Những ‘đốm lửa’ khởi nghiệp 

(Chinhphu.vn) - Với mong muốn đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp, trong vài năm gần đây, Chính phủ có khá nhiều chính sách để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và các start-up.

 

Start-up Abivin giành ngôi vô địch Startup World Cup 2019. Ảnh tư liệu

Tại Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp 2018”  tổ chức ở Đà Nẵng ngày 29/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp”.

Với mong muốn đưa Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp, trong vài năm gần đây, Chính phủ có khá nhiều chính sách để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và các start-up.

Thủ tướng cho biết so với cách đây 2 năm, khi ông dự lễ khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp” (năm 2016) đến nay chúng ta đã có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. “Sự háo hức, sáng kiến, kiến nghị của các bạn hôm nay nói lên khát vọng thành công”. Thủ tướng nhìn nhận từ trước đến nay, chưa bao giờ khởi nghiệp ở nước ta phát triển mạnh mẽ như thời gian qua.

Vì thế, Thủ tướng đặt niềm tin rất lớn vào thế hệ trẻ, được đào tạo bài bản, đã và đang nỗ lực tiếp bước ông cha trong xây dựng và phát triển đất nước.

Cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong ASEAN, Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ quyết tâm, tạo mọi điều kiện để hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới đây. Thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, “là điều kiện tốt để có thể đón nhận những sản phẩm của các bạn sáng tạo ra”.

Start-up Việt ghi danh trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

Thật đáng mừng là hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đã cho ra đời nhiều start-up ghi danh trên bản đồ khởi nghiệp thế giới.

Mới đây nhất, ở vòng chung kết cuộc thi Startup World Cup 2019 diễn ra tại San Francisco (Mỹ) ngày 17/5, Start-up Abivin của Việt Nam xuất sắc giành ngôi vô địch cùng phần thưởng 1 triệu USD.

Cuộc thi có sự tham gia của những start-up hàng đầu đại diện cho hơn 40 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Canada...

Ra đời năm 2015, Abivin là công ty giải quyết các vấn đề trong ngành logistics truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning). Start-up này áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây. Các quy trình giao hàng gồm kiểm soát đơn hàng, tồn kho, quản lý xe... được số hóa hoàn toàn.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực livestream video Uiza  của Việt Nam sẽ được Sequoia Capital (một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới) rót vốn 1,5 triệu USD.

Uiza thành lập năm 2017 và hoạt động theo mô hình B2B, cung ứng giải pháp giúp khách hàng doanh nghiệp như các công ty thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, truyền thông phát trực tuyến video (livestream) trên quy mô toàn cầu. Start-up Việt này cho biết sẽ dùng 1,5 triệu USD của Quỹ Sequoia để tiếp tục xây dựng sản phẩm và thu hút nhân sự.

Còn Telepro, xuất hiện với tư cách là một start-up trẻ lần đầu góp mặt tại Sao Khuê trong top 10 doanh nghiệp tiêu biểu ngành giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) tại chung kết Sao Khuê 2019 diễn ra ngày 21/4, bên cạnh những "ông lớn" như Viettel, FPT, Mobifone, Misa...

Dù mới được thành lập từ tháng 5/2018, nhưng sau gần 1 năm hoạt động, Telepro đã chứng minh mình xứng đáng là start-up tiên phong trong việc định nghĩa lại ngành Telesale, Telemarketing Việt Nam.

Vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh đến từ khu vực, đáp ứng được các điều kiện khắt khe của hội đồng giám khảo, start-up Botbanhang của Việt Nam nhận giải thưởng ở hạng mục "E-Business” (kinh doanh điện tử).

Dự án được đánh giá cao ở tính sáng tạo, đổi mới của công nghệ và khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội. Với tiêu chí đề cao giải pháp công nghệ mới từ Ban Tổ chức World Summit on the Information Society (WSIS), Botbanhang được đánh giá là sản phẩm có tính sáng tạo, có khả năng phát triển và tác động mạnh vào sự phát triển của công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Cùng với đó, start-up ứng dụng công nghệ để thăm khám và chăm sóc sức khỏe tại nhà của Việt Nam-Jio Health đã huy động được 5 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do Quỹ đầu tư mạo hiểm Monk’s Hill Ventures dẫn đầu.

