Tổ công tác của BĐBP Quảng Trị đưa chị Lê Thị Kim Liên đi cấp cứu. Ảnh: Lê Minh
Ngay từ đầu đợt lũ, Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương, nhân viên tác huấn, Phòng Tham mưu BĐBP Quảng Trị đã được điều động phụ trách kíp ca nô đến các địa bàn vùng trũng, nước lên nhanh của tỉnh Quảng Trị để sơ tán nhân dân. Ngày 8-10, sau khi cùng các lực lượng khác sơ tán hàng nghìn hộ dân ở khu vực huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đến nơi an toàn, anh cùng đồng đội được điều động khẩn trương di chuyển vào địa bàn huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Trong thời điểm nước lũ lên nhanh, 5 ca nô và 24 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Trị hoạt động liên tục ngày, đêm cùng chính quyền địa phương tổ chức sơ tán nhân dân. Đây là địa bàn nội địa, người lính Biên phòng dù không quen địa hình, dòng chảy của sông, nhưng vượt qua tất cả hiểm nguy, các anh vẫn tìm mọi cách tiếp cận các hộ dân bị cô lập để ứng cứu.
“Có nhiều điểm nước lũ chảy xiết rất nguy hiểm, khi anh em tiếp cận được một số ngôi nhà bị ngập sâu để sơ tán người dân. Có một tình huống bất ngờ xảy ra, tại một gia đình nọ, khi anh em đưa được người già yếu lên ca nô thì một người còn lại trong gia đình kiên quyết ở lại để trông nhà. Trước thực tế đó, đại diện chính quyền địa phương và cán bộ, chiến sĩ phải rất quyết liệt, có lúc căng thẳng mới đưa được họ ra khỏi khu vực nguy hiểm...” - Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương cho biết.
Những ngày sau, khi phần lớn người dân ở các xã thuộc huyện Hải Lăng bị ngập sâu, được sơ tán đến nơi an toàn, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, tổ công tác của BĐBP Quảng Trị vẫn bám địa bàn giúp dân “sống chung” với lũ và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Họ vẫn liên tục sử dụng ca nô cung cấp lương thực, nước uống, quà tặng của các nhà hảo tâm cho các hộ gia đình ở vùng lũ. Khoảng 12 giờ trưa, ngày 12-10, tổ công tác do Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương phụ trách sử dụng ca nô đưa một số nhà hảo tâm thực hiện chuyến trao quà cứu trợ cho người dân bị lũ cô lập ở xã Hải Định, thuộc huyện Hải Lăng thì nhận được thông tin chị Lê Thị Kim Liên, 18 tuổi, ở thôn Hội Điền, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng lúc đó đang đau bụng, liên tục kêu đau đớn.
Trước tình huống khẩn cấp, đoàn công tác đã nhanh chóng bốc dỡ hàng hóa để Thiếu tá Lương cùng đồng đội đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Trên đường đi, trời mưa rất to, bốn bề nước lũ chảy xiết nên việc định hướng đường đi gặp rất nhiều khó khăn. Sau gần 1 giờ vượt qua biển lũ mênh mông, chiếc ca nô đã cập bờ. Tại đây, do nhận được thông báo từ trước nên xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Lăng đã đợi sẵn để chở nạn nhân về cơ sở cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Thắng, 29 tuổi (chồng chị Liên) cho biết: “Từ sáng sớm, vợ tôi đã có dấu hiệu đau bụng, đến 9 giờ thì cơn đau càng dữ dội, nhưng trong thôn không có phương tiện, tôi đành gọi điện khắp nơi để cầu cứu. Thật may mắn khi được ca nô của BĐBP tiếp cận đưa vợ tôi đi cấp cứu kịp thời”.
Những ngày qua, do mưa lũ kéo dài, nhiều bản làng trên địa bàn do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị phụ trách bị chia cắt nghiêm trọng. Trước tình hình đó, đơn vị đã huy động tối đa quân số bám địa bàn giúp dân ứng phó, quyết tâm giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân. Đây là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số định cư, cùng với việc sơ tán, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đã tích cực vận chuyển lương thực vào các bản làng đảm bảo dân không bị đói, rét và sẵn sàng xử lý các tình huống đột xuất xảy ra.
Sáng ngày 13-10, điện thoại của Thượng tá Nguyễn Xuân Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay đổ chuông liên hồi. Đầu dây bên kia, anh Hồ Văn Khanh, 28 tuổi, ở thôn La Hót, xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, vợ anh là Hồ Thị Ngút, 25 tuổi, đang trong thời kỳ mang thai có dấu hiệu vỡ ối cần cấp cứu. Thời điểm này, thôn La Hót đang bị nước lũ cô lập, muốn chuyển được sản phụ ra tuyến trên cấp cứu phải vượt ngầm tràn dài khoảng 200m.
“Trong tình thế rất cấp bách, chúng tôi đã lên phương án, cử cán bộ, chiến sĩ cùng với người dân địa phương khỏe mạnh, mặc áo phao dùng võng gánh sản phụ vượt ngầm tràn. Sau đó, sản phụ đã được chuyển lên tuyến trên và hạ sinh được cháu trai an toàn” - Thượng tá Nguyễn Xuân Linh cho biết.
Được biết, sau khi đưa được sản phụ vượt qua dòng nước lũ, Thượng tá Nguyễn Xuân Linh đã lái xe ô tô đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đakrông, đồng thời thông báo để cơ sở y tế cho xe cấp cứu vào đón. Nhờ được lực lượng y tế can thiệp kịp thời, chị Hồ Thị Ngút đã hạ sinh con trai và đảm bảo an toàn. Hiện nay, sức khỏe của cả hai mẹ con sản phụ đều ổn định. Trao đổi qua điện thoại, anh Hồ Văn Khanh chia sẻ: “Gia đình quyết định đặt tên cháu là Hồ Biên Cương để nhớ ơn BĐBP”.
Viết Lam