Những con số ấn tượng về phát triển kinh tế sau 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị (01/7/1989 – 01/7/2019) 

Ngày 01/7/1989, tỉnh Quảng Trị chính thức được lập lại. 30 năm - một chặng đường xây dựng và phát triển, là dịp để nhìn lại, khẳng định những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó, lĩnh vực kinh tế đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,8%/năm. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng  tăng 14,5%; khu vực dịch vụ tăng 9%, nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,6%; Quy mô nền kinh tế tăng 188 lần so với năm 1989 (tổng sản phẩm năm 2018 đạt 27.503 tỷ đồng, năm 1989 tính theo giá hiện hành đạt 146,5 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 tăng gấp 7,6 lần năm 1989 (đã loại trừ yếu tố tăng giá).

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, chuyển mạnh từ nền kinh tế “thuần nông” (sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, chiếm đến 62,3%) sang “công nghiệp - dịch vụ” (khu vực kinh tế phi nông nghiệp chiếm 78,5%). Đây là nền tảng quan trọng để đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Trong nội bộ các ngành kinh tế cũng có sự chuyển biến tích cực.

Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đã thực sự trở thành ngành sản xuất hàng hóa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Song song với nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, trong nông nghiệp đã tăng tỷ trọng các cây trồng, vật nuôi có năng suất, hiệu quả kinh tế cao, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy, đa dạng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực có hạt từ 11,3 vạn tấn năm 1989 tăng lên 28,9 vạn tấn năm 2018. Diện tích và sản lượng các cây công nghiệp dài ngày tăng nhanh. Đến năm 2018, diện tích cao su toàn tỉnh là 19.285 ha, tăng 4,6 lần so với năm 1989; cà phê 4.905 ha, tăng 6,6 lần; hồ tiêu 2.505 ha, tăng 3,8 lần.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có trên 300 ha lúa canh tác theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên; trên 100 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên doanh, liên kết có hiệu quả, gắn với thương hiệu sản phẩm hàng hóa được tiêu thụ trong và ngoài nước như gạo sạch Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, chè vằng La Vang, cà gai leo An Xuân, tiêu Cùa... trong đó, hồ tiêu đã xuất khẩu sang Mỹ và Pháp.

Nét nổi bật của ngành lâm nghiệp trong 30 năm qua đó là phát triển mạnh vốn rừng và chất lượng rừng. Độ che phủ rừng từ 21,5% năm 1989 tăng lên 50,1% năm 2018. Diện tích trồng rừng được cấp Chứng chỉ FSC 22.159 ha, dẫn đầu cả nước; công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu cho người trồng rừng, mở ra hướng phát triển trong sản xuất kinh doanh từ gỗ rừng trồng.

Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, theo hướng thâm canh bán công nghiệp, gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng đàn, tăng tốc độ chu chuyển đàn.

Hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy sản có chuyển biến tích cực. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 32.210 tấn, tăng 6,5 lần so với năm 1989. Diện tích nuôi trồng thủy tăng 82 lần, sản lượng tăng 234 lần so với năm 1989. Tổng công suất tàu thuyền tăng từ 38.063CV năm 2000 lên 112.760 CV năm 2018.  

Kinh tế nông nghiệp phát triển, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân trong tỉnh được cải thiện và từng bước nâng cao, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp; cơ cấu kinh tế, cơ cấu sử dụng lao động ở nông thôn từng bước chuyển dịch.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt được những kết quả toàn diện và thiết thực. Đến nay, đã có 52/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 24 xã đạt từ 15-18 tiêu chí. Tổng số tiêu chí đạt bình quân là 14,81 tiêu chí/xã. Dự kiến đến năm 2020, huyện Cam Lộ sẽ đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm 1989 - 1990, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa ít về số lượng, vừa bế tắc trong sản xuất kinh doanh. Từ năm 2001 đến nay, sản xuất công nghiệp đã có bước khởi sắc và ngày càng phát triển. Năm 1989 toàn tỉnh chỉ có 1.653 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đến nay, đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho 20.991 lao động. Trong đó, có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô khá lớn, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, Chỉ số phát triển công nghiệp trong 30 năm qua tăng bình quân 14%/năm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được thương hiệu, uy tín trên thị trường, sản xuất với sản lượng khá lớn.

