Những cái bắt tay từ hai nửa bán cầu 

Họ là những người từ hai nửa bán cầu. Lịch sử đã tạo nên Khe Sanh và giữa họ là hố ngăn cách dằng dặc hàng thập kỷ, để rồi vượt qua hố ngăn cách ấy, như là sự sắp đặt của cuộc sống, Khe Sanh trở thành nơi gặp gỡ với những cái bắt tay nồng ấm của cả ba thế hệ người Mỹ và Việt Nam - người lính, con của họ và mẹ của họ.

Trên chiến trường xưa

Một buổi chiều muộn ở Khe Sanh, tôi đã chứng kiến những cái bắt tay thật chặt và ấm áp. Cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam, những người lính từng là kẻ thù của nhau từ hai bờ chiến tuyến không thể hình dung một ngày nào như lúc ấy, họ lại gặp gỡ ngay trên chiến trường cũ.

Nhưng cuộc gặp gỡ lần này không có súng đạn mà là những sơ đồ được vẽ bằng tay. Đó là phác họa dựa trên những hồi ức của lính Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Khe Sanh cung cấp để tìm kiếm hài cốt người lính Việt Nam.

Daniel Karl Tucker - cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Khe Sanh - nói: “Động lực mà tôi muốn làm việc này là bởi rất nhiều người thân của lính Việt Nam muốn biết nơi nào là thi hài con em họ đang nằm lại. Tôi mong muốn góp phần để trả lời câu hỏi đó”.

David Hansun, một cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Khe Sanh, buồn bã chia sẻ: “Bạn ở cùng tôi cũng bỏ mạng ở tại đây, Khe Sanh. Đối với tôi, đây là một nơi ghi dấu nhiều người lính của tất cả các bên đã nằm xuống”.

Thời tham chiến ở chiến trường Khe Sanh, nhiệm vụ của David Hansun là lái máy bay trực thăng đi tìm kiếm và vận chuyển binh lính bị thương. Một dịp trên điểm cao 950 phía bắc căn cứ Khe Sanh bị người lính Việt Nam bao vây, ông phải bay vào để sơ tán những người cuối cùng trước khi họ có thể thiệt mạng. Máy bay của ông bị bắn, bốc cháy và đâm xuống trên đường băng sân bay Tà Cơn - Khe Sanh.

David Hansun nói: “Mãi nhiều năm sau đó, mỗi khi nghĩ đến cuộc chiến, đối với tôi nơi này là thật khủng khiếp. Tuy nhiên, Khe Sanh rất đẹp. Bây giờ, chúng ta đã là bạn nên tôi hy vọng cùng nhau tạo ra một vườn cây hoà bình ở đây”.

David Hansun nung nấu ý tưởng trồng vườn cây hòa bình ở Khe Sanh và chia sẻ với những người bạn. Ông tưởng tượng một nơi mà những người từng chiến đấu chống lại nhau, giờ lại bắt tay nhau xây dựng khu vườn tại một trong những chiến trường ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh. Mỗi cây trồng tưởng nhớ mỗi người lính đã mất và tượng trưng cho sự tiếp tục sống của họ, bất kể ở họ bên nào của cuộc chiến.

Trong một cuộc gặp tình cờ, CCB Mỹ và Việt Nam cùng bắt tay nhau và thắp nén hương cho người lính Việt Nam tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn.

Trong một cuộc gặp tình cờ, CCB Mỹ và Việt Nam cùng bắt tay nhau và thắp nén hương cho người lính Việt Nam tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn.

Ý tưởng của David Hansun được phía Việt Nam chấp thuận. Tháng 3 năm 2012, tại căn cứ quân sự Khe Sanh cũ, cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam lại có cuộc gặp gỡ với một sứ mệnh khác, họ trồng cây làm vườn.

