Hoàn thành và vượt 5/5 chỉ tiêu kế hoạch đề ra
Năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã đạt và vượt 5/5 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó có một số chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc như tăng trưởng ngành, kim ngạch xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Cụ thể: Một là, tốc độ tăng trưởng trong GDP đạt 3,76% (Chính phủ giao 2,8 - 3%); hai là, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (chỉ tiêu trong kịch bản tăng trưởng 3,25%); ba là, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40,02 tỷ USD (Chính phủ giao 36 - 37 tỷ USD); bốn là, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 41,65% (Quốc hội, Chính phủ giao là 41,6%); năm là, tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 42,4% (Chính phủ giao là 37%).
Năm 2018, xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt trên 40 tỷ USD (Ảnh: BT)
Xuất khẩu nông sản đạt mức kỷ lục với trên 40 tỷ USD
Trong bối cảnh thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động, tiêu biểu là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thị trường nông sản lớn của Việt Nam bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu; sự sụt giảm mạnh của giá cả các mặt hàng cây công nghiệp trên thị trường thế giới, nhất là tiêu, đường, tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đã vượt lên các khó khăn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam trong năm 2018 ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017.
Tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (tôm: 3,59 tỷ USD, rau quả: 3,81 tỷ USD, hạt điều: 3,43 tỷ USD, cà phê: 3,46 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 8,86 tỷ USD).
Với giá trị xuất khẩu 40,02 tỷ USD, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt con số kỷ lục, khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới).
Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 42,4%
Tính đến tháng 12/2018, cả nước đã có 3.787 xã (chiếm 42,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã; 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước chỉ còn 21 xã dưới 5 tiêu chí.
Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những con số hết sức ấn tượng, là thành quả to lớn, cho thấy xây dựng nông thôn mới là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đã thực sự trở thành một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia.
Theo tiến độ như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2019, cả nước sẽ có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa với việc sẽ hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Tính đến tháng 12/2018, cả nước đã có 3.787 xã (chiếm 42,4%)
được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (Ảnh: BT)
Hoàn thiện nhiều hạng mục văn bản quy phạm pháp luật
Năm 2018 là năm ghi nhận ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng về công tác thể chế, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi – cơ sở pháp lý của những lĩnh vực sản xuất quan trọng của ngành đã được Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước cũng như sản xuất, kinh doanh trong nước. Đi liền với đó là việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành 19 Nghị định hướng dẫn thực hiện các Luật.
Số văn bản quy phạm pháp luật ban hành tăng 10,5% so với năm 2017. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã trình 17/17 đề án, đạt 100% kế hoạch; hoàn thành thực hiện 412 nhiệm vụ được giao trên Hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi của Văn phòng Chính phủ .
Thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 35/NQ-CP, số 19-2018/NQ-CP, năm 2018, Bộ NN&PTNT đã đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thực hiện mạnh mẽ việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, đơn giản hóa 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50,15%). Đồng thời, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 32/63 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành (đạt 50,8%), lược bỏ được 5.930/7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành có gắn mã HS (đạt 77,03%), nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Có thể thấy, năm 2018 là năm ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được nhiều con số đáng ghi nhận, là tiền đề và động lực quan trọng để thúc đẩy ngành tiếp tục phấn đấu đạt được những kết quả tốt hơn nữa trong năm 2019./.
BT