Nhóm Ngân hàng Thế giới công bố 200 tỷ USD cho ứng phó biến đổi khí hậu 

(ĐCSVN) - Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục lồng ghép sự quan tâm về khí hậu vào chương trình hành động của mình, bao gồm sàng lọc dự án về rủi ro khí hậu và đưa ra những biện pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp, công bố tổng lượng phát thải khí nhà kính và số phát thải ròng, và áp dụng giá carbon đối chiếu đối với toàn bộ hoạt động đầu tư.

 

Ngày 3/12, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã công bố những mục tiêu mới về ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021-2025, với số vốn tài trợ trong 5 năm tăng gấp đôi, lên khoảng 200 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các nước thực hiện những hành động đầy tham vọng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp (Ảnh: Đ.H)

Kế hoạch mới tăng đáng kể nguồn tài chính cho các hoạt động thích ứng và nâng cao khả năng chịu đựng, do tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu đến đời sống và sinh kế của người dân, đặc biệt là ở các nước nghèo nhất thế giới. Kế hoạch này cũng thể hiện kỳ vọng đang gia tăng mạnh mẽ của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đồng thời gửi một tín hiệu quan trọng đến cộng đồng toàn cầu nhằm cùng hành động.

Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa sinh tồn đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Mục tiêu mới này cho thấy Ngân hàng Thế giới nhìn nhận vấn đề này nghiêm túc như thế nào, với việc huy động và đầu tư 200 tỷ USD trong 5 năm để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngân hàng Thế giới đang làm nhiều hơn và triển khai nhanh hơn các vấn đề về khí hậu, và mong cộng đồng toàn cầu cũng làm như vậy. Đây chính là việc đặt các quốc gia và cộng đồng trước trách nhiệm xây dựng một tương lai an toàn và bền vững hơn đối với tác động của khí hậu.

Số tiền 200 tỷ USD của Nhóm Ngân hàng Thế giới bao gồm khoảng 100 tỷ USD tài chính trực tiếp từ Ngân hàng Thế giới (IBRD/IDA) và khoảng 100 tỷ USD từ Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), cùng với số vốn của các nhà đầu tư tư nhân do Nhóm Ngân hàng Thế giới huy động.

Một trong những ưu tiên quan trọng là tăng cường hỗ trợ để nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, do hàng triệu người trên khắp thế giới đang phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng của các sự kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Với việc tăng mạnh nguồn tài chính trực tiếp cho các hoạt động thích ứng lên đến khoảng 50 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2025, đây sẽ là lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới coi vấn đề này quan trọng ngang với các hoạt động đầu tư giảm phát thải.

Theo bà Kristalina Georgieva, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới, nhiều người đang mất đi mạng sống và sinh kế do những ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chúng ta phải giải quyết các nguyên nhân, nhưng đồng thời cũng phải thích nghi với những hậu quả, thường ảnh hưởng nghiêm trọng nhất lên những người nghèo nhất trên thế giới. Đây là lý do tại sao Ngân hàng Thế giới cam kết tăng nguồn tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu lên 100 tỷ USD, một nửa trong số đó sẽ được dùng để xây nhà, trường học và cơ sở hạ tầng thích ứng với khí hậu hơn, và đầu tư vào nông nghiệp thông minh với khí hậu, quản lý nước bền vững và lưới an sinh xã hội có khả năng thích ứng.

Nguồn tài chính mới sẽ đảm bảo các hoạt động thích ứng được thực hiện một cách có hệ thống, và Ngân hàng Thế giới sẽ xây dựng một hệ thống xếp hạng mới để theo dõi và khuyến khích quá trình thực hiện trên toàn cầu. Các hoạt động hỗ trợ sẽ giúp xây dựng hệ thống dự báo chất lượng cao, hệ thống cảnh báo sớm và dịch vụ thông tin khí hậu để hơn 250 triệu người tại 30 nước đang phát triển sẽ được chuẩn bị tốt hơn trước những rủi ro khí hậu. Ngoài ra, các hoạt động đầu tư dự kiến cũng sẽ phát triển các hệ thống bảo trợ xã hội thích ứng với khí hậu hơn tại 40 quốc gia, và đầu tư cho nông nghiệp thông minh với khí hậu ở 20 quốc gia.

Những mục tiêu mới được xây dựng dựa trên Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Nhóm Ngân hàng Thế giới năm 2016. Trong năm 2018, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã cấp số vốn kỷ lục 20,5 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng gấp đôi ngân sách thực hiện trong năm trước khi ký Thỏa thuận Paris và hoàn thành mục tiêu của năm 2020 trước 2 năm.

Để tăng cường tác động trên toàn hệ thống tại các quốc gia, Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ việc lồng ghép quan tâm về khí hậu vào quá trình lập kế hoạch chính sách, thiết kế, thực hiện và đánh giá đầu tư. Ngân hàng Thế giới cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 20 quốc gia thực hiện và cập nhật Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và tăng cường sự tham gia của Bộ Tài chính trong quá trình thiết kế và thực hiện những chính sách khuyến khích chuyển đổi sang hoạt động giảm phát thải khí nhà kính.

Trong những ngành và lĩnh vực quan trọng, các hoạt động hỗ trợ sẽ bao gồm: Ngành năng lượng: Hỗ trợ sản xuất, lồng ghép và xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng để cung cấp 36 GW năng lượng tái tạo và giúp tiết kiệm tương đương với 1,5 GWh năng lượng thông qua các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng; Tại các thành phố: Hỗ trợ 100 thành phố xây dựng quy hoạch đô thị ít phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng chống chịu và định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng; Lĩnh vực thực phẩm và sử dụng đất: Tăng cường quản lý cảnh quan tổng hợp ở 50 quốc gia, bao gồm phạm vi lên tới 120 triệu ha rừng.

* Quá trình thực hiện các hành động và mục tiêu, cũng như kế hoạch hành động, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2025 bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2020 cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2025./.

 

Đặng Hiếu

360 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 739
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 739
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87214649