Những điểm sáng và những vấn đề đặt ra trong xử lý nợ xấu 

(ĐCSVN) - Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua. Nghị quyết này được các chuyên gia đánh giá là có những điểm sáng nhất định để giúp giải quyết vấn đề nợ xấu tồn đọng. Nghị quyết cũng được kì vọng rằng sẽ mang lại tính công bằng trong xử lí tài sản, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tốc độ xử lí nợ nhanh hơn.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Nghị quyết xử lý nợ xấu (Ảnh: L.N)

 

Điểm sáng kinh tế vĩ mô chung 6 tháng đầu 2017

Kinh tế, xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực với đà tăng trưởng khả quan. Tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm ước tính tăng 5,73% so với cùng kì năm trước.

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối năm cùng tăng 7,04% so với cùng kì năm 2016, đóng góp 8,48 điểm phần trăm, tích lũy tài sản tăng 9,5% đóng góp 4,26 điểm phần trăm, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 7,01 điểm phần trăm ở mức tăng trưởng chung.

Hoạt động của ngân hàng tính đến thời điểm 20/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016, cùng kì năm trước tăng 8,07%, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 5,89%, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54%.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,15% so với bình quân cùng kì năm 2016. Thu chi ngân sách nhà nước: tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2017 ước tính đạt 500,9 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 399,1 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước ước tính đạt 533,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán năm.

Hiện tại, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD ở mức dưới 3% tổng dư nợ cho vay, tuy nhiên nếu tính cả nợ xấu tại Công ty quản lý quỹ tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam thì tỷ lệ này lên tới 10,8% dư nợ nền kinh tế.

4 điểm sáng trong việc xử lý nợ xấu

Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua được nhận định có 4 điểm sáng gồm:

Thứ nhất, quy trình xử lý tài sản bảo đảm không trái Hiến pháp, không xung đột với Luật. Lúc trước, một TCTD bán nợ xấu phải qua tòa án, thời gian bắt đầu nhận cho tới khi xét xử sẽ rất lâu. Sự trì trệ gây thiệt hại không chỉ cho TCTD đó, còn thiệt hại cho khách hàng, cá nhân thế chấp tài sản đó. Khắc phục hạn chế này, Quốc hội đã cho tổ chức, cá nhân được phép xử lí giải quyết tài sản thế chấp. Đây chính là một điểm mới của Nghị quyết về xử lý nợ xấu này. Hơn nữa, để xử lí tài sản này, món nợ này đúng với giá thực của thị trường thì cần công khai đấu giá, vì thế, Nghị quyết đã cho ngân hàng, TCTD giải quyết, xử lí tài sản thế chấp. Công khai đấu giá mang lại sự minh bạch hơn rõ ràng hơn.

Thứ hai, giới hạn thời gian xử lý nợ xấu, thời gian giải quyết nợ xấu ngắn nhất, tránh thiệt hại tài sản cho Ngân hàng, khách hàng, TCTD và nhà nước đồng thời tránh sự ỷ lại cho các bên. Theo đó, giới hạn các khoản nợ xấu được đưa ra xử lý tất cả các khoản nợ phát sinh trước ngày 31/12/2016 và không xóa trách nhiệm đối với sai phạm của TCTD tính đến thời điểm này, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2017.

Thứ ba, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu theo giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Nếu từ trước, các ngân hàng rất ngần ngại bán khoản nợ đó cho một đối tác thì nay ngân hàng chỉ bán cho một người mua nợ (Công ty quản lý tài sản –VAMC), tài sản bảo đảm sẽ được chuyển sang tổ chức mua nợ đồng thời được định giá đó công khai và minh bạch.

VAMC có quyền lựa chọn tổ chức định giá độc lập, do đó, Nghị quyết quy định tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu (kể cả VAMC) nhưng phải thống nhất với TCTD trong việc lựa chọn tổ chức định giá độc lập. Điều này sẽ tránh được rủi ro là VAMC vì muốn được việc cho mình nên lựa chọn một tổ chức định giá độc lập nào đó mà có thể gây thiệt hại cho TCTD.

Thứ tư, cho phép ngân hàng thu giữ tài sản thế chấp và yêu cầu các cơ quan chức năng, trong đó có chính quyền địa phương và cơ quan an ninh hỗ trợ trong việc thu giữ tài sản thế chấp. Đối với tài sản thế chấp mà chủ tài sản đồng ý giao lại TCTD  thì việc thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế hai bên. Nếu chủ tài sản không đồng ý thì sẽ xử lý tại tòa theo quy trình rút gọn, mọi chi phí phát sinh sẽ do chính họ chi trả.

