Những chặng đường lãnh đạo, phát triển văn hóa của Đảng 

Lịch sử khẳng định, từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và công tác xây dựng văn hóa, thường xuyên chỉ đạo xây dựng nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp để khai thác, phát huy sức mạnh của văn hóa qua từng giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước, dân tộc ta, ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hóa của dân tộc; và năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hóa Việt Nam”, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)”, và chủ trương phát triển văn hóa theo hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Tháng 2/1943, “Đề cương văn hóa Việt Nam” được thông qua tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng. Đây được coi là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. “Đề cương văn hóa Việt Nam” giải quyết những vấn đề cơ bản về tư tưởng, học thuật và mục tiêu, nhiệm vụ của nền văn hóa nước nhà, tạo nền tảng ban đầu cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. “Đề cương văn hóa Việt Nam” đã góp phần thức tỉnh, tập hợp những nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ và đông đảo quần chúng nhân dân tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do Đảng ta lãnh đạo.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 16/7/1948, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc bản báo cáo “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, xác định rõ đường lối, phương châm phát triển văn hóa Việt Nam từ trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Văn hóa - văn nghệ được xác định là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Những định hướng đó còn tiếp tục chỉ đạo nền văn hóa trong cả cuộc kháng chiến chống xâm lược tiếp theo và sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc. Sức mạnh văn hóa từ truyền thống được tỏa sáng và nâng cao trong Thời đại Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh to lớn, góp sức để quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. 

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị rất quan trọng để tập trung xây dựng và phát triển văn hóa. Tổng kết những thành tựu đã đạt được về lĩnh vực văn hóa những năm đầu thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, năm 1998, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là những nghị quyết có ý nghĩa chiến lược về phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta khẳng định vai trò của văn hóa, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đây là một bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, đã đặt đúng vị trí, vai trò của văn hóa trong những nhân tố phát triển, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới.  

 “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Tháng 6/2014, Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI đã ban hành Nghị quyết “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Nghị quyết số 23 -NQ/TW). Nghị quyết chỉ rõ văn hóa “là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Từ các quan điểm chỉ đạo liên tục và xuyên suốt của Đảng, cuối nhiệm kỳ khóa XII, Bộ Chính trị đã ra Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH T.Ư khóa XI, nhấn mạnh: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị”.

Đại hội XIII của Đảng xác định những quan điểm, chủ trương mới, sâu sắc và toàn diện, đột phá về phát triển văn hóa, con người và nguồn nhân lực: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển”. Đảng ta xác định chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong thời gian tới là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định và định hướng phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, những đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa dân tộc, là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn của đất nước trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng, Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược…

Có thể nói, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển đất nước. Đảng ta đã luôn đưa ra những chỉ đạo sâu sắc và kịp thời đối với từng giai đoạn phát triển của đất nước và trong mọi hoàn cảnh, những chỉ đạo của Đảng luôn bám sát thực tiễn, thích ứng sự thay đổi của thực tiễn, đồng thời phù hợp với bối cảnh thế giới và sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, gần một thế kỷ đã trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa cách mạng Việt Nam luôn là một động lực tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần, tư tưởng to lớn cùng với sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế trong chiến lược tổng hợp để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Những thành tựu ấy có tính bao trùm, hàm chứa xuyên suốt từng thời kỳ của tiến trình cách mạng, phản ánh sự phát triển văn hóa của dân tộc. Minh Huyền - TH

37 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 588
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 588
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 85296313