Nhớ câu hò trên bến Hiền Lương 

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song hôm nay, đến những làng quê thanh bình hai bên con sông Bến Hải lịch sử, vẫn còn đó biết bao câu chuyện cảm động của những con người đã sống bám trụ trên từng tấc đất quê hương để chiến đấu, chịu đựng, hy sinh cho ngày đất nước độc lập, hòa bình...

Chúng tôi về Hiền Lương-Bến Hải một ngày hạ nắng vàng rực cánh đồng, dòng sông Bến Hải trong xanh vẫn cuộn chảy xuôi ra biển lớn. Cách Di tích Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải chừng 1km về phía Nam bên tay trái trên Quốc lộ 1A là cổng chào xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị). 

Bắt đầu từ thượng nguồn dãy Trường Sơn, khi con sông chảy đến đây thì đột nhiên rẽ phải, lấn về phía Nam, ôm sát các làng mạc của Trung Hải soi bóng những vườn cây xanh ngắt chạy tít tắp về phía chân trời. Ở phía đối diện là xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, nơi có Bến đò B làng Tùng Luật cả thế giới biết đến… 

Ðến UBND xã Trung Hải, cách Quốc lộ 1A chừng 500m, tôi hỏi nhà vợ chồng ông Lê Viết Trinh, bà Trần Thị Thiện, thôn Bách Lộc, anh cán bộ văn phòng xởi lởi: “Ði tiếp 500m nữa… ngôi nhà nằm ở đầu làng”. 

Khi chúng tôi đến, ông Trinh và bà Thiện đang ngồi bên nhau giữa khoảng sân dưới tán cây râm mát, chuyện trò rất vui vẻ. Nghe chúng tôi trình bày, ông Trinh nở nụ cười hiền, bảo: “Chuyện hơn nửa thế kỷ rồi, nhưng ông mệ rất vui khi các cháu muốn nghe. Ông mệ kể để mong nhiều người trẻ nữa sẽ biết đến, thấu hiểu, quý trọng giá trị của độc lập, hòa bình hôm nay”.

Vợ chồng ông Trinh bà Thiện hạnh phúc lúc tuổi già.

Ông Trinh, bà Thiện nay đã bước sang tuổi 85, nhưng vẫn còn minh mẫn. Câu chuyện về những năm tháng hoạt động cách mạng, bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng họ quyết không khai dù chỉ nửa lời, được kể lại như những thước phim quay chậm, làm người nghe lúc rùng mình lạnh toát sống lưng, lúc ứa nước mắt với bao cảm thương và lòng kính phục. 

Năm 1953, khi mới 19 tuổi, ông Trinh bị giặc Pháp bắt, tra tấn cùng với 2 người anh ruột là Lê Bảng và Lê Minh Ðịnh tại lao Quảng Trị (thị xã Quảng Trị ngày nay). Người anh Lê Bảng lúc đó là Trưởng Công an xã Vĩnh Liêm, Vĩnh Linh (nay là xã Trung Hải, Gio Linh). Sau nhiều lần tra tấn dã man, nhưng không khai thác được tin tức, ông Bảng đã bị địch bắn chết. 

Một thời gian sau, bọn chúng đưa ông Trinh đến Ðồn Mỹ Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị, rồi đưa vào Ưu Ðiềm, Phong Ðiền, Thừa Thiên-Huế lao động khổ sai. Nhân lúc lính gác sơ hở, ông đã trốn thoát về lại Trung Hải. Năm 1954, khi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi miền Bắc qua cầu Hiền Lương, đất nước bị chia cắt 2 miền ở vĩ tuyến 17 cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, ông Trinh được cấp trên chọn ở lại với lực lượng Thanh niên Trung kiên xã Trung Hải để tiếp tục hoạt động bí mật, xây dựng cơ sở cách mạng. 

Hai năm sau, ông vinh dự được kết nạp vào Ðảng, làm Bí thư chi bộ phụ trách 2 thôn Xuân Mỵ và Bách Lộ. Năm 1961, giặc bắt ông giam cầm, tra tấn tại lao Quảng Trị. Một năm sau, không khai thác được gì ở ông nên chúng buộc phải thả ông về. Lúc này, Thiếu tá Nguyễn Thanh Hà, phụ trách Ban tình báo Công an vũ trang Vĩnh Linh (B8) bàn với Huyện ủy Vĩnh Linh chuyển ông sang làm công tác tình báo.

Ðược cấp trên giao nhiệm vụ, ông nhanh chóng tổ chức 4 thành viên khác cùng hoạt động với mình, gồm anh ruột Lê Minh Ðịnh (bí danh K), Hoàng Văn Hựu (Mười), Hoàng Viện (Năm) và Trần Chút (Mai). Trong đó, ông Ðịnh làm Ủy viên Cảnh sát Quân đội Sài Gòn, hoạt động trong lòng địch; ông Hựu làm nghĩa quân, Trưởng ban Cơ yếu quận Trung Lương (nay là huyện Gio Linh); ông Viện làm phục vụ, trực tiếp canh gác, bảo vệ, phục vụ tên Quận trưởng Lê Hữu Nghi; ông Chút làm giáo dân ở nhà thờ Cao Xá, Trung Hải, có nhiệm vụ nghe ngóng, trinh sát tình hình địch. 

