Nhớ người thầy giáo anh hùng trên đỉnh Trường Sơn 

(Công lý) - Tính đến giờ cũng đã gần tròn 3 năm, kể từ ngày mất của thầy giáo, Anh hùng lao động Hà Công Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đakrông, song hình ảnh của người thầy đến từ đồng đất Quảng Ninh, Quảng Bình này vẫn còn đọng mãi.

Ước mơ thắp sáng vùng cao

Cách đây vài năm, tôi đã từng được gặp thầy giáo Hà Công Văn (SN 1957, quê Quảng Ninh, Quảng Bình) trong căn nhà tập thể tuềnh toàng nằm day mặt ra sông Đakrong, chìm lút giữa mây mù và sương giăng bảng lảng. Và, cũng trong căn nhà cấp 4 còm cõi ấy, câu chuyện về cuộc đời của người thầy nổi tiếng nhất vùng biên viễn này được tãi ra chả khác gì cổ tích.

Nhớ người thầy giáo anh hùng trên đỉnh Trường Sơn

Nhà giáo Hà Công Văn - Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

Thầy Văn kể, năm 1977, với ước mơ được mang “cái chữ” đi thắp sáng vùng cao, thầy tình nguyện lên bản Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông dạy học. Lúc đó, khắp vùng đất biên viễn này còn hoang rậm bịt bùng, đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Pa Cô - Vân Kiều, và đa số là "mù chữ phổ thông". Cầm quyết định trên tay, sau hơn ba ngày đi bộ, thầy Văn mới đến được xã Tà Long. Dân bản rất đỗi ngạc nhiên trước vị khách này. Do bất đồng ngôn ngữ, phải rất vất vả thầy Văn mới giải thích được cho đồng bào hiểu mình là "người của cách mạng, của Bác Hồ", có nhiệm vụ "mang cái chữ của Bác" lên dạy cho dân làng biết đọc, biết viết để mau thoát khỏi đói nghèo.

Khi đó, thầy Văn là người Kinh duy nhất ở đây. Muốn hoà nhập được với bà con, thầy chủ động cùng ăn, cùng ở với dân bản, học tiếng Pa Cô - Vân Kiều để thuyết phục bà con nghe theo mình. Rất may lúc ấy ở xã Đakrông có một cựu chiến binh người Pa Cô từng theo cách mạng và tham gia hầu khắp các chiến trường miền Nam nên có thể nói thông thạo tiếng Kinh. Từ bấy, thầy Văn nhờ người cựu chiến binh này dạy cho mình tiếng Pa Cô - Vân Kiều. Mỗi ngày học từ 5-10 từ, dần dà vốn tiếng dân tộc của thầy Văn khá lên, có thể trò chuyện đơn giản với người dân bản địa. Nhờ thế, việc hòa nhập của thầy với cộng đồng dân bản cũng dễ dàng hơn đôi chút.

Đồng bào Pa Cô - Vân Kiều khi đó mới bước ra từ rừng già sâu thẳm, từ cuộc sống “ăn hang ở lỗ”, mọi thói quen sống đến phong tục tập quán đều được lưu truyền từ nhiều đời trước. Họ bị bóng đen từ quá khứ ủ trong đói nghèo và mông muội. Muốn giúp họ thoát khỏi hủ tục và đói nghèo truyền kiếp, ban ngày thầy Văn phải bày cho họ từ cách trồng lúa nước, trồng rau, thâm canh hoa màu, đến việc chăn nuôi con gà, con lợn để tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống. Mỗi khi màn đêm buông xuống, thầy Văn lại thắp đuốc băng rừng, lội suối đến từng nhà trò chuyện và vận động bà con cho con em đi học.

