Nhớ…Trở về từ ký ức 

Với tôi, không câu chữ nào tròn trịa, đầy đủ như “ Trở về từ ký ức” - chương trình truyền hình tôi tham gia từ năm 2011 - 2017. Gần 7 năm, thời gian không phải quá dài trong sự nghiệp, nhưng đây là quãng đời tươi đẹp, ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.

Xoa dịu nỗi đau

Trong suốt 39 số phát sóng trực tiếp (Chủ nhật thứ 2 hàng tháng), “Trở về từ ký ức” luôn kết nối đồng đội - cán bộ chính sách - người dân - gia đình. Từ những mẩu ký ức, những hình ảnh, thông tin mong tìm lại liệt sĩ, xoa dịu nỗi đau trong các gia đình có người không trở về sau chiến tranh.

Tổng đài 08 6260 5555 ngày đó hoạt động không ngừng. Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi từ thân nhân liệt sĩ, các cựu chiến binh, nhân chứng.

Ê kíp “Trở về từ ký ức” cố gắng hướng cho thân nhân liệt sĩ cách sao lục lại giấy báo tử, đề nghị cấp bản trích lục thông tin quân nhân hi sinh, từ trần tại ban chính sách các tỉnh đội; tiếp nhận thông tin các cựu chiến binh trực tiếp an táng đồng đội hoặc nhờ tìm người thân của liệt sĩ. Bao cuộc gọi đến trong nước mắt, rất xúc động mà tôi không thể nhớ hết, thậm chí có những cuộc gọi mắng chúng tôi vì gia đình quá nóng ruột.

Trong hành trình tìm kiếm và kết nối thông tin liệt sĩ, chúng tôi luôn nhận được sự trợ giúp từ các cô chú cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ và "người đưa đò" Nguyễn Sỹ Hồ.

Ekip “Trở về từ ký ức” chụp ảnh lưu niệm với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. Ảnh: TVTKU

Ekip “Trở về từ ký ức” chụp ảnh lưu niệm với Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy. Ảnh: TVTKU

Còn nhớ, “Trở về từ ký ức” đã đến với mẹ Trần Thị Ngọ năm 2013 (lúc này 92 tuổi), mẹ của liệt sĩ Thái Văn Tư (Xức), hy sinh trận Chòi Đồng-Bình Giã ngày 31.12.1964. Bao nhiêu năm tìm con, nay nghe tin mẹ vui lắm khi nghe con mình được quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Thái Thị Quyên, em gái liệt sĩ Tư xúc động: "Gia đình mừng lắm, má thì xúc động hoài, có đêm không ngủ. Tôi hỏi thì má nói mừng và nhớ anh Xức (Tư) lắm”. Trong ngày vui quy tập liệt sĩ về quê hôm ấy, còn có các CCB E2 là đồng đội của liệt sĩ trong chiến đấu, ai cũng đã bạc phơ mái đầu.

 

CCB Đỗ Văn Nù nước mắt vòng quanh, cầm tay mẹ 92 tuổi thổn thức: “Hồi xưa con với Tư thân như anh em ruột vậy. Tụi con dặn nhau, hòa bình mà thằng nào còn sống về gặp cha mẹ nói tình hình của tao. Hôm nay con gặp được mẹ. Mẹ ráng khỏe nha”.

Hành trình trả lại tên cho liệt sĩ

Chỉ trong thời gian ngắn phát sóng, “Trở về từ ký ức” nhận được hàng chục nghìn thông tin đề nghị tìm kiếm mộ chí, các liệt sĩ chưa tìm thấy mộ. Những bức thư ướt nhòe nước mắt, thư của liệt sĩ gửi về cho mẹ, gửi người yêu; hay những bức ảnh quý giá thời thanh xuân của liệt sĩ cũng được gia đình gửi về chương trình. Khi đó chúng tôi nhanh chóng số hóa những tư liệu và gửi bản gốc về cho gia đình.

Tất cả đó là nguồn tư liệu quý giá được ban biên tập nghiên cứu trả lại tên cho liệt sĩ một cách khoa học và chính xác nhất. Nói thì đơn giản nhưng để hoàn thành việc xác minh, đề nghị trả lại tên cho liệt sĩ ít nhất 3 tháng, dài nhất đến 3 năm.

Báo tin mộ chí cho gia đình LS Thái Văn Tư ( Xức). Ảnh: TVTKU

Báo tin mộ chí cho gia đình LS Thái Văn Tư ( Xức). Ảnh: TVTKU

Trường hợp một liệt sĩ phát hiện tại đồi Hỏa Tiễn, xã Hải Lâm, H.Hải Lăng (Quảng Trị) là điển hình. Liệt sĩ này cùng với một đồng đội vì khuyết thông tin quê quán nên không có người thân thăm viếng. Khi đó, hồ sơ quy tập có ghi: “Hài cốt liệt sĩ đầu dựa trên hòm đạn đại liên, bên trong ống nhựa có tờ giấy mực đã bạt hết, nhưng khi soi lên ánh sáng, vẫn nhìn được những nét chữ: "LS VŨ MINH HIỀN (hoặc VŨ MINH HIẾN), sinh năm 1946, hi sinh ngày 14.7.1972”.

