Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, Vĩnh Linh đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng hợp lý, năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, kết hợp sự đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, từng bước thay đổi được phương thức sản xuất lạc hậu. Vĩnh Linh đã xác định được bộ giống lúa chủ lực, ngắn ngày, có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất diện rộng các giống chất lượng cao để gia tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Nâng cao tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất như: HN6, Thiên ưu 8, Bắc hương 9, QS447, Đài thơm 8... đưa vào sản xuất đại trà tăng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu giống xác nhận và trên cấp xác nhận ở huyện đạt trên 95%- đây là yếu tố cơ bản trong cấu thành năng suất lúa.
Những cây màu, cây thực phẩm truyền thống được thị trường chấp nhận như từ, sắn dây, tía, môn các loại, ném không ngừng được mở rộng diện tích và chuyển dần sang sản xuất chuyên canh, thâm canh cao. Huyện tích cực hướng dẫn cho hộ nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng theo các công thức luân canh, xen canh, gối vụ cây trồng hợp lý nhằm tăng hệ số sử dụng ruộng đất và đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ như mô hình trồng dưa, rau củ quả sạch trong nhà màng với quy mô trên 5.500m2, xây dựng mô hình sản xuất rau sạch theo phương pháp thủy canh với quy mô trên 1.300m2 tại xã Trung Nam, xây dựng vườn sản xuất tiêu sạch tại xã Kim Thạch; mô hình trồng chuối đỏ Dacca, mô hình trồng Sâm bố chính tại xã Hiền Thành, mô hình trồng cây Hương bài dưới tán cao su, phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như ổi, chanh leo, vải thiều, thanh long ruột đỏ, xây dựng các vườn trồng chuyên canh tập trung cây ăn quả có múi tại các xã Trung Nam, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy và thị trấn Bến Quan với tổng diện tích hơn 30ha.
Trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoạt động hiệu quả, như liên kết với công ty CP đầu tư Nông lâm nghiệp- XNK Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm ớt với diện tích 46,6 ha; liên kết với công ty cổ phần Nafood Tây Bắc phát triển cây chanh leo với quy mô 18 ha.
Cùng với phát triển trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi chuyển biến tích cực. Huyện định hướng chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, đảm bảo với môi trường và nâng cao giá trị gia tăng. Thực hiện tốt công tác tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư hệ thống chuồng trại, thiết bị, dụng cụ chăn nuôi, hệ thống xử lý môi trường đúng tiêu chuẩn; ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi như chọn giống, sử dụng thức ăn, phối trộn thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trên địa bàn đã phát triển hàng trăm trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Năm 2020 có 4 trang trại chăn nuôi bò có quy mô 50 con trở lên; 02 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 500-1000 con; 03 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 1000-2500 con; 10 trang trại chăn nuôi gà có quy mô 5000-7000 con; 05 trang trại chăn nuôi gà có quy mô 8000-10000 con. Các trang trại chăn nuôi lợn, gà này đã thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên doanh liên kết với các công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Một trong những điểm sáng nữa của nông nghiệp Vĩnh Linh là sản xuất thủy sản đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ vươn lên làm giàu nhờ nuôi tôm, nuôi cá và các giống đặc sản khác. Nhờ định hướng phát triển sản xuất thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước sắp xếp chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển nên ngành thủy sản đạt được những kết quả tích cực, tổng sản lượng thủy sản năm 2020 ước đạt 5.650 tấn. Cơ cấu thủy sản nuôi có sự chuyển dịch tích cực, đưa nhiều đối tượng nuôi mới vào có hiệu quả (cá leo, cá hồng mỹ, cá chình, cá chẽm); thay đổi và phát triển nhiều quy trình mới có hiệu quả cao như quy trình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính, nuôi tôm hai giai đoạn theo quy trình sinh học. Ngoài việc nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh ở ao hồ thì mô hình nuôi cá- lúa, cá- lợn, cá- lúa-lợn kết hợp trên ruộng trũng để tận dụng diện tích mặt nước đang được duy trì và phát triển hiệu quả.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện tuyên truyền vận động các chủ rừng rà soát lại các diện tích rừng trồng có đủ điều kiện chuyển sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, đối với các diện tích đã khai thác trồng lại rừng, khuyến khích các chủ rừng sử dụng các loại giống tốt và chọn các biện pháp thâm canh rừng thích hợp, tạo ra các khu rừng đạt năng suất, chất lượng cao để cung cấp gỗ xẻ cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp được Vĩnh Linh thực hiện lồng ghép với việc hoàn thành các nhóm tiêu chí về nông thôn mới, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Linh đi vào thực chất, giúp thay đổi diện mạo, bộ mặt nông thôn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Kết quả năm 2020, toàn huyện có 12/15 xã sau sáp nhập đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, các xã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. 100% xã, thị trấn trên địa bàn có sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đến nay trên địa bàn huyện có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, gồm 02 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm đạt 3 sao.
Với những hướng đi, giải pháp hợp lý trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông nghiệp Vĩnh Linh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực và tiếp tục duy trì tăng trưởng, hiệu quả trên các lĩnh vực, tốc độ tăng giá trị sản xuất của ngành nông- lâm- thủy sản huyện Vĩnh Linh đạt 4,46%- đây được xem là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh những năm qua ngành nông nghiệp phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường biển, thiên tai, dịch bệnh.
Trong nhiệm kỳ mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tiếp tục được Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Linh lần thứ XIX xác định là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện góp phần thúc đẩy huyện phát triển; vì vậy, trong thời gian tới, để tạo bước chuyển nhanh hơn, bền vững hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân, xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển ổn định, bền vững, thúc đẩy KT-XH phát triển, Vĩnh Linh định hướng tập trung khai thác và tận dụng tối đa lợi thế của địa phương, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng trang trại, gia trại; áp dụng mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường hơn nữa việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản để thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nông nghiệp của địa phương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất quy mô lớn, gắn với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực hiện tốt các chính sách huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân nông thôn. Huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Thủy Phương
Tin tưởng với những giải pháp đã đề ra cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nông nghiệp Vĩnh Linh sẽ tạo những bước đột phá mới, tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.