Đó chính là những thảo luận, chia sẻ tại Hội thảo “Thách thức và triển vọng thị trường gas” diễn ra sáng 14/11, tại Hà Nội. Hội thảo do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh phối hợp tổ chức với sự đồng hành của Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas). Hội thảo đã tạo một diễn đàn trao đổi thẳng thắn, đa chiều về thách thức và triển vọng thị trường gas, làm rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp khí đối với phát triển kinh tế xã hội.
Hội thảo thu hút gần 250 tham dự tại Hà Nội (Ảnh: HNV)
Nhìn lại một chặng đường phát triển ngành công nghiệp khí tại Việt Nam
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nửa đầu 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1%; khí hóa lỏng ước đạt 473,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2017. Con số trên minh chứng cho sự phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp khai khoáng nói chung trong đó có công nghiệp khí nói riêng hiện nay. Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đang cạnh tranh quyết liệt nhằm giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau rất khó kiểm soát, dẫn đến thời điểm thị trường không ổn định, hiệu ứng dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý.
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Phụ trách Ban Thị trường, PV Gas, hiện nay, nguồn khí tự nhiên trong nước đang có chiều hướng giảm dần, trong khi đó nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đặc biệt theo Quy hoạch đến 2020, tỷ trọng phát điện từ các nguồn khí đạt 16,6% và khoảng 19% vào 2022. Nguồn trong nước suy giảm, giải pháp tìm hướng bổ sung trong nước, nhập khẩu đường ống hoặc LNG – giải pháp phổ biển nhất hiện nay trên thế giới - đang được đặt ra. Nhưng để giải quyết nhập khẩu phải có cơ sở hạ tầng mà trong Quy hoạch do TTCP phê duyệt, đang tập trung phát triển các kho dự trữ cần thiết ở các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Bắc Bộ.
Đồng quan điểm này, bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương, quy hoạch khí trên cơ sở nguồn khí suy giảm, nhu cầu điện cao, đặc biệt sau Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Cop 21), các nhà máy điện than bị hạn chế, tổ chức tín dụng cho vay vốn khó khăn, thì khí và các nguồn năng lượng chế tạo là xu hướng chung. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, hạn chế của Việt nam hiện nay là các kho lưu trữ và tính cạnh tranh còn thấp.
Hội thảo cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong lĩnh vực gas
cần được xử phạt nghiêm hơn (Ảnh: HNV)
Còn hiện tượng gian lận thương mại ảnh hưởng môi trường kinh doanh gas, giảm lòng tin người tiêu dùng
Theo ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó Trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương, tình trạng gian lận ngày càng tinh vị. Hiện tại có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình. Không chỉ vậy, tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau đang xảy ra rất nhiều, chính vì những hàng vi gian lận như vậy đã làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính. “Điều đó gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Công nhân của nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn (Ảnh: P.V)
Để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, các đại biểu đã nhất trí cần thống nhất đồng bộ các giải pháp. Đơn cử như kiến nghị của ông Đỗ Trọng Hiếu về việc bỏ quy định các doanh nghiệp được quyền thuê và cho thuê bình gas. Ngoài ra, cũng bỏ quy định doanh nghiệp phải có sổ theo dõi bình gas về số lượng, số seri, ngày, tháng cung cấp bình cho khách hàng . . . bởi việc này gây khó khăn cho doanh nghiệp, rất tốn kém về nhân lực và khó khả thi.
Một trong những vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Đây cũng chính là ý kiến của ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam. Theo ông Hữu, thực trạng này làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm thu lợi bất chính do không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa….
Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, san chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, vi phạm về sở hữu trí tuệ, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas của thương nhân chủ sở hữu bình ...của các cơ quan chức năng thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Gas Việt Nam, việc xử lý các vỏ bình gas bị các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương khác nhau, cùng một loại hành vi vi phạm, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền, vỏ bình bị tịch thu được trả lại cho chính đối tượng vi phạm, bán đấu giá, hoặc đem tiêu hủy. Việc xử lý mỗi vụ việc, mỗi lực lượng chức năng, mỗi địa phương khác nhau như trên phần nào đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.
Trong khi đó, để giúp quản lý thị trường tốt hơn, ông Trần Hữu Tuấn, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh Công ty Alttek Global JSC đề xuất, có thể áp dụng các công cụ truy xuất nguồn gốc, các mã điện tử sản phẩm để quản lý từ khâu xuất nhập hàng đại lý đến các sản phẩm bán lẻ. Người tiêu dùng có thể kiểm tra đơn giản, nhanh chóng.
Về mặt chính sách, theo ông Trần Trọng Hữu, để thị trường gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ nơi chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tố cáo với các cơ quan chức năng những doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật. Thêm vào đó, xem xét xây dựng và ban hành Thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng san chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai gas.
Có thể thấy, Hội thảo lần này đã tạo cơ hội tốt để các chuyên gia chia sẻ khó khăn, thách thức của thị trường gas, nhất là các doanh nghiệp chia sẻ những rào cản, vương mắc trong sản xuất, kinh doanh gas, từ đó, kiến nghị lên các bộ, ban, ngành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tại cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp cũng như tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và quốc tế tới doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hóa gây tổn hại tới môi trường kinh doanh./.
Lê Anh