Việc thành lập MAT19 giúp nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ trong hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo
Đội ra đời từ 1/10/2018, với 14 thành viên trong đó duy nhất lái xe là con trai. Và sau hơn một năm thành lập, MAT19 đã làm sạch hơn 640 nghìn m2 đất, phát hiện 316 vật liệu nổ các loại để trả lại đất an toàn cho người dân canh tác. Sự có mặt của MAT19 giúp nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ trong hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo.
Hằng ngày, cứ đều đặn 3h30 sáng, Trương Thị Thu Vân (25 tuổi, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị) thức dậy chuẩn bị một ngày làm việc mới. Một tiếng sau, chị chuẩn bị xong đồ ăn cho con gái yêu hai tuổi trong một ngày, Vân gửi lại con cùng đồ ăn cho bà ngoại trước lúc lên xe vào văn phòng dự án MAG tại huyện Hải Lăng, cách nhà cô ngót 45 cây số.
Vân bảo, công việc buộc em xa nhà cả ngày nên phải chuẩn bị trước. Bất luận thế nào, trước 6 giờ sáng, Vân cũng như 12 cô gái khác thuộc MAT19 phải có mặt tại văn phòng, kiểm tra và bốc xếp trang thiết bị làm việc trong ngày lên ôtô. Sau đó, lái xe đưa toàn đội đến hiện trường làm việc là khu rừng tràm phòng hộ rộng hơn 570.000 m2 ở thôn Linh Chiểu của xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Ðây là nơi MAT19 làm việc từ đầu tháng 7 và theo kế hoạch, kéo dài đến hết năm 2019 này. Nhiệm vụ của MAT19 là rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng để trả lại đất an toàn cho người dân canh tác.
Vân là thành viên mới nhất của MAT19, song đã có kinh nghiệm hơn một năm làm công việc vô cùng nguy hiểm này. Vân kể, lý do xin vào làm việc ở dự án rà phá bom mìn nhân đạo này, đơn giản là công việc này liên quan đến ngành học công nghệ kỹ thuật môi trường của cô. Ngoài ra, người mẹ trẻ một con này cũng “thấy yêu thích vì góp phần tạo ra môi trường sống tốt hơn cho bà con quê hương mình”. Vân bảo: “Ông nội và ba tôi từng đi bộ đội, bảo vệ Tổ quốc, đến lượt tôi góp chút phần mọn gìn giữ cuộc sống yên bình của đất nước này”.
Công việc của Vân và 12 cô gái thuộc MAT19 đòi hỏi mọi người dậy lúc tinh mơ, làm việc trong điều kiện hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, đối mặt với nguy hiểm và rủi ro. Sau một năm làm việc, cô từng tìm thấy nhiều “thần chết giấu mặt” như bom chùm M35, bom bi Blu26, lựu đạn... Quả đạn to nhất cô tìm thấy là đạn pháo 105mm. “Ðây đều là những vật liệu nổ nguy hiểm, có thể gây sát thương cho người dân khi làm nông nghiệp”, Vân nói.
Người phụ nữ gắn bó với dự án MAG từ năm 2001 là Dương Thị Hồng, 48 tuổi, ở thành phố Ðông Hà. Trước lúc về đầu quân tại MAT19 toàn nữ này, Hồng là thành viên trong các đội khác. Chị nói: “Làm việc ở đội toàn nữ thì vất vả hơn, chị em phải đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ, từ vác cọc, dây bay, xô thước... cho đến rà phá, huỷ nổ. Nhưng nó có cái hay của nó như chị em cùng giới dễ chia sẻ, an ủi, thông cảm cho nhau hơn”.
Ðội trưởng Lê Thị Bích Ngọc, 41 tuổi, bảo, MAT19 được thành lập từ năm 2018. Người có kinh nghiệm nhất của đội đã trải qua 19 năm rà phá bom mìn, người mới nhất có một năm. Bích Ngọc thông tin, một ngày làm việc của MAT19 bắt đầu thế này: Nhân viên kỹ thuật đánh dấu các ô làm việc với kích thước 50x50 mét, rồi chia thành các luống rộng 1,5 mét bằng dây để rà tìm. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, hai nhân viên đi từ đầu đến cuối mỗi luống để tìm kiếm bom mìn còn sót rồi đánh dấu lại. Một nhân viên khác sử dụng thiết bị cầm tay để xác định chính xác hơn vị trí, cẩn thận đào tìm và báo đội trưởng, đội phó kiểm tra, phân loại vật liệu nổ.
Bích Ngọc kể, với các vật liệu dễ nổ như đạn chùm, lựu đạn 40mm, bom bi... phải huỷ nổ tại chỗ. Với đạn mất kíp, bom lớn, đạn chưa sử dụng sẽ đưa về bãi nổ tập trung. Việc huỷ nổ tại chỗ vật liệu tìm được do đội trưởng và đội phó đảm nhận. Các vật liệu nổ sau khi phát hiện, được đánh dấu, chất bao cát xung quanh chờ đến cuối giờ làm việc mới tiến hành huỷ nổ.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Trị Trần Khánh Phôi thông tin, trước lúc đội MAT19 ra đời, dự án MAG có rất nhiều nhân viên nữ làm việc ở các đội MAT khác. Tuy nhiên, việc cho ra đời đội nữ nhằm giúp nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ trong hoạt động nhân đạo rà phá bom mìn. Họ có thể đảm nhiệm tất cả các vị trí.
Bà Trần Thị Thảo, cán bộ tập huấn, giám sát đánh giá quản lý chất lượng dự án MAG nhận xét chân thực về MAT19: “Sau một thời gian, năng suất, hiệu quả làm việc của đội nữ cũng như nam. Ban đầu, không ít người mặc định suy nghĩ rằng, nữ không làm được công việc như rà phá bom mìn, song thực tế đã chứng minh ai cũng làm được thậm chí nữ làm cẩn thận, nhẹ nhàng hơn nam. Và sau hơn một năm thành lập, MAT19 đã làm sạch hơn 640 nghìn m2 đất, phát hiện 316 vật liệu nổ các loại”.
Công việc buộc các nữ thành viên đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, thất thường
Tổ chức nhóm Cố vấn bom mìn MAG là tổ chức nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh. MAG có mặt tại Việt Nam năm 1999, nhằm giúp đỡ các địa phương khắc phục ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ.
MAG triển khai hoạt động đầu tiên tại Quảng Trị (nơi bị ô nhiễm do bom mìn nặng nề nhất Việt Nam) thông qua các chương trình như điều tra, tư vấn, huấn luyện và thực hành dò tìm, xử lý, khắc phục hậu quả bom mìn. Năm 2002, MAG mở rộng phạm vi hỗ trợ sang tỉnh Quảng Bình, sau đó năm 2012 vào Quảng Nam.
HỮU THÀNH