ. Trên đất nước của chúng ta, không có nơi nào ác liệt và đau thương như thế!
Khi nghĩ về Quảng Trị nhiều người sẽ nghĩ tới mầu đỏ, nhưng thật ra Quảng Trị rất xanh vì có nhiều núi, nhiều sông. Qua mỗi một vùng, sông có thể mang tên khác nhau, nhưng có ba con sông lớn nhất là Thạch Hãn, Bến Hải và Hiếu giang. Người ta còn nói tới sông Ô Lâu, nhưng Ô Lâu chủ yếu chảy trên địa phận Thừa Thiên Huế, chỉ ghé một chút vào Quảng Trị ở quận Hải Lăng.
Tất cả các con sông này đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Đến Quảng Trị, sông Hiếu đổ vào Thạch Hãn - con sông có chiều dài 150 km, dài nhất trong ba dòng sông. Trước khi đi ra biển Cửa Việt, Thạch Hãn với tay sang Bến Hải bằng một nhánh sông nhỏ tên là Cánh Hòm. Ngắn hơn Thạch Hãn 50 km, Bến Hải đi thẳng ra Cửa Tùng. Hai con sông đẹp này đã phải gánh rất nhiều nghĩa vụ bi tráng trong chiến tranh. Thạch Hãn từng được mệnh danh là dòng sông máu. Mỗi lần đi ngang cầu Thạch Hãn, gặp tượng đài 20 giọt máu soi xuống sông, lại muốn chảy nước mắt. Hai con sông này cùng phải gánh sứ mệnh lịch sử chia thành giới tuyến hai miền nam, bắc. Sông Bến Hải chia cắt đất nước sau hiệp định Geneve năm 1954, còn sông Thạch Hãn trở thành giới tuyến sau hiệp định Paris năm 1973.
Hằng tháng trời đi thực tế ở Bến Hải, Cửa Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã viết nên ca khúc Xa khơi bất hủ. Cũng tại Cửa Tùng, sau lần gặp gỡ với một người gác đèn biển, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã viết ca khúc da diết khát vọng thống nhất Câu hò bên bờ Hiền Lương. Những dòng sông không chỉ là nguồn sống của con người, cỏ cây, hoa trái; là những biểu tượng của sự chia cắt và khát vọng thống nhất mà còn là nguồn cảm hứng của thi ca, âm nhạc yêu nước.
Nhà thơ Bế Kiến Quốc có một bài thơ hay tên là Những dòng sông, trong đó hai câu thơ nhiều người nhớ: Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?/ Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông... Đến Quảng Trị, bơi trên dòng Bến Hải, đọc lại câu thơ này càng thêm thấm thía. Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng/ Mỗi con người gắn bó một dòng sông... Những dòng sông là mạch máu của đất đai, đi qua bão lửa chiến tranh, vượt lên chia cắt, đang bền bỉ hồi sinh sự sống nơi mảnh đất đau thương, trung dũng và rất đỗi thiêng liêng này.
Cảnh quay kết thúc khi chúng tôi thả xuống Bến Hải những bông hoa huệ, thầm khấn xin sông nước giúp dâng lên anh linh những người con đất Việt đã nằm xuống cho Tổ quốc có ngày hôm nay. Chúng tôi có cảm giác đúng lúc đó gió bỗng ngừng thổi, nước sông ngừng trôi, và một cánh cò trắng từ đâu bay vút lên trời. Có những điều bất ngờ ngẫu nhiên không thể giải thích được, nhưng trên vùng đất thiêng này lại thấy như một đương nhiên.