Nhiều “chiêu” mới của cánh tài xế khi qua trạm BOT 

Những ngày gần đây, tại các trạm thu phí sử dụng đường bộ BOT tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đã xuất hiện các “chiêu” mới của cánh tài xế.

Ngoài việc sử dụng tiền lẻ để qua trạm BOT như lâu nay, các chủ phương tiện còn trả tiền xu, “nói lý” hoặc dùng tiền mệnh giá cao kèm thêm vài tờ mệnh giá thấp với số tiền thừa chỉ 100 đồng, khiến các nhân viên thu phí lúng túng, làm mất nhiều thời gian của người đi đường. Còn BOT Nam Bình Định dù giảm giá vẫn chưa yên. 

Không đi đường BOT, không phải trả tiền

Tại tỉnh Quảng Trị, mấy ngày gần đây xuất hiện tình trạng ùn tắc cục bộ các làn ở trạm thu phí BOT đặt tại Km763+800 - QL1A. Theo các tài xế, họ đã bỏ tiền mua vé tháng 12 của năm 2017 để qua trạm thu phí BOT Quảng Trị, nhưng sáng 31.12, khi điều khiển phương tiện qua trạm thu phí thì nhân viên yêu cầu mua vé. Lý do được đưa ra là vé đã hết hạn, vì vậy dẫn đến việc các phương tiện giao thông bị ùn ứ.

Có trường hợp, tài xế bức xúc đã khóa xe, bỏ ở làn rồi đi ra ngoài, khiến làn này bị tắc. BOT Quảng Trị phải phối hợp với CSGT huyện Triệu Phong để đưa chiếc xe này ra khỏi làn, giao thông mới ổn định trở lại.

Cũng tại trạm BOT này, ngày 1.1.2018, ông Nguyễn Dân (SN 1982, trú tại TP.Hồ Chí Minh) điều khiển xe ôtô qua trạm, theo quy định phải mua vé BOT 35.000 đồng. Ông Dân dùng 1 tờ 20.000 đồng, 1 tờ 10.000 đồng, 2 tờ 2.000 đồng, 3 tờ 200 đồng và 1 tờ 500 đồng (tổng cộng 35.100 đồng) cho nhân viên thu phí.

“Nhưng phải đến 30 phút sau, nhân viên thu phí mới trả lại cho tôi 100 đồng tiền thừa. Dù đợi rất lâu, tiền thì bị rách nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận và điều khiển xe đi, vì phía sau có nhiều xe đang đợi” - ông Dân cho hay.

Còn tại trạm BOT Quảng Bình, tài xế Nguyễn Minh Nghĩa (SN 1978, trú tại TP.Tân An, tỉnh Long An) điều khiển xe 62C - 068.49 lưu thông qua tỉnh Quảng Bình để đi vào miền Nam. Xe chạy trên tuyến quốc lộ, khi đến Trạm thu phí Quán Hàu (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) thì bị yêu cầu mua vé BOT.

Ông Nghĩa trình bày việc mình không sử dụng tuyến đường tránh (do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư) mà chỉ đi trên đường quốc lộ, và ông đã đóng phí đường bộ đầy đủ. Sau khi ông Nghĩa trình bày đầy đủ các quy định, căn cứ để nộp phí BOT và không phải nộp phí BOT, thì bất ngờ nhân viên thu phí nói rằng nếu không đi đường tránh (BOT) thì sẽ không phải nộp tiền.

Khi xe của ông Nghĩa qua khỏi trạm thu phí mà không phải bỏ tiền mua vé, một số tài xế khác cũng “nói lý” việc mình không đi đường BOT, và được nhân viên thu phí cho qua mà không buộc mua vé. “Mình phải hiểu luật và làm đúng theo quy định, không đi đường BOT thì không phải trả tiền. Muốn không bị thiệt thòi thì phải nói rõ với nhân viên thu phí họ mới giải quyết” - ông Nghĩa, nói.

