NHNN bảo đảm tuân thủ “luật chơi” quốc tế khi quản lý trung gian thanh toán 

(Chinhphu.vn) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP) với nhiều ý kiến đóng góp đa dạng từ Hiệp hội, doanh nghiệp và chuyên gia pháp lý hoạt động trong lĩnh vực thanh toán.

 

Đại diện NHNN và VCCI trao đổi thảo luận với các chuyên gia, doanh nghiệp tại Hội thảo. Ảnh:VGP.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Thanh toán không dùng tiền mặt là một xu hướng ngày càng phát triển. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để đưa chủ trương, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống một cách thành công. 
Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là văn bản quan trọng, ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, các doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ và đông đảo người dân, do đó được sự quan tâm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Đại diện cơ quan dự thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã qua 6 năm triển khai, với những nội dung quan trọng ảnh hưởng sâu rộng, là nền tảng pháp lý cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động.
Do sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập, một số quy định của Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung. Quan điểm xây dựng Nghị định thể hiện nhất quán là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa các hoạt động sử dụng tiền mặt để giảm chi phí, tạo sự minh bạch trong nền kinh tế, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế các rủi ro trong giao dịch, khuyến khích đổi mới, sang tạo, các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực thanh toán.
Một vấn đề nóng của Hội thảo là quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại Dự thảo không quá 49%. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) góp ý, mặc dù TMĐT phát triển nhanh gần đây nhưng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong những năm nay không tăng. Để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nishikawa, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản) cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ vì về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó NHNN cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.
Một số chuyên gia pháp lý quan ngại việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng: Cơ quan quản lý cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trương Cẩm Thanh, đại diện Zalo Pay và Ông Nguyễn Bá Diệp (Ví điện tử MoMo), đề nghị Dự thảo cần có các quy định thống nhất về điều kiện kinh doanh cho các loại hình tiền điện tử khác nhau, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh:VGP.


Sau khi tiếp thu các ý kiến, NHNN đã rà soát các cam kết quốc tế của Việt Nam tại các Hiệp định như: Hiệp định WTO, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và điều ước quốc tế về đầu tư, đồng thời, NHNN cũng tham vấn một số bộ, ngành liên quan về vấn đề tỷ lệ sở hữu nước ngoài, NHNN đã đưa ra một số phân tích về vấn đề này.
Cụ thể, NHNN khẳng định: Khái niệm và phạm vi trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật trong nước không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam tại Hiệp định WTO và Hiệp định CPTPP. Do vậy các quy định pháp luật để quản lý dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có quy định tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đưa vào dự thảo Nghị định không thuộc phạm vi cam kết và không chịu ràng buộc bởi các cam kết quốc tế đã dẫn ở trên.
NHNN cho rằng, dịch vụ trung gian thanh toán là ngành nghề kinh doanh có điều kiện tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia dịch vụ; cũng như ảnh hưởng đến sự ổn định, an ninh, an toàn trong thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Do đó một trong các điều kiện tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đáp ứng để được cấp Giấy phép là tỷ lệ tối đa nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào tổ chức trung gian thanh toán, quy định này được đề ra nhằm tạo thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bảo đảm được vai trò chủ động của các doanh nghiệp trong nước, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng góp phần phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền nhằm tạo sự minh bạch và lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đại diện NHNN ban đầu dự thảo có tỉ lệ còn thấp hơn (30%) nhưng cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và nâng tỷ lệ góp vốn lên tối đa là 49% tại dự thảo mới nhất là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, vừa đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, vừa đảm bảo an ninh an toàn tiền tệ cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng mà vẫn tranh thủ thu hút được vốn nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Ông Lê Anh Dũng khẳng định, NHNN ghi nhận các ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo. Đại diện NHNN khẳng định luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến nhiều bên, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp trung gian thanh toán có quyền và lợi ích liên quan tới quy định này.
NHNN cam kết bảo đảm Việt Nam sẽ tuân thủ cam kết quốc tế trong các Hiệp định liên quan như WTO, CPTPP có nội dung liên quan đến dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán thẻ điện tử và sẽ tiếp tục rà soát các quy định có liên quan về dịch vụ thanh toán tại Hiệp định bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại song phương với một số nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
 

Huy Thắng
325 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1002
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1002
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87131481