|
Nhiều DN Hà Nội bắt đầu đi vào sản xuất ổn định. Ảnh: TTXVN |
Hà Nội: 98% công nhân trở lại làm việc sau Tết
Ngày 11/2 (tức mùng 7 Tết), ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, LĐLĐ TP. Hà Nội đã thành lập 6 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện kỷ cương hành chính của tổ chức công đoàn, nắm bắt tình hình công nhân lao động sau Tết.
Kết quả kiểm tra cho thấy, ngày đầu trở lại làm việc, nhiều DN bắt đầu đi vào sản xuất ổn định; người lao động trở lại làm việc chiếm 98%; quan hệ lao động, diễn biến tư tưởng của công nhân viên không có nhiều biến động…
Việc người lao động làm việc ổn định sau Tết đã phần nào xóa bỏ âu lo của các chủ DN về việc thiếu hụt lao động sau Tết. Các DN đã có nhiều hoạt động chăm lo, nhằm giữ chân người lao động nhờ hiệu ứng mạnh mẽ từ các hoạt động của tổ chức công đoàn.
Ông Nguyễn Văn Luân, Chủ tịch Công đoàn công ty cổ phần Kim khí Thăng Long cho biết, với hơn 1500 lao động, thu nhập bình quân đạt hơn 8 triệu đồng/người/tháng, công đoàn công ty đã làm tốt công tác chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động bằng những hoạt động từ trước Tết, đảm bảo công việc ổn định, tăng lương, thưởng, cải thiện chế độ phúc lợi, hỗ trợ vé tàu xe miễn phí cho công nhân tích cực về quê ăn Tết…
Quảng Ninh: Không ngừng chăm lo quyền lợi của người lao động
Từ ngày 10-12/2 (mùng 6-8 Tết), các đơn vị, DN ở Quảng Ninh đều tổ chức khai xuân. Hầu hết người lao động ở các khu công nghiệp đã quay trở lại làm việc, rất ít công nhân bỏ việc.
Tại KCN Texhong Ngân Long, 96% công nhân của Công ty TNHH KH&KT Texhong Ngân Long quay trở lại làm việc. Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Các đơn hàng của công ty liên tục được bổ sung, vì thế mùng 6 Tết, công ty đã tổ chức 84 chuyến xe đón 3.000 công nhân ở quê trở ra Móng Cái để kịp ngày khai xuân mùng 8 Tết. Với những trường hợp chưa bố trí được xe, công ty đều thanh toán vé xe cho người lao động theo giá thị trường...
Mùng 6 tết hàng chục nghìn người lao động của các đơn vị của ngành than đã đồng loạt ra quân sản xuất. Năm 2019, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam phấn đấu sản xuất than nguyên khai đạt 40 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn, vì thế, ngay từ cuối năm 2018 Tập đoàn và các đơn vị đã quán triệt mục tiêu khai xuân sớm.
Các đơn vị khối than hầm lò bố trí trên 100 ô tô đưa đón trên 5.000 công nhân về quê ăn Tết và trở lại làm việc, các đơn vị không bố trí được xe hỗ trợ tiền để người lao động tự lo phương tiện về quê ăn tết với mức từ 300.000 - 500.000 đồng/người. Đúng mùng 6 Tết, 100% công nhân trong phân xưởng có mặt tham gia sản xuất nghiêm túc, không có trường hợp nào vui Xuân quên nhiệm vụ.
Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, những năm gần đây, tỷ lệ CNLĐ quay trở lại làm việc rất cao, điều này thể hiện sự đãi ngộ tốt của các DN, của tỉnh đối với người lao động, khẳng định sự gắn bó giữa người lao động với DN, hiệu quả hợp tác giữa tổ chức công đoàn với DN trong việc hoàn thiện chính sách ưu đãi công nhân.
Hải Dương: Tăng 3 ca cả 3 ngày Tết
Từ đầu năm đến hết ngày 10/2, Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã sản xuất khoảng 650 triệu kWh điện, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2018. Công ty vẫn bố trí 3 ca, mỗi ca 150 cán bộ, công nhân hoạt động xuyên Tết. Năm 2019, công ty phấn đấu sản xuất, tiêu thụ khoảng 5,9 tỷ kWh điện, tăng khoảng 3% so với năm 2018.
Đến ngày 10/2, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương đã sản xuất được 238.000 tấn phôi thép, vượt 11% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, công ty phấn đấu sản xuất, tiêu thụ 2,1 triệu tấn phôi thép, tăng 10% so với năm 2018. Để đạt mục tiêu này, trong những ngày Tết, gần 3.000 công nhân của công ty vẫn chia 3 ca sản xuất liên tục.
|
Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Thừa Thiên-Huế: Nhiều DN không nghỉ Tết
Tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm, công nhân vận hành nhà máy vẫn làm việc xuyên Tết. Trong những ngày Tết, lò quay, trạm nghiền, xuất clinker… đều hoạt động như thường. Các đội xe vận chuyển clinker vẫn đều đặn xuất hàng. Đúng mùng 4 Tết, những chuyến xe vận chuyển xi măng bắt đầu nối đuôi nhau vận chuyển xi măng đi phân phối các tỉnh dọc khu vực miền Trung, Tây Nguyên phục vụ xây dựng trong những ngày đầu năm.
