Những điểm mới trong Quy định số 906-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử 

Ngày 17/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 906-QĐ/TU về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (Quy định 906) nhằm cụ thể hóa Quy định số 80-QĐ/TW, ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị và thay thế Quy định số 436-QĐ/TU, 437-QĐ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Quy định 906 được xây dựng trên cơ sở Quy định 80 của Bộ Chính trị, kế thừa những nội dung còn phù hợp của Quy định số 436-QĐ/TU, 437-QĐ/TU và bổ sung, sửa đổi một số nội dung được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn từ công tác cán bộ của tỉnh.

Quy định số 906-QĐ/TU, ngày 17/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử gồm có 05 Chương, 33 Điều, có nhiều nội dung mới so với các quy định trước đây.

 Về phân cấp quản lý cán bộ, có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cụ thể như: Bổ sung các nội hàm về tái cử, biệt phái; cho thôi giữ chức vụ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, cách chức đối với cán bộ vào nội dung trong quản lý cán bộ; bổ sung trách nhiệm, quyền hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc xem xét, quyết định điều chỉnh cơ cấu cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy ngoài cơ cấu “cứng” theo chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị; bổ sung trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong việc cho ý kiến về nhân sự thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đương chức tham gia làm thành viên hoặc giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; phân cấp và giao cho ban thường vụ cấp ủy cấp huyện chịu trách nhiệm lãnh đạo thực hiện quy trình và đề nghị Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến về nhân sự ứng cử chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh cho ý kiến về nhân sự ứng cử chức danh Phó Chủ tịch Hội đông nhân dân cấp huyện, trước khi giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu cử theo luật định; quy định rõ hơn về việc cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc nghỉ hưu mà tham gia lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài, làm chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy quyết định thành lập và kiện toàn các ban chỉ đạo, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, chỉ định bổ sung bí thư, phó bí thư các đảng đoàn, ban cán sự đảng; quyết định chỉ định, giới thiệu nhân sự bổ sung ban chấp hành, ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc; (3) quyết định quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (trừ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chức danh phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

Về trách nhiệm, quyền hạn của ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy khối: Bổ sung quy định cho phép ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy khối ủy quyền cho thường trực cấp ủy chỉ định, giới thiệu nhân sự bổ sung ban chấp hành, ban thường vụ các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; quyết định nâng lương thường xuyên và phụ cấp các loại đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội của huyện, thị xã, thành phố (trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền của Thường trực Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy). Quy định như vậy nhằm đẩy mạnh phân cấp, tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị thực hiện kịp thời các nội dung trong công tác cán bộ, đồng thời có sự đồng bộ, thống nhất với trách nhiệm, quyền hạn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Riêng các Đảng ủy Quân sự, Công an, BĐBP tỉnh, do thường trực cấp ủy chỉ có 02 đồng chí (bí thư và 01 phó bí thư) nên để đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, đa số quá bán, đề xuất không thực hiện việc ủy quyền cho thường trực cấp ủy quyết định các nội dung này.

Về phân cấp quản lý đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nghỉ hưu: Bổ sung thêm trường hợp cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý sau khi nghỉ hưu phải xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi thực hiện, cụ thể: Làm thành viên, lãnh đạo, quản lý các tổ chức có yếu tố nước ngoài; làm chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), giám đốc (tổng giám đốc) doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đã bổ sung, làm rõ hơn về trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ và các cơ quan liên quan trong việc thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Về nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử bổ sung thêm tiêu chí “uy tín của cán bộ”, theo đó, nếu như cán bộ không có uy tín hoặc chưa đủ uy tín thì sẽ không được bổ nhiệm cán bộ; không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Về tiêu chuẩn, điều kiện, bổ sung thêm 03 tiêu chuẩn mới theo Quy định số 80-QĐ/TW, đó là: Bổ sung quy định “quy hoạch chức danh tương đương trở lên” đối với cán bộ được giới thiệu từ nguồn nhân sự tại chỗ khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nhằm thuận lợi hơn trong công tác cán bộ, qua đó không chỉ góp phần cải cách thủ tục hành chính, phù hợp hơn với thực tiễn mà chức danh tương đương còn giúp tăng thêm nguồn cán bộ trong quá trình xem xét, giới thiệu để đảm bảo sự đồng bộ với công tác quy hoạch cán bộ.. Bổ sung điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, đây là quy định nhằm siết chặt việc “thăng tiến thần tốc” của cán bộ. Thời hạn xem xét bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đối với cán bộ bị kỷ luật được  nâng lên: Nếu như trước đây chỉ quy định chung cho các hình thức kỷ luật là 01 năm thì nay quy định cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong 12 tháng đối với hình thức kỷ luật khiển trách, 30 tháng đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo, 60 tháng đối với hình thức kỷ luật cách chức (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật).

