Nhu cầu 150 tỷ USD năm 2030 cho ngành điện: Liệu có khả thi? 

Chinhphu.vn) – Một con số đáng lưu ý mà ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) đưa ra tại Hội nghị Cấp cao Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam lần thứ hai, diễn ra chiều 26/11 là: Nếu như năm 2010 trở lại đây Việt Nam đầu tư hơn 80 tỷ USD vào sản xuất, truyền tải và phân phối điện thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần đến 150 tỷ USD cho ngành năng lượng này để đáp ứng nhu cầu điện của người dân.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An (giữa) và đại diện Ngân hàng Thế giới, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam tại buổi họp báo.
Ảnh: VGP/Phan Trang.
Đây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đưa ra hồi tháng 7/2018 tại buổi làm việc với Bộ Công Thương khi cho rằng bài toán đang "vô cùng nan giải" bởi với mức tăng trưởng 11-12% nhu cầu điện, mỗi năm cần ít nhất 10 tỷ USD phát triển các dự án điện, tuy nhiên “với tỉ lệ nợ công như hiện nay, không có ngân sách nào chịu nổi thì lấy đâu cho phát triển các dự án điện?".

Trả lời về việc này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, theo mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016-2020 có xét đến 2030 thì nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 148 tỷ USD.

“Điện sản xuất tính trên đầu người năm 2018 là 2.000 kWh/người, con số này đến năm 2030 phải đạt 6.000 kWh/người, bằng với các nước phát triển hiện nay. Do đó cần thiết phải có nguồn vốn lớn cho việc phát triển dài hạn này”, Thứ trưởng giải thích thêm.

Nói về giải pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, từ trước đến nay đầu tư vào ngành điện vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước (EVN, TKV, PVN) tuy nhiên, Chính phủ ngày càng nhận thấy việc tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư cho ngành điện là quan trọng. Do vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư tư nhân, giảm bớt vốn đầu tư của Nhà nước vào ngành điện.

Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng, ngoài việc “tăng cường đáp ứng cung thì cũng phải kiểm soát cầu” nên cần thiết ban hành Luật về tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả.

“Hệ số đàn hồi (tỉ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tăng GDP) trước đây của ngành điện là 1,8-2% nhưng Chính phủ kỳ vọng con số này sẽ giảm xuống 1% để đảm bảo tính cạnh tranh cho cả nền kinh tế. Do vậy, chúng tôi mong rằng sắp tới chính sách không chỉ dừng ở việc khuyến khích tiết kiệm nữa mà phải bắt buộc tiết kiệm điện và phải có chế tài. Việc giảm cường độ sử dụng năng lượng đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh và cần sự vào cuộc của cả xã hội”, Thứ trưởng nói.

Về giá điện, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, Chính phủ luôn chỉ đạo thực hiện theo hướng thị trường, để ngành điện hạch toán đúng và đủ, đảm bảo có lợi nhuận tái đầu tư phát triển nhưng cũng phải đảm bảo kiểm soát chi phí với mức độ tối ưu. Yêu cầu này đòi hỏi EVN phải quản trị gắt gao, phải “chữa căn bệnh sử dụng không hiệu quả và chắt chiu từng đống vốn”.

Về phía World Bank, ông Ousmane Dione cũng đưa ra 3 giải pháp cho Việt Nam để có thể thu hút được 150 tỷ USD đầu tư cho ngành điện vào năm 2030.

Một là, Việt Nam cần minh bạch trong việc đấu thầu các công nghệ mới và có khung pháp lý mạnh mẽ, tạo niềm tin để thu hút nhà đầu tư tư nhân.

Hai là, cần đảm bảo các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng khi có thể tiếp cận vốn.

“Chúng tôi đã hỗ trợ EVN để được đánh giá tín dụng và kết quả của EVN ở mức B+ là rất cao. Với mức đánh giá tín dụng này, EVN có thể ra thị trường nước ngoài để phát hành trái phiếu quốc tế”, ông Ousmane Dione thông tin.

Ba là, giải quyết vấn đề về việc mua bán điện và giá điện.

“World Bank đang hợp tác với Bộ Công Thương về cơ chế đấu thầu điện mặt trời. Chúng tôi đã thảo luận nhiều về cơ chế mua điện và làm thế nào để thu hút đầu tư tư nhân. Nếu cơ chế đấu thầu thành công thì vấn đề mua bán điện và giá điện sẽ được giải quyết”, đại diện World Bank cho hay.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, năm 2014, điện sản xuất bình quân trên đầu người khoảng 3.100 kWh/người. Con số này ở các nước trong khu vực vào năm 2010 như sau: Singapore là 8.300 kWh/người, Malaysia 4.136 kWh/người; Thái Lan 2.335 kWh/người, Trung Quốc 2.944 kWh/người; Hàn Quốc 9.744 kWh/người; Nhật Bản 8.394 kWh/người;...

Như vậy, mức sản xuất điện khoảng 2.000 kWh/người của Việt Nam hiện nay so với các nước tiên tiến còn quá thấp.

Trong khi đó, hiệu quả sử dụng năng lượng, tức là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để làm ra một đơn vị GDP (thường gọi là cường độ năng lượng/điện đối với GDP) ở một số nước vào năm 2010 gồm: Thái Lan 0,56 kWh/USD; Nhật Bản 0,22 kWh/USD; Trung Quốc 1,05 kWh/USD; Hàn Quốc 0,40 kWh/USD. Ở Việt Nam, cường độ điện khoảng 1,15-1,2 kWh/USD.

Đồng thời, hệ số đàn hồi điện (tỉ lệ tốc độ tăng trưởng điện so với tăng GDP) của các nước thường nhỏ hơn 1%. Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại đang là 1,8%.

Phan Trang
397 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 886
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 886
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87230744