Ngay trong sáng 9/2, tức mùng 5 Tết, 5.200 người lao động của Công ty cổ phần Dệt may Huế cũng bắt tay vào việc. Với mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là kim ngạch xuất khẩu đạt 96 triệu USD, doanh thu trên 1.800 tỷ đồng, ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, Hàn Quốc, EU, công ty đang tập trung đầu tư thay thế các trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến việc phát triển thêm một số thị trường mới như Nhật Bản, Australia...
Tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong ngày 11/2, trên 20.000 lao động tại các nhà máy, xí nghiệp đều đồng loạt ra quân sản xuất đầu năm, nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong năm 2019 với tinh thần vui tươi, phấn khởi.
Bình Dương: Nhiều công ty ra quân sớm
Ngay sau thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều DN của tỉnh Bình Dương đã gia tăng sản xuất, tạo nên không khí lao động sôi nổi, hiệu quả trong những ngày đầu xuân mới.
Tại Công ty Máy chế biến gỗ Thượng Nguyên, ngay ngày đầu tiên đi làm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2019, không khí lao động đã vô cùng khẩn trương, với mục tiêu tăng trưởng 20-30% so với năm 2018.
Ngoài củng cố lại vị trí các ban, nhóm để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, lãnh đạo công ty đã trực tiếp lắng nghe đề xuất của cán bộ, nhân viên công ty, động viên người lao động hăng say làm việc; có kế hoạch sản xuất, chăm sóc khách hàng theo từng ngày, từng tuần, từng tháng. Cùng với đó, công ty cũng bố trí hợp lý lực lượng lao động, tạo điều kiện nâng cao trình độ tay nghề công nhân, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Còn Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ hàng hóa Phương Nam đã ra quân đầu năm từ mùng 6 tháng giêng (10/2). Năm 2019, Công ty Phương Nam sẽ triển khai các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả dịch vụ, hạ giá thành chi phí, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao nhận, đem đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
Hiện nhiều DN đã tổ chức lễ khai trương, đón công nhân lao động trở lại làm việc. Anh Nguyễn Bảo Ân, công nhân làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, chia sẻ: “Tết năm nay vợ chồng mình trở lại Bình Dương làm việc sớm hơn mọi năm vì công ty tổ chức làm sớm do có đơn hàng nhiều. Tết vừa qua, tiền thưởng của 2 vợ chồng cũng khá nên về quê ăn Tết rất vui”.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Dương cho biết xét bình quân, mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cho công nhân và người lao động tại Bình Dương tăng khoảng 10% so với năm 2018.
|
Ảnh: Báo Bình Dương |
Đồng Nai: Tăng tốc sản xuất từ đầu năm
Năm nay, phần đông các DN ở Đồng Nai bắt đầu làm việc từ ngày 11/2 (mùng 7 tháng Giêng).
2019 được dự báo là năm sản xuất công nghiệp sẽ có bước tăng trưởng cao hơn năm trước, vì ngay từ đầu năm, các DN đã nhận được đơn đặt hàng đến tận cuối năm, phải tăng tốc ngay từ đầu năm để đáp ứng các đơn hàng. Nhiều DN đã không ngừng mở rộng sản xuất để đáp ứng các đơn hàng lớn của các đối tác nước ngoài. Đặc biệt là xuất khẩu đã mở rộng ra hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ để hạn chế phụ thuộc vào một vài thị trường.
Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho thấy năm nay, các ngành: Sản xuất, xuất khẩu dệt may, giày dép, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng, điện tử, linh kiện điện tử, sản phẩm gỗ... sẽ tiếp tục có mức tăng trưởng cao. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata cho hay: “Chúng tôi sản xuất quần áo xuất khẩu và đã nhận được đơn đặt hàng đến cuối năm 2019. Hiện công ty đang tiếp tục tuyển thêm lao động, mở rộng sản xuất để kịp các đơn hàng. Khách hàng chính của công ty đến từ châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản”. Cũng theo ông Hoàng, công ty đã từ chối một số đơn hàng vì không đáp ứng kịp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng xúc tiến thương mại trong nước. Những năm gần đây, Đồng Nai cũng làm tốt công tác xúc tiến thương mại trong nước, nhiều DN tìm nguồn nguyên liệu trong nước nên nhập khẩu giảm và xuất siêu tăng cao. Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu và xuất siêu./.
Chi Mai (tổng hợp)