Về trình tự, thủ tục bổ nhiệm, quy định trình tự, thủ tục đầy đủ để thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ, gồm: (1) Xin chủ trương, (2) Cho chủ trương, (3) Đề xuất nhân sự, (4) Thẩm định nhân sự, (5) Quyết định nhân sự, (6) Thông báo, quyết định bổ nhiệm, xếp lương chức vụ, (7) Công bố quyết định bổ nhiệm.  Trong đó, tại bước 5, bổ sung thêm quy định: Trường hợp cần thiết, nếu Ban Thường vụ hoặc Thường trực Tỉnh ủy chưa bố trí được lịch họp, Ban Tổ chức Tỉnh ủy gửi báo cáo và phiếu biểu quyết xin ý kiến các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Về quy trình bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử từ nguồn nhân sự tại chỗ được bổ sung, hoàn thiện theo hướng tăng vai trò, thẩm quyền trong việc thực hiện quy trình nhân sự, từng hội nghị chỉ được tiến hành khi có người đứng đầu chủ trì (trừ trường hợp khuyết người đứng đầu) và có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt; xác định rõ hơn trách nhiệm cho tập thể lãnh đạo chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự; đồng thời, bổ sung nguyên tắc xem xét đối với nhân sự phải đạt từ 30% phiếu giới thiệu trở lên; trường hợp không có người đạt số phiếu 30% trở lên, thì không tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo; bổ sung thêm cách tính kết quả tỷ lệ phiếu giới thiệu nhân sự ở các hội nghị trên tổng số đại biểu được triệu tập.

Đối với nguồn nhân sự tại chỗ (quy trình gồm 06 bước), đã bổ sung ở bước 2 (hội nghị ban chấp hành lần 1/tập thể lãnh đạo mở rộng) nội dung “Người đứng đầu trao đổi định hướng về cơ cấu nhân sự phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương” để hội nghị thảo luận và tiến hành giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín. Điều chỉnh nguyên tắc lựa chọn tại Bước 2 và Bước 3: Đồng chí nào đạt số phiếu giới thiệu cao nhất trên 50% thì được lựa chọn (tính trên số triệu tập). Trường hợp không có đồng chí nào đạt trên 50% thì chọn tất cả những người có số phiếu đạt từ 30% trở lên để giới thiệu ở bước tiếp theo. Nếu không có đồng chí nào đạt số phiếu 30% trở lên thì tạm dừng quy trình, báo cáo Ban Thường vụ hoặc Thường trực Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo. Tại Bước 4 (hội nghị cán bộ chủ chốt): Bên cạnh việc trình bày chương trình hành động, cán bộ được bổ nhiệm phải trình bày bản kê khai tài sản thu nhập để phù hợp với Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ “về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.

Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác bổ sung thêm quy định “Khi nhận được đề nghị điều động cán bộ, tập thể lãnh đạo, ban thường vụ cấp ủy (hoặc cấp ủy nơi không có ban thường vụ) hoặc ban thường vụ cấp ủy địa phương nơi cán bộ công tác thảo luận, tiến hành lấy phiếu về đề nghị điều động cán bộ. Trường hợp có trên 50% số người triệu tập đồng ý thì trao đổi, thống nhất với cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị điều động, nếu đạt 50% thì người đứng đầu xem xét, quyết định trước khi trao đổi. Đối với nhân sự khi thành lập mới, chia tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức, Quy định đề ra 03 quy trình tương ứng với 03 trường hợp, gồm khi thành lập mới, khi sáp nhập hợp nhất và khi chia tách.

Quy trình, nguyên tắc bổ nhiệm lại cán bộ được bổ sung, hoàn chỉnh, theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thông báo thời gian bổ nhiệm lại trước 90 ngày; quy định cụ thể trường hợp cán bộ đang trong thời gian thi hành kỷ luật; việc bố trí công tác khác đối với cán bộ không được bổ nhiệm lại.

Quy trình hiệp y quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh quy định rõ: Chỉ các cơ quan, đơn vị được tổ chức theo ngành dọc (từ Trung ương đến địa phương) mới thực hiện công tác hiệp y nhân sự với cấp ủy địa phương trước khi bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý của tổ chức đó tại địa phương. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức không tổ chức theo ngành dọc, thì không thực hiện công tác hiệp y nhân sự, trừ trường hợp khác có quy định riêng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương.

Các nội dung được quy định trong Quy định số 906-QĐ/TU, ngày 17/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. HY- tổng hợp

1256 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Thông tin hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 924
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 924
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76699923