Riêng ông Trinh có nhiệm vụ quan trọng nhất là tập hợp tin tức, phân tích, nhận định tình hình và báo cáo cho B8. Ngoại trừ những lúc đột xuất, có thông tin quan trọng đặc biệt cần phải báo cáo gấp, cứ mỗi 5 ngày một lần, ông đều đặn vượt sông Bến Hải ở bến Xuân Long sang bờ Bắc để hoàn thành nhiệm vụ. …

Ngồi bên người vợ thảo hiền, chung thủy của mình, ông Trinh luôn nói những lời trân trọng dành cho vợ. Lâu lâu, bà Thiện lại nhìn sang chồng, cười rất hạnh phúc. Ðược biết ông và mệ yêu nhau, rồi lấy nhau là bắt đầu từ việc cùng chung ý chí. Mệ gặp ông ấy trong tù, năm 1961. 

Lúc đầu, mệ không mến vì nghi ông ấy vào đó để hoạt động cho địch, sau khi ra tù mệ mới biết chính xác ông là người của cách mạng. Ðầu năm 1963, ông và mệ làm lễ ăn hỏi xong thì mệ bị địch bắt lại. Lần đó, ông biết mệ rất khó trở về, nhưng ngày nào ông cũng ngóng trông, chờ đợi. Ông nghĩ, nếu mệ không trở về được, suốt cuộc đời còn lại, mệ vẫn luôn sống trong trái tim ông. 

Rất may, chờ được 3 năm thì mệ trở về. Lần gặp lại, mệ khóc suốt, cứ khuyên ông đi tìm người khác. Bởi vì mệ còn sống được, nhưng sẽ không có con vì đòn roi tra tấn của địch. Ông liền bảo mệ, chúng ta không có con thì chúng ta vẫn sống với nhau, cuộc đời này, kiếp này chúng ta đã thuộc về nhau nên không sao cả!”. 

Thế nhưng đau đớn, bạo tàn chưa chịu buông tha họ, năm 1966 khi đang tổ chức lễ cưới, bọn địch đã xông thẳng đến nhà cô dâu, bắt bà Thiện đi giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man trở lại.  Ròng rã một năm sau, bọn địch vẫn không khai thác được tin tức gì ở bà Thiện, nên chúng đành thả bà trở về.

Cầu Hiền Lương trong ngày hội thống nhất non sông.

Ở đôi bờ sông Bến Hải, còn có hàng trăm con người khác như vợ chồng ông Trinh, bà Thiện. Chúng tôi tìm về gia đình ông Trần Ngọc Châu, bà Trần Thị Dĩnh ở làng Xuân Hòa, Trung Hải. Ông bà đều đã qua đời cách đây nhiều năm do bệnh tật, tuổi cao, sức yếu. Chúng tôi may mắn gặp được ông Nguyễn Minh Châu, ở cùng làng với những con người đã quá cố này, một thời cũng là chiến sĩ Công an vũ trang giới tuyến vào sinh ra tử. 

Ðặc biệt, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, họ còn là thông gia với nhau, nên biết về nhau rất rõ. Ông Minh Châu kể rằng, ông Ngọc Châu là lớp đàn anh tham gia hoạt động cách mạng và biên chế vào lực lượng Công an vũ trang huyện Vĩnh Linh trước ông nhiều năm. 

Ngày đó, bà Dĩnh vợ ông Ngọc Châu sống ở bờ Nam, còn chồng hoạt động ở bờ Bắc. Mỗi buổi sáng sớm hay chiều muộn về, bà Dĩnh lại đem quần áo ra bến sông giặt, với mục đích được nhìn thấy chồng ở bờ bên kia. Có nhiều hôm, bà giặt mãi, giặt mãi đến khi quần áo vo, vắt nhiều lần cứ sờn ra mà không nhìn thấy được chồng.

Nếu như ngày ngày, những người vợ, người mẹ như bà Dĩnh đứng bên này bờ Nam sông Bến Hải ngóng qua bờ bên kia, dằng dặc đợi chồng, thương nhớ khôn nguôi, thì ngay chính bờ Nam sông, cũng có những cặp vợ chồng ngóng đợi nhau suốt nhiều năm ở bến sông thương này. Ðể rồi niềm tin son sắt ấy đã không phụ họ, bến sông quê vẫn luôn đợi chờ, cuối cùng họ cũng đã trở về được nơi đây sống cuộc sống thanh bình sau ngày đất nước được giải phóng, Nam-Bắc sum họp một nhà...

Về sông Bến Hải, cầu Hiền Lương lần này, chúng tôi còn may mắn gặp bà Phan Thị Hoa, là con gái của ông Phan Văn Ðồng, hình mẫu trong bài hát nổi tiếng “Câu hò bên bến Hiền Lương” của 2 nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Ðằng Giao. Chuyện kể rằng, thời đánh Mỹ, ông Ðồng làm nhân viên Trạm Hải đăng Cửa Tùng. 

Chiều chiều, sau giờ làm việc, ông hay ra đứng tựa gốc dừa bên bờ sông Bến Hải nhìn về hướng Nam để phần nào dịu vơi đi nỗi nhớ vợ con da diết. Trong một lần, 2 nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Ðằng Giao đi thực tế chiến trường Vĩnh Linh, Bến Hải, Cửa Tùng biết được câu chuyện này để rồi năm 1957, họ cho ra đời ca khúc tiêu biểu, sống mãi cùng năm tháng.

Và, khi chia tay miền đất đôi bờ Bến Hải với những con người một đời thủy chung son sắt với cách mạng, với Ðảng và Bác Hồ; thủy chung trọn vẹn với tình yêu lứa đôi trong tình yêu quê hương, đất nước như vợ chồng ông Trinh và bà Thiện, ông Minh Châu và bà Dĩnh, ông Ðồng… bất chợt tôi như nghe được từ dòng sông câu hò khắc khoải niềm thương nhớ khôn nguôi trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt đang vọng lên từ bến nước Hiền Lương…

Phan Thanh Bình
511 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 892
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 892
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87048431