|
Ảnh minh họa - Internet |
Mục tiêu của Chương trình nhằm thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành Ngân hàng, góp phần tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021; tiết kiệm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế và phòng, chống, khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai.
Chống lãng phí trong mua sắm tài sản công
Chương trình sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2021, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 07/01/2021 của Ngân hàng Nhà nước; quản lý tài chính chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định; quản lý, sử dụng kinh phí trong phạm vi kế hoạch tài chính, dự toán hoặc kinh phí khoán được giao. Xây dựng và quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn vay ODA và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ nước ngoài.
Đồng thời, quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn để góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công; chống lãng phí trong mua sắm tài sản công thông qua việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thực hiện nghiêm túc quy trình thanh lý tài sản công để tránh thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới hoạt động
Tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, mạng lưới hoạt động nhằm giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao năng suất lao động. Triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công có chất lượng ngày càng cao.
Chương trình cũng đề ra giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đó xác định các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể cho từng lĩnh vực gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tiêu chí đánh giá trong công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Biểu dương, khen thưởng gương điển hình
Ngành ngân hàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thủ trưởng các đơn vị trong ngành Ngân hàng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để đẩy mạnh thông tin, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước có liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân trong ngành Ngân hàng. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.
Công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước
Ngành ngân hàng tăng cường công tác tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực hiện trách nhiệm công khai theo đúng quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật chuyên ngành; trong đó chú trọng thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn kết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Thu Hương