Những cô gái “săn” bom chùm 

(SGGP)- Nơi vùng cát ven biển thuộc thôn Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa. Trời đứng gió, không khí càng trở nên oi bức, ngột ngạt nhưng những cô gái trong đội rà phá bom chùm MAT19 vẫn miệt mài dò dẫm từng bước, rà phá những thần chết ẩn giấu dưới lòng đất.

Săn… tử thần

Đội rà phá bom chùm MAT19 được thành lập từ tháng 10-2018. Đây là đội nữ duy nhất thuộc Tổ chức phi chính phủ Nhóm cố vấn bom mìn (MAG) tham gia hoạt động rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong đó, có 13 thành viên là nữ, còn lại chỉ một thành viên nam phụ trách công việc lái xe.

Một ngày của những cô gái bắt đầu lúc từ tờ mờ sáng và về tới nhà lúc chiều tà. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, ngày ngày họ vẫn âm thầm làm việc trên vùng đất lửa Quảng Trị với nhiệm vụ rà tìm và hủy nổ những bom mìn còn sót, để trả lại đất sạch và an toàn cho người dân canh tác.

Những cô gái 'săn' bom chùm ảnh 1
Công việc hàng ngày, dùng máy rà khung rộng để xác định tín hiệu bom mìn tại hiện trường rà phá
Tranh thủ thời gian nghỉ, chị Dương Thị Hồng (49 tuổi, trú TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) gần 20 năm gắn bó với công việc, chia sẻ: “Mỗi ngày, chị thức dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị cơm nước và đồ dùng cần thiết cho con, xong mới có thể an tâm đi làm, vì từ nhà tới nơi đội làm việc khá xa, công việc phải làm cả ngày nên mọi thứ phải chuẩn bị trước. Đúng 6 giờ sáng, chị cùng mọi người phải có mặt tại văn phòng ở huyện Hải Lăng để bốc xếp đồ đạc, rồi lên xe di chuyển tới khu vực làm nhiệm vụ”. 

Tiếp lời, đứng cạnh bên, chị Trương Thị Thu Vân (26 tuổi, ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh) là thành viên trẻ tuổi nhất trong đội, cho biết: “Đến tháng 10 năm nay là đã tròn 2 năm em làm công việc này. Là công việc luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm nên không được sai sót và không có chuyện rút kinh nghiệm, vì chỉ cần một sai sót dù là nhỏ nhất, cũng phải đánh đổi bằng cả tính mạng”.

Đây là ngày thứ 41 mà đội làm việc tại vùng cát thuộc thôn Kim Long, khu vực được xác định là ô nhiễm bom chùm. “Loại này rất nguy hiểm, vì chỉ cần bị chạm hay được di chuyển, chúng sẽ phát nổ ngay, gây nguy hiểm đến tính mạng”, chị Vân cho biết thêm.

Bom chùm được phát hiện sẽ đánh dấu và tiến hành hủy nổ tại chỗ vào cuối giờ làm việc, còn với những vật liệu nổ có kích thước lớn thì sẽ được vận chuyển về bãi nổ tập trung của dự án để hủy nổ.

Đến nay, đội MAT19 đã tìm thấy 52 quả bom chùm, cùng 13 vật liệu nổ khác trên diện tích 169.088m2 tại khu vực này. Nhiệm vụ dự kiến kết thúc vào cuối năm 2020, với tổng diện tích phải làm sạch 406.884m2.

Nhìn những vệt áo ngả màu vì dầm mưa nắng, cùng những giọt mồ hôi ướt đẫm trên những gương mặt không kịp lau, vội vã rơi xuống tan dần trong cát trắng, mới thấu hiểu được sự khó khăn vất vả của công việc này. 

Mong màu xanh về trên đất lửa

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lửa Quảng Trị, vùng đất chịu sự tàn tàn phá khốc liệt trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, hơn ai hết, các chị hiểu thấu những nỗi đau thương, mất mát mà bom mìn gây ra. Theo thống kê, tỉnh Quảng Trị có 390.000ha/479.413ha đất bị ô nhiễm nặng nề bởi bom mìn và vật liệu nổ (chiếm trên 83% tổng diện tích toàn tỉnh); có hơn 8.500 người bị thương vong, trong đó số người chết là 3.425.

Chị Trần Thị Hạnh (44 tuổi, trú thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) có chồng là nạn nhân của bom mìn, cho biết: “Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in vụ nổ kinh hoàng hôm đó, người ta đưa chồng tôi đi bệnh viện trong tình trạng người đầy máu và những mảnh găm”.

Những cô gái 'săn' bom chùm ảnh 2
Những cô gái trong đội rà phá bom chùm MAT19
Theo lời chị kể, năm 2003, chồng chị là anh Nguyễn Văn Nam, khi ấy làm nghề thu gom phế liệu, vô tình nhặt được một khối sắt vụn có kích thước lớn. Cứ nghĩ là vật liệu đã nổ từ lâu vì nằm sâu trong lòng đất như mọi lần, nên anh mang về bán để trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng thật không may, khối sắt vụn lần này lại là quả bom chưa nổ. Sau tai nạn, dù sức khỏe đã hồi phục nhưng anh mất khả năng lao động, gia đình gặp nhiều khó khăn, do anh là lao động chính trong nhà. Sau tai nạn của chồng, năm 2008, chị Hạnh chính thức trở thành thành viên của đội rà phá bom mìn MAT19.

“Đến nay đã hơn 12 năm, đội đã xử lý hàng ngàn quả bom mìn nhưng cảm xúc vẫn y như những ngày đầu, sau mỗi đợt hủy nổ thành công. Vì sau những tiếng nổ là sự bình yên mang đến cho mọi người, diện tích ô nhiễm bom mìn giảm. Mỗi nơi mà đội đi qua đều để lại nhiều kỷ niệm khó quên, nhất là khi nhìn thấy vùng đất từng dày đặc bom mìn giờ đây được người dân trồng trọt, phủ xanh bằng những cánh đồng ngô, sắn trải dài. Chị em chúng tôi chỉ mong được góp một phần nhỏ, đem dần màu xanh về trên mảnh đất này, mong cuộc sống mọi người được bình yên, không còn những tiếng nổ, những tai nạn, thương tật do bom đạn chiến tranh để lại” - chị Hạnh tâm sự.

Nhiều năm qua, cũng nhờ có công việc này mà giờ cuộc sống gia đình chị cũng như các chị em khác dần ổn định hơn, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Và, theo đó là những vùng đất lửa được phủ xanh bởi hoa màu.

NGUYỄN HOÀNG

447 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 648
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 648
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87119364