Sản xuất công nghiệp đã tập trung vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, hải sản tạo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp và năng lượng tái tạo. Trong đó, đã chú trọng công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực địa phương có tiềm năng, lợi thế như công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp năng lượng, công nghiệp siliccat, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương. Hiện nay, đã có 7 nhà máy thủy điện, 01 nhà máy điện gió, với tổng công suất 153,9 MW đi vào hoạt động. Trong năm 2019 sẽ đưa vào vận hành 01 nhà máy điện gió và 01 nhà máy điện mặt trời với công suất 79,5 MW; đã trình Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch 15 dự án điện gió với tổng công suất 600 MW và 3 dự án điện mặt trời công suất 145 MWp.

Hoạt động thương mại - dịch vụ quy mô ngày càng tăng với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế. Năm 1989, toàn tỉnh có khoảng 7.300 cơ sở kinh doanh thương nghiệp, với 8.500 lao động, thì đến năm 2018 đã có 28.916 cơ sở kinh doanh thương nghiệp, giải quyết 45.758 việc làm. Thương mại - dịch vụ không chỉ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng mà đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho xã hội. Mạng lưới thương nghiệp được quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 77 chợ, 23 siêu thị. Nhiều siêu thị, cửa hàng, cửa hiệu văn minh, hiện đại ra đời làm thay đổi bộ mặt đô thị. Hệ thống phân phối hàng hóa được thiết lập, hàng hóa lưu thông thông suốt từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được chú trọng thực hiện.

Du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, những năm qua, hạ tầng các khu, cụm, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và giữ gìn để khai thác phục vụ du lịch.  Năm 2007, toàn tỉnh có 63 khách sạn, với 1.250 phòng, đến năm 2018, tăng lên 182 khách sạn, với trên 3.000 phòng (trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao). Đã từng bước xây dựng và phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch địa phương có thế mạnh như: Tour du lịch “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”. Tour Khu phi quân sự (DMZ), du lịch tâm linh, du lịch biển, đảo..., bước đầu kết nối có hiệu quả các tour du lịch trên Hành lang kinh tế Đông - Tây, liên kết 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Doanh thu du lịch tăng từ 6,6 tỷ đồng năm 1995 lên 114 tỷ đồng vào năm 2018.

Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển được chú trọng. Vốn đầu tư phát triển liên tục tăng. Trong giai đoạn 1989 - 1995 tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, giai đoạn 1996 - 2000 khoảng 1.930 tỷ đồng, giai đoạn 2001- 2005 trên 5.200 tỷ đồng, giai đoạn 2006 - 2010 trên 17.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 trên 42.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2018 trên 36.000 tỷ đồng. Tính chung, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 1989 - 2018 theo giá hiện hành đạt gần 103.000 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội trong GRDP ngày càng cao, thời kỳ 1989-1995 chiếm 25,6 %; thời kỳ 1996 - 2000 chiếm 28,1%; thời kỳ 2001 - 2005 chiếm 45,6 %; thời kỳ 2006 - 2010 chiếm 49,77 %; thời kỳ 2011-2015 chiếm 50,5% và thời kỳ 2016- 2018 chiếm 48,3%, cho thấy sức hấp dẫn của nền kinh tế tỉnh ngày càng tăng; các giải pháp huy động vốn được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, thiết thực và hiệu quả hơn.

