Đây là nội dung chính trong thông báo của NHNN về việc giảm lãi suất điều hành phát đi trong ngày 13/9.
|
Trụ sở NHNN. |
Theo NHNN phân tích: giai đoạn trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Giai đoạn gần đây, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành; trong nước kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. Từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất.
Cụ thể, Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
NHNN cũng giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Trước đó, ngày 31/7, Fed chính thức hạ 0,25 điểm phần trăm lãi suất mục tiêu, đồng thời cũng giảm 0,25 điểm phần trăm cặp lãi suất điều hành.
Về lý thuyết, khi lãi suất cao, tín dụng bị hạn chế cũng góp phần giảm áp lực cho lạm phát. Ngược lại, khi lãi suất điều hành thấp hơn tác động đến lãi suất huy động, cho vay, có thể thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, gia tăng lượng nhập khẩu ròng, đẩy giá trị một số tài sản lên cao, đặc biệt là tài sản tài chính, tạo đà tăng trưởng, song lại kích thích lạm phát và cầu tín dụng, trong đó có cả tín dụng trong một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, NHNN đã có định hướng siết chặt ngay từ đầu năm thông qua áp trần tăng trưởng 14%. NHNN đang quản lý tín dụng thông qua khối lượng vốn cung ứng chứ không thông qua công cụ lãi suất. Như vậy, nếu lãi suất hạ xuống mức thấp hơn, cũng không thể đẩy tăng trưởng tín dụng quá cao do đã có kiểm soát giới hạn.
Huy Thắng