Những bài học từ ba câu chuyện buồn thời chống dịch 

(Chinhphu.vn) - Dịch bệnh đã gây những áp lực nhất định lên đời sống, và qua đó đã lộ ra những câu chuyện, những khía cạnh cuộc sống để chúng ta nhìn nhận rõ hơn về mọi thứ.

 

Công cuộc chống dịch COVID-19 đã nhận được sự chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước. Trong ảnh: Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe, đồng thời chăm sóc cả đồ ăn, thức uống cho những người có yếu tố dịch tễ nguy cơ tại sân bay Tân Sơn Nhất. - Ảnh: TNO

Một trong những khía cạnh ấy là câu chuyện về cách hành xử của một số ít cán bộ, đã gây sự chú ý cho rất nhiều người và qua đó, có thể rút ra những bài học đáng giá.

Câu chuyện thứ nhất là việc một Phó chủ tịch HĐND một huyện ở Bình Thuận không chấp hành yêu cầu của chốt kiểm dịch, thậm chí còn đập bàn văng tục và quát tháo những người làm nhiệm vụ.

Là một công dân, lẽ ra ông phải nghiêm chỉnh chấp hành, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách nhanh chóng hiệu quả nhất. Là một đảng viên, một lãnh đạo cấp huyện ông lại càng phải gương mẫu và thông cảm, tạo điều kiện cho những nhân viên ở chốt kiểm dịch làm việc.

Nhưng ngược lại, vị cán bộ đã không chấp hành thậm chí lớn tiếng quát mắng và đập tay lên bàn làm việc của lực lượng chức năng. Nếu là một người dân chắc chắn ông đã không đủ can đảm để làm việc đó. Trong clip ông còn lớn tiếng: Biết tôi là ai không? Điều đó có nghĩa ông muốn những người thi hành nhiệm vụ phải sợ cái chức của ông và ông tự đặt mình thành trường hợp ngoại lệ không chấp hành yêu cầu của lực lượng kiểm dịch.

Phải chăng là một lãnh đạo ông đã quen được nhiều người, nhất là những người phải trực tiếp làm việc ở hiện trường, thưa gửi báo cáo, nên khi bị yêu cầu thực hiện kiểm dịch ông đã bức xúc và không thể kiềm chế?

Câu chuyện thứ hai liên quan đến một vị Phó Chủ tịch phường tại Quảng Ninh, trong lúc chỉ đạo tổ công tác xử lý vi phạm của người bán rau đã mắng mỏ người dân với những lời lẽ khó nghe trong một clip do chính tay bà quay lại.

Câu chuyện thực ra khá đơn giản. Người bán rau có thể đã có vi phạm khi bán hàng rong trên đường, nhưng đó chỉ là một vi phạm hành chính. Xét cho đến cùng, một quyết định hành chính, hành vi hành chính không chỉ cần đảm bảo sự hợp pháp, mà còn phải đảm bảo tính hợp lý. Nhưng chưa cần xét đến tính hợp lý của quyết định xử lý này, thì cách hành xử của vị cán bộ này là rất phản cảm.

Giữa mùa dịch, người bán rau đã bị  ảnh hưởng thu nhập từ nhiều tháng qua đành mạo hiểm đi bán rong ít nhiều cũng là việc bất đắc dĩ. Và ngoài việc cấm đoán vi phạm, nếu cơ quan chức năng thực sự nhiệt tình trong việc tạo điều kiện cho họ làm đúng quy định, như sắp xếp cho họ một chỗ ngồi bán hợp lý, chắc chắn họ sẽ không từ chối và câu chuyện có thể sẽ diễn ra theo một cách rất khác.

Câu chuyện thứ ba không chỉ liên quan tới thái độ và cách hành xử của người thi hành công vụ. Trong một động thái quyết liệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội. Giám đốc CDC Hà Nội đã bị bắt.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Lẽ ra, khi dịch bệnh xảy ra, các bị can trong vụ án này càng phải hết lòng, hết sức thực thi nhiệm vụ, thì họ lại không làm không đúng nhiệm vụ của mình, từ đó, có thể gây ra việc thất thoát nguồn lực tài chính không dư dả gì của đất nước, thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng đã có những dấu hiệu trục lợi cá nhân. Do liên quan trực tiếp tới công tác phòng chống dịch, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi mà các bị can đã thực hiện sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường.

Đây quả thực là một bài học hết sức đau lòng dành cho với các bị can và cũng là bài học cảnh tỉnh chung cho những ai vì lý do nào đó mà quên đi lợi ích và sự an toàn của cả cộng đồng.

Những người lãnh đạo cao nhất của đất nước đã không dưới một lần có những lời kêu gọi cả nước cùng chung tay dập dịch. Với tư cách là những cán bộ, lẽ ra những vị lãnh đạo nói trên càng sử dụng một cách tốt nhất những “lợi thế” của mình để đóng góp vào công việc chung chứ không phải là cản trở hay gây ra những chuyện đáng tiếc.

Dịch bệnh chưa thể qua đi trong một sớm một chiều. Chống dịch có lẽ chẳng phải là điều gì quá đao to búa lớn mà chỉ là mọi người, nhất là mỗi cán bộ, công chức, ở mỗi vị trí mỗi cương vị cần làm tốt nhiệm vụ của chính mình.

Quang Lê

670 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 548
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 549
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77986285