Bên cạnh việc tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh và đổi mới với quyết tâm tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư. Nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng nhanh. Giai đoạn 2001 - 2005, mỗi năm chỉ thu hút được một vài dự án với số vốn đăng ký khoảng 150 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2018, trung bình mỗi năm thu hút và cấp phép đầu tư trên 50 dự án với tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2011-2015 cấp phép đầu tư 135 dự án với tổng vốn đăng ký 35.213 tỷ đồng. Tổng vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 2006 - 2010 gấp 22,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, giai đoạn 2011-2015 gấp 41 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 và giai đoạn 2016-2019 tăng gấp 61,8 lần so với giai đoạn 2001- 2005.

Nguồn vốn nước ngoài không ngừng tăng lên, từ 04 tỷ đồng năm 1992  tăng lên 15.011 tỷ đồng vào năm 2018, bình quân mỗi năm hơn 688 tỷ đồng, đóng góp khoảng 14,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và gần 39% vốn đầu tư từ ngân sách. Hoạt động hội nhập quốc tế của tỉnh phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu; số lượng và tổng mức đầu tư các dự án ngày càng lớn; đối tác trong hợp tác phát triển và đầu tư phong phú, đa dạng hơn. Đến nay, tỉnh đã và đang phát triển quan hệ hợp tác với 22 nhà tài trợ song phương và đa phương; có 05 quốc gia đã và đang có dự án đầu tư vào tỉnh là: Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản và Đan Mạch; đã tiếp nhận sự hỗ trợ của trên 50 tổ chức phi Chính phủ nước ngoài.

Kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ những ngày đầu tỉnh nhà được lập lại, xác định huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng là giải pháp quan trọng hàng đầu cần được ưu tiên thực hiện. Trong lĩnh vực giao thông: Năm 1989 toàn tỉnh có 262 km đường quốc lộ, 30,5 km đường tỉnh lộ và 358,4 km đường huyện, còn 15 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm. Đến nay, toàn tỉnh có gần 7.200 km đường bộ, trong đó 464 km quốc lộ, 320 km tỉnh lộ, 42 km đường đô thị, 1.600 km đường huyện và nội thị, 1.015 km đường xã và 3.800 km đường thôn xóm. Nhiều cầu lớn được đầu tư đưa vào sử dụng: Cầu Đông Hà, cầu Hiền Lương, cầu Cửa Việt, cầu Cửa Tùng, cầu Đại Lộc, cầu Bắc Phước..., 100% xã có đường ô tô về trung tâm.  

Trong lĩnh vực thủy lợi: Ngày tỉnh nhà lập lại, các hồ, đập chỉ đáp ứng tưới cho 30-35% diện tích gieo trồng. Đến nay, các công trình thủy lợi đã đảm bảo tưới cho trên 85% diện tích gieo cấy, cấp nước cho 1975 ha nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh có 479 công trình thủy lợi lớn nhỏ; hệ thống kênh tưới, tiêu dài hơn 2125 km, có 177 km đê và 40 km kè dọc bờ sông, bờ biển.

Hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống được tập trung đầu tư phát triển.  Đến nay 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia, số hộ sử dụng điện tăng từ 41,2% năm 1994 lên 97,6% năm 2004 và năm 2018 gần 100%.

Ngày đầu tỉnh nhà lập lại chỉ có 1 nhà máy nước công suất nhỏ cung cấp nước cho các hộ dân trung tâm thị xã Đông Hà; đến nay toàn tỉnh có 10 hệ thống cấp nước sạch tập trung công suất 50.500 m3/ngày đêm, đảm bảo cung cấp nước sạch cho các đô thị và một bộ phận dân cư vùng nông thôn.

Hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, công trình phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi căn bản và rõ rệt.

Nhìn lại những kết quả đã được trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, bước đi thích hợp, căn cơ; trọng tâm, trọng điểm, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, biến những khó khăn thành cơ hội phát triển... tỉnh ta sẽ tiếp tục tiến xa, tiến nhanh hơn trong thời gian tới. Thanh Lan

 

2026 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 777
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 777
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77584126