Nhớ người thầy giáo anh hùng trên đỉnh Trường Sơn

Thầy Văn (bên trái ảnh) trò chuyện với phóng viên

Ban đầu, cũng chỉ có vài gia đình ở xã Đakrông vì nể cái tình của thầy giáo mà cho con em mình đi học. Vận động được trò rồi, thầy Văn lại cùng bà con chặt tre nứa dựng trường, mở lớp. Lớp học đầu tiên, trong căn nhà gianh tre nứa lá ấy có em 13 -15 tuổi, có em thò lò mũi xanh lè. Tất cả đều bắt đầu học từ lớp 1. Đa số các em đều là con nhà nghèo, khoai sắn thay cơm, đến lớp thì 100% đầu trần, chân đất, thịt da ngoang nguếch. Chúng hầu hết không biết nghe và nói tiếng Kinh, thầy Văn thì vọc vạch vài câu tiếng Pa Cô- Vân Kiều. Thế là, cả thầy và trò "đánh vật" với nhau mà tiến triển cũng chả đáng là bao. Sau, thầy Văn nghĩ ra một phương pháp là dùng các đồ vật đơn giản giơ lên, khi học sinh phát âm như thế nào thì thầy ngầm hiểu đấy là tên gọi, là tiếng của người bản địa.

“Bốn cùng” với học trò

Cứ thế, thầy học tiếng của trò, trò lại học tiếng của thầy. Nhưng cũng chỉ được vài hôm, đám học trò của thầy Văn, đứa nhớ mẹ, đứa nhớ em đòi về, có hôm lớp còn đúng 3 em. Không nản chí, thầy tiếp tục hỏi thăm đường rồi lặn lội đến từng nhà để vận động các em đi học. Thấy thầy giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng dần... hợp tác. Chúng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên hơn để bắt đầu học a, b, c. Con chữ cứ thế thầm dần vào bọn trẻ.

Bên cạnh đó, thầy Văn chủ động tìm đến các già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong vùng nhờ họ vận động các gia đình khác tiếp tục cho con em đến lớp. Nhờ vậy, lớp học của thầy Văn cũng đông dần và đi vào ổn định. Có những thời điểm sĩ số của lớp lên đến hơn 40 em. Đồng thời, thầy Văn cũng ít phải "cơm đùm cơm nắm" lặn lội vào từng góc làng, góc bản làm công tác tuyên truyền. Vậy là sau bao nhiêu năm chìm lút giữa bom đạn chiến tranh, một lớp học đã mọc lên giữa rừng xanh núi đỏ, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Mười năm sau, năm 1987, thầy Văn lại được điều động vào công tác ở một nơi xa hơn, đó là xã Húc Nghì, huyện Đăkrông. Đường vào xã Húc Nghì có nhiều đèo dốc hiểm trở, quanh năm mây mù che phủ, nhiều quãng hai hai bên núi dựng tối om, cao vòi vọi. Rừng thì rợn ngợp, hoang vu đến tột cùng. Thảng hoặc lắm mới thấy một nóc nhà của đồng bào như con ve sầu đậu trên tấm thảm xanh mướt mát của núi rừng trùng điệp. “Ngày đó, bản làng còn nghèo khó, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, học trò đến lớp mình mẩy lấm lem bùn đất, nhiều khi tôi phải mất cả tiếng đồng hồ để gột rửa quần áo, sách vở cho chúng rồi mới bắt tay vào chuyện dạy chữ...", thầy Văn kể.

Thương học trò phải lặn lội mưa gió mỗi ngày, thầy Văn đã nghĩ ra mô hình trường nội trú vùng cao đầu tiên bằng cách vận động bà con kiếm gỗ rừng làm trường học và dựng thêm một vài lán nhỏ dùng để ở. Dựng xong, thầy lại vào tận các bản xa xôi tìm những em có hoàn cảnh khó khăn đưa ra nuôi ăn học. Như đêm tối gặp ánh lửa, nhiều người đã gùi gạo, cõng con đến trường giao hẳn cho thầy. Khi ấy, thầy chính thức “bốn cùng” với học trò, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng học tập. Văn vừa là thầy, vừa là anh, là cha của các em. Mỗi ngày học một buổi, buổi còn lại thầy trò ra rẫy tự sản xuất lương thực. Những em lớn cùng thầy chăn nuôi, trỉa lúa; các em nhỏ trồng rau, xuống suối bắt cá...