Bên cạnh những nội dung tích cực, Nghị quyết vẫn còn một số hạn chế, đó là: Điểm xác định nợ cần làm rõ hơn vì theo quy định thì Điều 4 của Nghị quyết này, nợ xấu là khoản nợ được hình thành trước ngày 15/8/2017. Hiểu theo nghĩa hẹp thì chỉ áp dụng nợ và nợ xấu phát sinh trước ngày 15/8/2017. Tuy nhiên, theo nghĩa rộng, có thể là nợ phát sinh trước ngày 15/8/2017 và có nguy cơ trở thành nợ xấu trong vòng 5 năm tới Nghị quyết này còn hiệu lực. Đây là điều đang được Nghị quyết bỏ trống, chưa rõ ràng. Thêm nữa, phải tính đến sự minh bạch trong việc tổ chức đấu giá. Nếu như có sự dàn xếp thì vô tình có thể là cho tài sản bán giá thấp hơn thị trường, gây tổn thất cho tài sản của ngân hàng và Nhà nước.

Giải pháp xử lý nợ xấu

 

Kỳ vọng vào VAMC sẽ xử lý hiệu quả nợ xấu (Ảnh: vov.vn)
 

Để giải quyết dứt điểm nợ xấu, thiết nghĩ, chúng ta cần phải “khoanh vùng nợ xấu”. Hiện tại, chúng ta đã thành lập Công ty VAMC để mua nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và VAMC đã mua lên 200.000 tỉ đồng nợ xấu từ các tổ chức thương mại, TCTD nhưng cho đến giờ này mới giải quyết được 15% tổng số những món nợ mua từ các ngân hàng thương mại.

 

Phía bên các ngân hàng thương mại, sổ sách nợ của họ vẫn còn rất lớn, khoảng 2,6% tổng dư nợ toàn ngành. Với hệ thống mua bán nợ hiện tại có 4 thành phần: VAMC của Ngân hàng nhà nước, VITC (Bộ Tài Chính), công ty con của ngân hàng quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) và các ngân hàng thương mại, 4 thành phần này trong thị trường mua bán nợ còn rất giới hạn.

Cho đến nay, tổng số nợ xấu ngân hàng hiện lên đến khoảng 600.000 tỉ đồng, tương đương 26 tỉ đô la, chiếm tỉ trọng 10,08% trên tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng. Con số nợ 600.000 tỉ đồng chiếm tổng số vốn chủ sở hữu của các ngân hàng 627.000 tỉ đồng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho đến cuối tháng 3/2017. Tổng số nợ xấu trên toàn ngành ngân hàng tương đương tổng số vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Tỉ lệ an toàn vốn theo Ngân hàng Nhà nước 12,6% trên tổng tài sản của các ngân hàng, nếu 50% nợ xấu trở thành thiệt hại, thì giảm tỉ lệ an toàn các ngân hàng từ 12,6% xuống khoảng 6%.

Theo luật pháp Việt Nam, các ngân hàng phải có tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%. Các ngân hàng khi cho vay thì vốn cho vay sẽ quay trở lại với ngân hàng, người vay đi trả nợ, ngân hàng dùng dòng vốn xoay vòng đó để hệ thống ngân hàng vận hành.

Nếu nợ xấu thì vốn không trở lại với ngân hàng, ngân hàng buộc phải huy động vốn mới để trả cho khách hàng đã gửi tiền, tức là nó ở trong vòng xoáy nếu ngân hàng không còn trả nợ nữa phải huy động vốn, từ đó đẩy lãi suất lên cao. Bởi các ngân hàng thiếu thanh khoản thì phải huy động vốn, mà cách huy động vốn nhanh nhất là tăng lãi suất tiền gửi. Ngoài ra, rất nhiều tài sản bảo đảm cho nợ xấu hiện đang bị treo, trở thành tài sản thiệt hại cho nền kinh tế, không trở thành sản phẩm hoàn thiện cho xã hội. Dễ dàng thấy, từ khủng hoảng bất động sản sẽ kéo theo cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực ngành nghề khác. Do đó, trước tiên, phải khoanh vùng nợ xấu, định khung, định hình để giải quyết dứt điểm nợ xấu.

Giải pháp tiếp theo được đưa ra là giảm bớt lãi suất mà doanh nghiệp đang nợ, có thể giảm lãi đến 50% lãi suất để doanh nghiệp có thời gian hoàn trả nợ, nếu không thì sẽ quay về mua bán nợ xấu (VAMC). Cần cho doanh nghiệp một thời gian nhất định có thể từ 6 -10 tháng để hoàn trả nợ. Sau thời gian đó, nếu doanh nghiệp vẫn chưa thể trả được thì giao cho công ty thu hồi nợ VAMC để xử lý, thì hiệu quả thu hồi nợ xấu sẽ tốt hơn. Từ đó cấu trúc lại dòng tiền, đưa ra những quyết sách để điều hành kinh tế vĩ mô theo những kỳ vọng mà Quốc hội đề ra./.

TS. Lê Bá Chí Nhân

786 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 950
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 950
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87083297