Ryan Washburn, cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Khe Sanh, nói: “Tôi nghĩ, ý tưởng thật là hay khi mỗi cây trồng ở đây là để tưởng nhớ một người đã ngã xuống, không cần biết họ ở bên nào của cuộc chiến, tượng trưng cho sự tiếp tục sống của những người lính và trở thành bạn bè khi đã để quá khứ ngủ yên”.

Khu vườn hòa bình Khe Sanh như đại diện cho một chương cuối cùng của chiến trường Khe Sanh, nó như là một biểu tượng mạnh mẽ sự hòa giải cho những người lính ở bất cứ bên nào của bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào.

“Theo như tôi biết - David Hansun nói - đây là nơi duy nhất trên thế toàn bộ câu chuyện về chiến tranh và hoà bình được sắp đặt vào một chỗ cùng nhau”.

Cùng một cựu chiến binh Mỹ hì hục xới đất trồng cây, ông Nguyễn Xuân Quang, cựu chiến binh Việt Nam, tươi cười và hổn hển: “Tinh thần của anh em cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ là hòa giải, bây giờ mình bỏ qua, để cho thế hệ con cái sống với nhau”.

Khoảng trống được khỏa lấp

Thế hệ tiếp theo của người lính mà ông Nguyễn Xuân Quang vừa nhắc đến từ cả hai phía Việt - Mỹ, họ lớn lên với một khoảng trống trong trái tim bởi đã mất người cha trong chiến tranh.

Với niềm ao ước được đến Quảng Trị, Ron Reyes, một thanh niên người Mỹ đã đến được nơi mà cha anh từng tham chiến trong chiến tranh. Thẫn thờ và lặng lẽ, Ron Reyes rảo bước chậm rãi bên dấu tích xác máy bay, xe tăng và hầm hào công sự ở căn cứ Khe Sanh cũ.

Ron Reyes sinh năm 1968. Thời điểm đó, cha của Ron Reyes là binh nhất lính thủy đánh bộ Mỹ bị thiệt mạng trên một ngọn đồi gần căn cứ Khe Sanh vào ngày 30 tháng 3 năm 1968, lúc đó Ron Reyes mới chỉ 2 tháng tuổi. Với Ron Reyes, người cha hầu như không có ký ức gì bởi anh còn quá nhỏ.

Giờ đây, tại ngọn đồi này, Ron Reyes đặt một lễ vật nhỏ và thắp hương cho người cha của mình theo phong tục Việt Nam. Lặng lẽ và thành kính làm lễ, rồi Ron Reyes bật khóc nức nở. Ron Reyes mở bản nhạc Ngày chủ nhật hạnh phúc, anh nói đó là bài hát cha anh rất yêu thích theo lời kể của mẹ. Anh nghẹn ngào xới một nắm đất ở ngọn đồi Khe Sanh và nói rằng mang về nước Mỹ. Anh cũng mang nắm đất của quê hương nước Mỹ trộn lẫn vào nơi cha anh nằm ở Khe Sanh.

Đến Quảng Trị, Ron Reyes và những người bạn đã được nghe rất nhiều câu chuyện đầy nước mắt, của những người cũng mất cha bởi chiến tranh.

Lần đầu tiên con CCB tử nạn Mỹ bắt tay với con liệt sỹ tỉnh Quảng Trị

Lần đầu tiên con CCB tử nạn Mỹ bắt tay với con liệt sĩ tỉnh Quảng Trị

Lần đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, con của những người lính từ hai chiến tuyến đã mất cha bởi cuộc chiến ấy có cuộc gặp gỡ đặc biệt. Con của các cựu chiến binh tử nạn Mỹ gặp gỡ và giao lưu với con liệt sĩ tỉnh Quảng Trị - Việt Nam. Họ đã chia sẻ cho nhau trong nước mắt những ký ức về người cha của mình, những đau đớn của gia đình trong khoảng thời gian khó khăn ấy.

