Nhìn thẳng vào sự thật để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trên không gian mạng 

Hiện nay, trên không gian mạng có rất nhiều bài viết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất có hiệu quả. Tuy nhiên, cũng không ít bài viết còn thiếu tính thuyết phục, sắc bén. Điều đó đặt ra vấn đề cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh, phản bác, nhất là các khuynh hướng tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa (XHCN), cần phải nhìn thẳng vào sự thật, dự báo, đánh giá đúng các yếu tố tác động để có hệ thống giải pháp căn bản, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhìn thẳng vào sự thật để xây dựng luận cứ đúng đắn, sắc bén trong quá trình đấu tranh chống lại các khuynh hướng tư tưởng phi XHCN

Khi xây dựng học thuyết về các hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sớm cảnh báo thời kỳ chuyển biến từ hình thái tư bản chủ nghĩa lên hình thái cộng sản chủ nghĩa chưa thể là một xã hội phát triển trên cơ sở của chính nó, mà là một trạng thái xã hội mà về mọi phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần… còn mang những dấu vết của xã hội cũ. Đến đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã luận chứng sinh động và cụ thể phạm trù thời kỳ quá độ có nghĩa là, trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn CNXH. Trên lĩnh vực kinh tế, nước Nga Xô viết thời kỳ Lênin vẫn tồn tại cơ cấu kinh tế 5 thành phần: kinh tế gia trưởng, kinh tế hàng hóa nhỏ, kinh tế tư bản, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế XHCN.

Trên không gian mạng hiện nay, không ít giọng điệu ngợi ca chủ nghĩa tư bản như hình mẫu của sự phát triển hiện đại và xem cuộc khủng hoảng của CNXH thời gian qua là bằng chứng khách quan của một thử nghiệm thất bại. Một số tiếng nói cực đoan hơn, đã lớn tiếng phê phán Đảng, Bác Hồ đã không lựa chọn con đường phát triển tư bản chủ nghĩa để Việt Nam sớm “hóa rồng”, “hóa hổ” như Hàn Quốc, Đài Loan… Các thế lực thù địch đã cố tình lãng quên rằng, trong suốt thời kỳ dài từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các anh hùng, chí sĩ yêu nước Việt Nam đã từng thử nghiệm hàng loạt con đường giải phóng dân tộc, phát triển đất nước, trong đó có con đường tư bản chủ nghĩa, nhưng tất cả đều không thành công. Đất nước đòi hỏi một con đường khác, con đường đưa Nhân dân Việt Nam đến độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khai mở từ mùa Xuân năm 1930. Bên cạnh đó là trạng thái, phát ngôn mơ hồ về kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trên thế giới và kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Kinh tế thị trường là một trình độ, nấc thang phát triển của kinh tế nói chung, được quyết định bởi trình độ phát triển của các lực lượng sản xuất. Bởi vậy, nó không phải độc quyền, càng không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội có con đường và cách thức của mình trong phát triển kinh tế thị trường phù hợp với bối cảnh cụ thể. Ở đó, chúng ta chấp nhận cả những thành phần kinh tế bóc lột lao động, nhưng không chấp nhận bóc lột như một chế độ kinh tế - xã hội; chúng ta chủ động phát triển một số quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa nhưng trong bối cảnh các quan hệ sản xuất XHCN giữ vai trò chủ đạo. Với tính cách là một quan hệ kinh tế giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, hoạt động bóc lột nêu trên ở Việt Nam hiện nay được triển khai trong điều kiện có sự quản lý của Nhà nước XHCN và hàng loạt hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế bảo vệ người lao động trên con đường Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mặt khác, thời gian qua, trên không gian mạng có những ý kiến xem nhẹ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thông qua chính đảng tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cần khẳng định mạnh mẽ rằng, sự nghiệp cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, trong đó có công cuộc đổi mới từ năm 1986, đúng là sự nghiệp, là thành quả của Nhân dân, của tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng theo mục tiêu, lý tưởng và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, giai cấp tiên tiến nhất, cách mạng nhất. Nếu giai cấp công nhân không liên minh được với giai cấp nông dân và các lực lượng cách mạng khác, thì sự nghiệp cách mạng sẽ rơi vào “bài ai điếu” xót xa như Công xã Paris năm 1870 đã nếm trải. Ngược lại, nếu mơ hồ cho rằng bất kỳ giai cấp nào cũng có thể lãnh đạo xây dựng CNXH, thì sẽ rơi vào một thứ chủ nghĩa không tưởng lớn nhất của mọi thời đại. Công nhân xứng đáng với vai trò lãnh đạo sự nghiệp xây dựng một xã hội không còn bóc lột, áp bức, bất công vì giai cấp này luôn đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến và là giai cấp duy nhất chỉ có thể giải phóng được mình khi giải phóng tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội khác. Giai cấp công nhân Việt Nam từ năm 1930 đến nay đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, đã lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam, đã rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt toàn dân tộc đến kỷ nguyên của độc lập, tự do, đổi mới thành công, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Bên cạnh đó cũng còn không ít ý kiến nguy hiểm xem nhẹ, phủ nhận sức mạnh của lý tưởng XHCN và niềm tin, ý chí cách mạng trong sự nghiêp xây dựng CNXH, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trên không gian mạng hiện nay, có luận điệu cho rằng, chỉ có thể tin tưởng và xây dựng được niềm tin về một vấn đề gì đó khi có đầy đủ nhận thức về nó. Một số nhà dân chủ tư sản, học giả phương Tây phát biểu nghi ngờ, phủ nhận giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới của đất nước và thế giới. Có người lập luận rằng, học thuyết do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin sáng lập là kết quả của việc tổng kết lịch sử châu Âu thế kỷ XIX, đầu XX, không còn sức sống trong thời đại mới, nhất là đối với các quốc gia ngoài châu Âu như Việt Nam. Một số người khác lập luận rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của thời đại công nghiệp, không còn sinh lực cho những chuyển động của thế giới trong thời đại toàn cầu hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… Nếu lập luận theo cách tầm thường đó, chắc chắn sẽ dẫn đến phủ nhận toàn bộ giá trị của nhiều di sản tư tưởng, tinh thần khác của nhân loại, trong đó có cả Thiên chúa giáo, Nho giáo, Hồi giáo…

Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng các yếu tố tác động (mặt thuận và không thuận), dự báo đúng chiều hướng phát triển của các yếu tố đó trong quá trình đấu tranh, phản bác

Từ những năm 1980 thế kỷ XX, bối cảnh cách mạng khoa học - công nghệ; toàn cầu hóa cùng những vấn đề toàn cầu phát triển mạnh, làm cho môi trường chính trị - xã hội thế giới có những biến động lớn, sâu sắc đã tác động mạnh đến tư duy và nhận thức về con đường, biện pháp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Đảng.

Trong bối cảnh CNXH hiện thực trên thế giới rơi vào khủng hoảng toàn diện và cuối cùng sụp đổ ở Liên Xô, Đông Âu, chỗ dựa vật chất và tinh thần của công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta suy giảm mạnh, việc đổi mới là đòi hỏi bức thiết của tình hình, để đất nước thoát khỏi thế bị bao vây cô lập, vượt qua khó khăn, trì trệ, khủng hoảng và tìm ra con đường, cách thức mới để tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc CNXH tiến lên. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, xu thế toàn cầu hóa, hòa bình, hợp tác và phát triển, cùng tồn tại hòa bình giữa các nước, hợp tác và liên kết khu vực, quốc tế trở thành những xu thế nổi bật, cùng những bài học thành công từ các nước có nền kinh tế mới nổi (NICs) và các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á vừa là những kinh nghiệm tham khảo quý giá, vừa tạo áp lực cấp bách với Đảng ta là phải đổi mới toàn diện đất nước.

Thực tiễn cải cách, cải tổ ở các nước XHCN với những bước thăng trầm gồm cả những thành tựu, công lao to lớn đối với nhân loại và cả những tổn thất nặng nề, để rồi một số nước vẫn tiếp tục hành trình trên con đường xây dựng CNXH, tạo cho CNXH hiện thực một diện mạo mới năng động, sáng tạo và phong phú hơn. Bi kịch sụp đổ CNXH ở Liên Xô, Đông Âu, cùng những thành tựu trong công cuộc cải cách, mở cửa xây dựng CNXH ở Trung Quốc đem lại cho Đảng ta bài học kinh nghiệm xương máu trong tư duy, nhận thức về CNXH và con đường xây dựng CNXH. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả đấu tranh, phản bác với các tư tưởng phi XHCN, những luận điệu xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá đúng các yếu tố tác động đến quá trình xây dựng CNXH trên đất nước ta (kể cả các yếu tố tác động đến tư duy xây dựng CNXH).

Mặt khác, cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng các yếu tố ở trong nước cũng như trên thế giới tác động đến quá trình bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là: Tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội và những vấn đề an ninh phi truyền thống... của thế giới, khu vực và trong nước; sự đấu tranh gay gắt giữa tư tưởng cộng sản và một số khuynh hướng tư tưởng trên thế giới hiện nay; sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có rất nhiều vấn đề cụ thể về kỹ thuật chúng ta không thể kịp nắm bắt được; Âm mưu, mục đích, nội dung, phương thức, thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ XHCN trên môi trường mạng xã hội trong thời gian tới; Sự phát triển của mạng xã hội trên thế giới và ở trong nước về xu thế, đặc điểm, quy mô, tính chất, tốc độ phát triển…, những nguy cơ, thách thức cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia chưa làm chủ được các nền tảng mạng xã hội, nhất là những nguy cơ mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị có thể lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tổ chức các hoạt động chống phá. Trong khi đó, đây đang là nơi truyền tải, cung cấp thông tin và dẫn dắt dư luận của đông đảo người dân Việt Nam hiện nay.

Trong thời gian tới, cần phải luôn kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng; tiến hành đồng bộ, hiệu quả, đổi mới nội dung, phương thức thực hiện các giải pháp về xây dựng vững chắc nền tảng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thông tin và truyền thông trên internet, mạng xã hội…

Điều quan trọng là phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội. Bên cạnh sự tham gia của các bộ phận, thường trực Ban Chỉ đạo 35, cần phát huy tổng lực sự tham gia của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, từ cơ quan kiểm soát nguồn tin, cơ quan quản lý thuế đến các cơ quan ngoại giao, văn hóa, các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản. Đồng thời, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, trên các mạng xã hội..., góp phần bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trên tinh thần chủ động, cảnh giác, thường xuyên, kiên trì, kiên quyết, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm, qua đó đưa ra đề xuất tổng thể hệ thống các giải pháp nhằm đấu tranh bảo vệ hiệu quả nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội trong tình hình hiện nay.  Phan Văn Lãn

302 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 358
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 358
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87649190