Những câu chuyện xúc động tại chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' 

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu vô cùng xúc động trước những tâm sự, trăn trở của các thầy cô giáo tiêu biểu dạy trẻ khuyết tật được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, tối 15/11.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời tri ân tới các thầy cô giáo. Ảnh: VGP/Đình Nam

48 thầy cô đến từ nhiều vùng miền trên cả nước là những tấm gương tiêu biểu trong dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật. Đó không chỉ là những giáo viên đang công tác trong các trung tâm, cơ sở chăm sóc, dạy trẻ khuyết tật mà còn có cả những người dạy hoà nhập cho trẻ khuyết tật trong trường học bình thường. Nhưng dù ở đâu mỗi người thầy, người cô đều luôn yêu thương hết lòng vì những học sinh khuyết tật, kém may mắn.

Như câu chuyện kể của thầy giáo khiếm thính Võ Duy Quang, "người lái đò" đặc biệt của Trường Khiếm thính tỉnh Lâm Đồng đã chọn nghề giáo thay vì đam mê thiết kế thời trang để có thể dạy dỗ cho các em khuyết tật ngay tại chính ngôi trường mà mình đã từng trưởng thành. Trăn trở của thầy Võ Duy Quang là hiện nay vẫn chưa có giáo trình chuyên biệt dành cho trẻ em khiếm thính. Ngoài bậc tiểu học, các em cũng không có các cấp học cao hơn để tiếp tục học tập, rèn luyện.

Thầy giáo khiếm thính Võ Duy Quang chia sẻ về việc dạy cho các em khiếm thính. Ảnh: VGP/Đình Nam

Hay lời tâm sự đầy xúc động về những tình cảm mà các em học sinh khuyết tật đã dành cho cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiếu, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, tỉnh Thái Bình, người đã gắn bó với bảng đen, phấn trắng, với các em học sinh khuyết tật từ năm 1985 tới nay.

 

Những đại biểu có mặt tại chương trình không khỏi xúc động khi chứng kiến những lời nói có khi còn bập bẹ của các em tự kỷ, chậm phát triển hay hình ảnh trái tim làm bằng tay của những em khiếm thính để gửi gắm tình cảm yêu thương đến các thầy cô của mình.
Các thầy cô giáo được tôn vinh tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018. Ảnh: VGP/Đình Nam

Niềm hạnh phúc của mỗi thầy cô dạy trẻ khuyết tật chính là nhìn thấy sự tiến bộ, lạc quan, niềm tin trong cuộc sống của những học trò nhỏ. Và khi được hỏi về ước muốn của mình, thầy giáo Nguyễn Thái Dương (Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk) mong rằng sẽ có thêm những chính sách để hỗ trợ trẻ khuyết tật được học tập, hoà nhập tốt hơn, các em có thể tìm được công việc phù hợp để nuôi sống bản thân và góp ích cho xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong trao tặng bằng khen và kỷ niệm chương cho các thầy cô. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phát biểu trong chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi tình cảm tri ân tới các thầy cô giáo đã mang đến không chỉ kiến thức mà còn cả tấm lòng, lẽ sống, ý thức vượt lên khó khăn trong cuộc sống, trách nhiệm với cộng đồng cho mỗi người chúng ta. Đặc biệt là các thầy cô có mặt trong lễ tôn vinh ngoài nghị lực, sự kiên trì còn có tấm lòng hết sức bao la, vô cùng đáng trân trọng. Đó là tấm gương để mỗi giáo viên luôn nhắc mình vượt qua khó khăn, vượt lên chính mình hoàn thành sứ mệnh dạy dỗ, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Phó Thủ tướng cũng gửi lời cám ơn đến các em học sinh khuyết tật cũng như rất nhiều tấm gương người khuyết tật dù thiệt thòi về thể chất, tinh thần đã luôn nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Rất nhiều người làm được những việc mà có khi nhiều người khoẻ mạnh cũng không làm được trong học tập, hoạt động xã hội, thể thao… làm cho thế giới biết nhiều hơn về đất nước Việt Nam.

Mặc dù đã có thêm nhiều trường chuyên biệt, nhiều trường học dạy hoà nhập cho trẻ khuyết tật, nhiều giáo viên trẻ lựa chọn công việc gian nan này nhưng Phó Thủ tướng cũng nhắc lại số liệu thống kê trong 100 trẻ khuyết tật ở độ tuổi đến trường mới chỉ có 6 cháu được đi học.

“Số trẻ khuyết tật đến trường còn quá thấp. Điều này phải trở thành một nội dung rất quan trọng trong đổi mới giáo dục thời gian tới. Việc đưa trẻ khuyết tật đến trường đòi hỏi nỗ lực của cả các thầy cô giáo lẫn phụ huynh và học sinh. Do đó, chúng ta cần tạo điều kiện, phong trào để tất cả các học sinh, thầy cô và phụ huynh nhận thức được, cùng chung tay. Đây không chỉ là đạo lý, tình cảm, truyền thống của dân tộc mà còn là trách nhiệm.

Trong các trường phổ thông bình thường cũng cần có quy định từ cơ sở vật chất, lối đi, bàn ghế, chuẩn bị cho các cháu về tâm lý, trang bị kiến thức, kinh nghiệm cho thầy cô về việc này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiết mục văn nghệ do các em học sinh khiếm thị biểu diễn. Ảnh: VGP/Đình Nam

Với nhiều bạn sinh viên tham dự chương trình, Phó Thủ tướng nhắn nhủ mỗi người cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa, cùng cộng đồng, xã hội làm những việc có ý nghĩa đóng góp vào phong trào “Tôi yêu tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

“Chúng ta yêu tổ quốc Việt Nam không chỉ vì mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước hào hùng, một nền văn hiến rực rỡ, sự tươi đẹp của non sông đất nước mà còn vì rất nhiều tấm gương đáng quý như những thầy cô giáo có mặt trong chương trình ngày hôm nay”, Phó Thủ tướng nói.

Đình Nam

495 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 834
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 834
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87071729