Nhưng hơn cả và vượt qua nước mắt, cuộc gặp gỡ của những người con cựu chiến binh tử nạn Mỹ và con liệt sĩ Việt Nam còn có mục đích khác cao thượng hơn, đó là hòa giải, hữu nghị và hợp tác.

Chị Phạm Thị Thúy, con liệt sĩ Phạm Văn Hóa ở thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), nói: “Khi nói chuyện với các bạn Mỹ cũng mất cha vì chiến tranh, chúng tôi thấy ký ức ùa về và ai cũng tổn thương. Nhưng vì là chiến tranh, bây giờ, tôi mong sẽ bỏ qua, vì tương lai không chỉ thế hệ bây giờ mà còn con cháu sau này nữa”.

Margot Dolgne là người đã có ý tưởng tổ chức cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa ấy. Cha của Margot Dolgne là một phi công bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam. Margot Dolgne nói: “Tôi cũng là con của một cựu chiến binh Mỹ tử nạn tại Việt Nam, tôi lớn lên với một khoảng trống trong trái tim. Và khi gặp các con của liệt sĩ Việt Nam, khoảng trống ấy trong tôi mới được khỏa lấp. Và khi đến Quảng Trị, tôi càng nhận ra rất nhiều người có cùng cảm ngộ như tôi, có một nỗi buồn sâu sắc, đó là lý do chúng tôi đã khóc trong cuộc gặp này”.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, chúng tôi lại chứng kiến những cái bắt tay thật chặt, thân thiện và hiểu biết nhau hơn giữa con cựu chiến binh tử nạn Mỹ và con liệt sĩ tỉnh Quảng Trị.

Lòng cao thượng của những người mẹ

Từ đất nước Mỹ xa xôi, bà Rae Cheney, 92 tuổi, lần đầu tiên đến Việt Nam. Bà Rae Cheney đến Trường mầm non bản Khe Đá do tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam hỗ trợ xây dựng để làm nơi lưu nhớ của gia đình và bạn bè con trai bà - Daniel Bernard Cheney - phi công Mỹ đã mất trong chiến tranh Việt Nam.

Với bà Rae Cheney, nỗi đau đớn tột cùng trong đời là khi nhận tin Daniel Bernard Cheney, cậu con trai duy nhất của mình thiệt mạng trên chiến trường Việt Nam. Đó là vào năm 1969, trực thăng của Daniel Bernard Cheney bị bắn rơi.

Hai người mẹ Rae Cheney và Hồ Thị Moan gặp nhau ở Khe Đá

Hai người mẹ Rae Cheney và Hồ Thị Moan gặp nhau ở Khe Đá

Đến nơi từng là chiến trường khốc liệt như Khe Sanh, bà Rae Cheney được nghe rất nhiều câu chuyện mẹ liệt sĩ Việt Nam. Tại đây, bà gặp mẹ Hồ Thị Moan ở bản Khe Đá, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có cùng nỗi đau mất mát bởi chiến tranh. Con trai của mẹ Moan đã hy sinh cho đất nước. Hai người mẹ Mỹ và Việt Nam có con từng là kẻ thù của nhau, đều mất con bởi chiến tranh, ôm nhau trong vòng tay cảm thông, trước sự nghẹn ngào của rất nhiều người. Đó là vòng tay của sự hòa giải, thể hiện ở phạm vi nhỏ, mang tính cá nhân của những người mẹ nhưng như là biểu tượng của quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc Việt - Mỹ.

Chứng kiến sự kiện này, ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận xét rằng: “Hai người mẹ mất con trong chiến tranh, bây giờ ôm nhau trong vòng tay với một sự cao thượng, thông cảm với nhau sự mất mát ấy và bắt đầu những nụ cười cho tương lai, cho con cháu, đó là sự vun đắp, là sự hàn gắn, nhắc nhở cho chúng ta quá khứ đó không nên lặp lại và cần làm cho tương lai tốt đẹp hơn. Đó là lợi ích chung của hai đất nước chứ không phải của bên nào”. 

612 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 887
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 887
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230706