Trong nhiều năm nay, mặc dù được đưa vào chương trình thi Trung học phổ thông Quốc gia nhưng môn Giáo dục công dân vẫn bị coi là “môn phụ nhất trong các môn phụ” trong mắt học sinh, trong mắt phụ huynh và thậm chí ngay cả trong mắt một số thầy cô dạy "môn chính".
Tuy nhiên, cô giáo Tố Trinh không nghĩ đó là môn phụ, nhất là đối với học sinh đồng bào Vân Kiều, vùng biên giới như tại trường Trung học cơ sở Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Bởi với cô giáo Tố Trinh bộ môn Giáo dục công dân là một bộ môn để dạy thế hệ trẻ sống đẹp, sống tử tế, sống có trách nhiệm với cộng đồng, xây dựng xã hội văn minh và những nghĩa tinh trong cuộc sống.
Cô Trinh đã chọn và biết ơn người thầy đã khuất của mình, người đã định hướng cô theo học và dạy môn này khi trở thành cô giáo.
Được sự giới thiệu của thầy Hiệu trưởng Trần Ngọc Định chúng tôi có dịp trò chuyện với giáo Hồ Thị Thị Tố Trinh vào một chiều khi Xuân đang về trên những triền núi của dãy Trường Sơn.
Cô Trinh là cô gái gốc đất Triệu Phong, năm 2000 sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cô Trinh lên đến trường Trung học cơ sở Lao Bảo.
|
Cô giáo Hồ Thị Tố Trinh bên học trò của mình. Ảnh: LC |
Qua 20 năm công tác, cô giáo Trinh cũng đã đi qua những ngày gian khó của vùng đất biên giới, từ ngày đường sá đến trường là một hành trình vất vả, học sinh, phụ huynh không hề coi trọng việc học, những ngày vào núi tìm học sinh ra lớp…
Thế nhưng, chừng ấy thời gian, chừng ấy ngày gian khó, cô Trinh đã coi Lao Bảo trở thành quê hương thứ 2 của mình.
Trường Trung học cơ sở Lao Bảo bây giờ không chỉ là nơi làm việc mà đó là ngôi nhà thứ 2 của cô Trinh khi anh chị em đồng nghiệp cùng gắn bó, cùng đem tấm lòng của nghề giáo truyền đến các em học sinh lòng hiếu học, thay đổi bản thân, góp phần thay đổi quê hương.
Nói về nghề giáo, cô Tố Trinh bảo, cô có ước mơ làm nghề giáo từ khi còn học Tiểu học.
Ngay từ ngày là một cô bé thơ ngây, những bài giảng của cô giáo mình, một từ Quảng Bình vào công tác ở trường làng.
Những bài giảng từ cô giáo đã khiến cô bé Tố Trinh ngày nào tự nhủ mình sẽ thành cô giáo. Và ước mơ ấy đã trở thành sự thật.
Tròn 20 năm làm cô giáo, cô Trinh cũng trải qua đủ cung bậc của nghề giáo vùng cao. Đó là những hạnh phúc đơn sơ đến từ những cô cậu học trò vùng khó, nhưng cũng không ít lần phiền lòng với những học trò cứng đầu.
Một trong những kỷ niệm lớn nhất của cô Trinh đó chính là câu hỏi của một học sinh nữ khi cô vận động học trò trở lại lớp.
“Lần đó, mình đi vận động học trò quay lại lớp học, câu hỏi của cô học trò nhỏ khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Cô bé ấy bảo em có đi học nữa để làm gì khi bạn cùng tuổi nghỉ học sớm đã có chồng, có nhà và có con, còn cô bé ấy chẳng có gì. Câu hỏi của em học trò ấy khiến mình rất buồn”, cô Trinh chia sẻ.
Với trách nhiệm là cô giáo dạy Giáo dục công dân, cô Trinh cũng tự cho mình có phần trách nhiệm khi học trò chưa được ngoan và lễ phép.
Mỗi lần như vậy cô đều tự hỏi lại mình, sau đó thay đổi bản thân để bài học trở nên thiết thực và gắn liền với học sinh hơn.
Trao đổi về phương pháp giảng dạy giáo dục công dân, cô Trinh cho rằng, trước hết người giáo viên cần ý thức được rằng đó không phải là môn phụ, cho dù vẫn còn định kiến về môn phụ với môn này.
“Đó là môn hình thành ý thức cả về xã hội và pháp luật với các em, việc này rất quan trọng, đặc biệt là với học trò vùng biên giới, vùng bản khó khăn như Lao Bảo”, cô Trinh cho biết.
Để bài học luôn mới và có sức hấp dẫn với học sinh, cô Trinh luôn tìm cách làm mới phương pháp dạy học kết hợp với các phương pháp truyền thống.
|
Lớp học Giáo dục công dân của cô Tố Trinh gắn liền với thực tế, những câu chuyện của các cựu chiến binh giúp các em hiểu rõ hơn bài học trên lớp. Ảnh: NVCC |
“Mỗi lần thay sách giáo khoa, mình rất muốn được đi tập huấn. Đó là cơ hội được tiếp cận cái mới và bản thân mình phải suy nghĩ, tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới phù hợp với chương trình và đặc thù học sinh của trường”, cô Trinh kể.
Tại Trường Trung học cơ sở Lao Bảo, những bài học giáo dục công dân của cô giáo Tố Trinh luôn gắn liền với những bài học từ cuộc sống. Những buổi gặp gỡ già làng, trưởng bản, các cựu chiến binh, những người có uy tín đã giúp các em thấm thía hơn những bài học trên lớp của môn Giáo dục công dân.
Cô Trinh cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Cô Trinh bảo, đó không chỉ là cuộc thi vì cá nhân mà đó là cơ hội được gặp gỡ và học hỏi phương pháp từ các đồng nghiệp của cô, những người dạy ở những vùng tốt khá hơn.
Từ những cuộc thi này, cô Trinh đã đúc rút ra kinh nghiệm của bản thân, tự mình thay đổi phương pháp sao cho phù hợp với chương trình, phù hợp với học trò vùng biên giới như Lao Bảo.
Trong 20 năm công tác cô Hồ Thị Tố Trinh đã nhiều lần đạt danh hiệu cấp huyện, 10 lần liên tiếp, kể cả bảo lưu, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 2 lần vinh dự được bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nói về việc chọn giảng dạy môn Giáo dục công dân, cô Trinh cho biết, người ảnh hưởng nhất và đã hướng cô đến với môn học giáo dục công dân chính là người thầy Hiệu trưởng đã khuất của cô.
Đến nay, dù qua nhiều thăng trầm của nghề giáo, cô Trinh bảo cô chưa từng thấy tiếc về sự lựa chọn của mình, cô biết ơn thầy giáo của mình đã ủng hộ và tin tưởng vào khả năng của mình.
Nhớ lời thầy, lời cô của mình, cô Trinh luôn tâm niệm mình phải luôn luôn thay đổi theo hướng tích cực, tất cả vì học sinh thân yêu.
Trần Phương