Lúc ấy ở miền núi Quảng Trị chưa có trường trung học cơ sở, học sinh của thầy Văn học xong tiểu học phải ở nhà, muốn học lên nữa cũng không có lớp. Sau nhiều lần suy nghĩ, thầy quyết định mở lớp “nhô” đầu tiên cho toàn bộ khu vực (học sinh học xong lớp 5 được tiếp tục học lên lớp 6 ngay tại trường tiểu học). Một số giáo viên tự nguyện đứng ra dạy học. Lớp 6 “nhô” đầu tiên của trường chỉ có 20 học sinh. Sau khi kết thúc chương trình học lớp 6, thầy lại tiếp tục cho các em học "nhô" lên lớp 7,8,9...

Thao thức với đồng bào

Cứ thế, công cuộc “gánh chữ lên non" của thầy Văn cứ kéo dài ra mãi. Nhà xa, có những thời điểm gần hai năm trời thầy mới về thăm vợ con được một lần. Và cũng phải tới năm 1996, tức là sau gần 20 năm công tác, thì vợ thầy và hai con mới lên thăm chồng, thăm bố lần đầu. Phải mãi sau trận lũ lịch sử năm 2000, vợ thầy Văn mới thu xếp được để lên đoàn tụ với chồng, đó cũng là lúc hai đứa con của thầy đã lớn, và tự lo được cho bản thân mình. "Ai chẳng có gia đình để nhớ để thương, nhưng vì đã lỡ quá yêu thương các học trò rồi, nên tôi không đành bỏ các em về với đồng bằng. Đến giờ, nỗi day dứt duy nhất của tôi là không ở bên chăm sóc được vợ con một cách đàng hoàng. Thậm chí khi đứa con thứ 3 ốm mất, đường sá xa xôi, cách trở, tôi về còn không kịp nhìn mặt con lần cuối", thầy Văn tâm sự.

Nhớ người thầy giáo anh hùng trên đỉnh Trường Sơn

Trường Tiểu học xã Đakrông, nơi thầy Văn từng công tác

Cũng chính vì cái tình với con em đồng bào như thế nên đối với người Pa Cô - Vân Kiều ở phía tây Quảng Trị, thầy Văn vừa được xem là người thầy, vừa được xem là anh em ruột thịt trong nhà. Nhiều gia đình có công to việc lớn hay chỉ là mổ con gà, họ cũng nhất định phải mời thầy giáo đến nhà cho bằng được. Thậm chí, khi thầy Văn chuyển trường vào xã Húc Nghì, nhiều hộ gia đình ở Chân Rò còn nhất mực gồng gánh chuyển nhà theo thầy để tiện bề cho con đi học, đồng thời cũng là muốn đỡ đần thầy những lúc ốm đau, trái gió trở trời. Câu chuyện ấy, nó chả khác gì cổ tích.

Ngay cả khi đã ở tuổi xế chiều, khát vọng cống hiến cho vùng cao, cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở phía tây của tỉnh Quảng Trị trong thầy Văn vẫn chưa hề vợi bớt. Thầy đã từng bảo: "Đời sống của đồng bào ở đây còn nghèo, bữa đói nhiều hơn bữa no. Muốn giúp họ thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi những phong tục, tập quán cổ hủ từ ngàn đời trước đó thì phải để cho họ tiếp cận với tri thức, mà đầu tiên phải là cái chữ. Chỉ có cái chữ mới khiến con em dân tộc Vân Kiều, Pa Cô mang họ Bác vượt qua được tăm tối, có thêm điều kiện vươn lên hoà nhập với cộng đồng các dân tộc anh em trong cả nước". 

Kiên trì, bền bỉ suốt gần bốn thập kỷ như thế, "tài sản" quý giá thầy Văn để lại cho vùng đất nhiều cam khó Đakrông là hàng ngàn người Vân Kiều, Pa Cô trên rẻo cao Trường Sơn được học cái chữ. Đã có rất nhiều học trò của thầy trưởng thành và trở thành những cán bộ chủ chốt trong và ngoài tỉnh. Với công lao to lớn đó, thầy Hà Công Văn đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng 3 và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Và, trong công cuộc xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục của vùng đất phía tây Quảng Trị hôm nay, có một phần công rất lớn của người thầy đến từ đồng đất Quảng Ninh, Quảng Bình này.

746 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 879
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 879
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87229143