Sau đó, chúng tôi gửi thông tin đến Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng và Cục Người có công - Bộ LĐTBXH để tra cứu thông tin. Kết quả từ hai cơ quan đều trùng khớp. Biết đơn vị của liệt sĩ này ở Trung đoàn 38 thuộc BTL Pháo binh (nay E38 BTL Công binh), chúng tôi gửi công văn đề nghị BTL Công binh tra cứu và được phản hồi về hi sinh của liệt sĩ Hiến. Vậy là tìm được quê quán cho liệt sĩ với tên đúng là Vũ Minh Hiến, quê ở xã Yên Thái, H. Yên Mô (Ninh Bình).

Ai cũng ngỡ là hoàn thành công việc nhưng cháu của liệt sĩ lúc đó ở xã Yên Thái nói: Gia đình đã đi tìm và biết mộ rồi nên không cần các anh chị xác minh. Thế nhưng sau đó, chúng tôi liên hệ về địa phương lần 2 và gặp ông Vũ Văn Phương, em trai và cũng là người thờ cúng liệt sĩ .

Ông Phương kể, năm 1999 đã vào Quảng Trị tìm mộ, nhưng do trên bia không ghi quê quán nên không biết làm thế nào để nhận mộ. Vậy là “Trở về từ ký ức” giúp gia đình làm thủ tục đề nghị điều chỉnh, bổ sung thông tin trên bia mộ liệt sĩ Vũ Minh Hiến.

Những trường hợp kể như trên rất nhiều, vô cùng vất vả và dày công. Như vụ xác minh và trả lại tên cho 16 mộ liệt sĩ khuyết thông tin của đơn vị E2 (tức F325) ở NTLS H.Hướng Hóa (Quảng Trị), “Trở về từ ký ức” mất gần 3 năm mới hoàn thành, trả lại tên cho 10 liệt sĩ. Trong đó, liệt sĩ Ngô Như Hưng, quê tỉnh Nghệ An phải hoàn thành thủ tục sau cùng. Lý do là trên bia mộ và hồ sơ quân sự liệt sĩ mang tên Nguyễn Văn Hưng, nhưng trên giấy báo tử tên là Nguyễn Hữu Hưng.

“Trở về từ ký ức” xác minh 73 địa phương thì tên đúng của liệt sĩ là Ngô Như Hưng, có em ruột là Ngô Thị Thuận đang thờ. Qua xác minh, nhà có hai anh em, thì liệt sĩ Hưng là anh trai đi bộ đội rồi hi sinh, giờ chỉ còn cô Thuận sống neo đơn hương khói cho bố mẹ và anh trai.

Cuối năm 2016, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị đã đồng ý điều chỉnh thông tin trên bia cho liệt sĩ theo thông tin trên giấy báo tử. Vậy là cô Thuận đã biết được nơi an nghỉ của anh trai sau gần 50 năm biền biệt.

Biệt đội 007

Chúng tôi tự đặt biệt danh cho những thành viên trong ê kíp “Trở về từ ký ức” là Biệt đội 007 theo tên của hòm thư Chương trình “Trở về từ ký ức”. Ngoài nhà báo Thu Uyên - Chủ nhiệm chương trình, số còn lại chúng tôi gồm các bạn trẻ, lớn nhất sinh năm 1983, còn lại từ 1984 trở xuống và nhỏ nhất là sinh năm 1991.

Chúng tôi là những người trẻ, chỉ biết chiến tranh qua sách vở, không hề biết những phiên hiệu KB, KH, KN, KT, NB, H1, H2, H3 hay A, B,C, D, E, F… trong quân đội.

Biệt đội 007 chúng tôi tràn đầy nhiệt huyết. Nhờ đó, chúng tôi trở nên giàu nghị lực, có tình yêu công việc, cảm nhận nỗi đau chiến tranh đi qua từng trang thư mà thân nhân liệt sĩ gửi về.

Thời điểm tiếp nhận thông tin, hàng ngày mỗi thành viên trong đội đọc hàng chục lá thư gửi gắm, thư nào cũng đẫm nước mắt, khắc khoải chờ mong, hi vọng tìm được mộ người thân. Mỗi cuộc gọi đến, nếu không giải thích, trả lời được thì ít nhất cũng lắng nghe nỗi lòng, giãi bày tâm sự… và nghe khóc. Tiếng khóc tìm người thân - dẫu không bằng da, bằng thịt nhưng sao não lòng đến thế.

Rồi việc xác minh trả lại tên cho liệt sĩ, chúng tôi dặn dò nhau làm việc hết sức cẩn trọng, không được sai sót, tránh những suy luận, ý kiến chủ quan. Mỗi một liệt sĩ được thực chứng trả lại tên, hầu như chúng tôi đều thuộc làu tên, quê quán, ngày nhập ngũ, rồi đơn vị, ngày tháng năm hi sinh, thậm chí thuộc cả tên bố mẹ của liệt sĩ và ngày báo tử. Có những câu chuyện là những bài học về tình mẫu tử, tình anh em, tình cha con, tình yêu và đạo nghĩa vợ chồng.

Có một điều tuy không ai nói ra nhưng Biệt đội 007 đều cảm nhận: chúng tôi đều là những thân nhân liệt sĩ.

NGỌC DIÊN (BỘ PHẬN BIÊN TẬP “TRỞ VỀ TỪ KÝ ỨC”)

630 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 544
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 544
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87238532