Kế hoạch sắp tới của Jio Health là sử dụng số tiền được đầu tư để tiếp tục mở rộng các dịch vụ của mình và đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng. Ngoài ra, Jio Health cũng đang tìm cách mở rộng quy mô đội ngũ cung cấp dịch vụ chăm sóc và hoạt động tại Việt Nam.

Qua ứng dụng trên smartphone, Jio Health sẽ hỗ trợ các y bác sĩ thăm khám và chăm sóc bệnh nhân mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện hơn. Khách hàng có thể chủ động lựa chọn bác sĩ cũng như đặt lịch hẹn khám tại nhà, khám trực tuyến hoặc tại phòng khám đa khoa của Jio Health.

Trong khi đó, Fresh Saigon là start-up đang theo đuổi giấc mơ về sản phẩm nông nghiệp kỹ thuật cao, chuẩn quốc tế, tốt cho sức khoẻ người dùng và hoàn toàn từ thiên nhiên. Đây là thương hiệu nước ép tươi HPP đầu tiên tại Việt Nam ra đời vào tháng 3/2017 do Lê Bá Hải Siêu là sáng lập và điều hành. Đến nay sản phẩm đã phát triển đến thế hệ thứ 2 với 12 sản phẩm cho 3 nhu cầu là than lọc cơ thể nhằm loại bỏ chất thừa ra ngoài (detox giảm cân), chăm sóc da, bổ sung collagen từ bêntrong và giải pháp cho người tập thể thình về nước trái cây cung cấp vitamin C, ít calories và giải độc gan do nóng trong người khi sử dụng protein.

Tháng 5 vừa qua, tại giải thưởng Singapore Taste Awards 2019, Fresh Saigon đã bất ngờ giành được 2 giải vàng, 1 giải bạc, từ đây mở ra cơ hội kết nối tới 4.683 nhà phân phối tại 160 quốc gia.

Nhà sáng lập Lê Bá Hải Siêu cho biết  Fresh Saigon đang có kế hoạch ra mắt thêm các dòng nước ép tươi khác trong năm nay nhằm hiện thực hoá giấc mơ giúp người Việt khoẻ, đẹp thông qua dinh dưỡng đúng. Xa hơn là đưa thương hiệu Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nền kinh tế chăm sóc sức khỏe có giá trị hơn 4.200 tỷ USD.

"Bot bán hàng" của Công ty cổ phần Công nghệ Chatbot Việt Nam nhận giải thưởng hạng mục "E-Business", kinh doanh điện tử.

Khó có thể kể hết những tấm gương khởi nghiệp đang nở rộ trên khắp vùng, miền của đất nước. Hôm nay họ là những “đốm lửa”, nhưng ngày mai sẽ trở thành ngọn lửa hun đúc tinh thần khởi nghiệp Việt Nam.

Những nhà khởi nghiệp nổi tiếng ở châu Á lẫn thế giới khi đến Việt Nam đều rất ấn tượng với phong trào khởi nghiệp ở đây.

Chia sẻ tại hội thảo “Đổi mới -Nền kinh tế khởi nghiệp - Cơ hội cho Việt Nam” vừa diễn ra, nhiều diễn giả nước ngoài đều cho rằng các start-up Việt Nam đang ở thời điểm vàng để khởi nghiệp.

"Start-up của Việt Nam thời điểm này giống start-up của châu Âu những năm 2010-2011, tinh thần luôn ngùn ngụt. Theo tôi, ở Việt Nam, đây là thời điểm vàng để khởi nghiệp. Công ty của tôi hoạt động trên 12 nước và tôi không thấy nơi nào thú vị như ở Việt Nam. Việt Nam đang là đất nước có thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ nhất, như là tôi đang đến “Disney Land khởi nghiệp'", Max Scheichenost, nhà sáng lập Alps Venture, đồng sáng lập hơn 15 doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và trên toàn cầu, nhận xét.

Công Huyền

619 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 968
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 968
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87072975