Nhân viên thu phí không chấp nhận tiền xu?

Tại Trạm thu phí BOT Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) xảy ra tình trạng tài xế trả tiền lẻ mua vé vào tối ngày 31.12 đã bị nhân viên từ chối bán vé.

Cụ thể, cũng là tài xế Nguyễn Minh Nghĩa điều khiển ôtô biển số 62C - 06849 đi trên quốc lộ 1A theo hướng bắc-nam. Khi đến trạm thu phí BOT Cầu Rác, tài xế cùng một số người trên xe đã dùng xấp tiền giấy mệnh giá 200 đồng dùng mua vé qua trạm. Sau khi kiểm đếm, nhân viên bán vé thông báo tài xế đã đưa 34.600 đồng, thiếu 400 đồng (35.000 đồng/vé). Tài xế sau đó đã đưa thêm một đồng tiền kim loại (tiền xu) mệnh giá 500 đồng nhưng bị nhân viên từ chối vì cho rằng đồng tiền này đã bị cấm lưu hành, nên trả lại số tiền giấy mệnh giá thấp cùng đồng tiền kim loại cho tài xế và đóng cửa giao dịch.

Cho rằng việc mình đưa tiền mua vé nhưng nhân viên không bán là không phù hợp, thiếu tôn trọng, tài xế cho xe dừng đỗ xe trong luồng có chắn barie và cầu cứu cơ quan chức năng. Trung tá Dương Xuân Quang - Phó Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên - cho biết, sự việc diễn ra khoảng 20h30 ngày 31.12.

Sau khi nhận được tin báo, Công an huyện Cẩm Xuyên đã điều 10 chiến sĩ gồm CSGT và CSĐT đến hiện trường mời chủ phương tiện di chuyển ra khỏi luồng thu phí, sau đó yêu cầu cả tài xế và nhân viên bán vé về trụ sở công an huyện để làm rõ sự việc. “Làm việc với công an từ hơn 23h đến hơn 4h ngày 1.1 nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng cho việc tại sao nhân viên thu phí lại không nhận tiền mua vé cho xe chúng tôi qua trạm” - tài xế Nguyễn Minh Nghĩa bức xúc.

Chiều ngày 2.1, ông Tưởng Hùng Vương - PGĐ Cty TNHH Hạ tầng Sông Đà (Chủ đầu tư, thu phí BOT qua Cầu Rác) - cho biết, ông đã nghe qua việc nhân viên Trạm thu phí Cầu Rác từ chối bán vé khi tài xế dùng tiền lẻ là đồng xu 500 đồng mua vé tối ngày 31.12, nhưng từ chối bình luận về sự việc với lý do chưa nắm được cụ thể.

Tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục kiến nghị

Nguyễn Văn Sơn, một tài xế thường xuyên đưa đón khách qua trạm BOT Nam Bình Định nêu ý kiến: “Tôi đi nhiều, kể cả Tây Nguyên, chưa tuyến đường nào hư hỏng, xuống cấp thê thảm như quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định. Con đường như hiểm họa trực chờ cho người và phương tiện đi qua. Giải pháp thích hợp hiện nay không phải để lái xe cò kè từng đồng một mà là xả cửa, tạm dừng thu phí cho đến khi tình trạng hư hại được khắc phục hoàn toàn. Chỉ như vậy mới sòng phẳng với người sử dụng dịch vụ”.

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: Mức giá áp dụng cho nhóm phương tiện loại I không đúng với kết quả làm việc giữa Bình Định với Tổng cục Đường bộ, chủ đầu tư hồi tháng 10.2017. Tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ GTVT giảm giá theo đúng tinh thần cam kết giữa các bên.

Theo Tổng Giám đốc Cty TNHH Đầu tư BOT Bình Định Nguyễn Thanh Thanh lại than thở: “Doanh nghiệp đang thiệt thòi. Chúng tôi quá sức mệt mỏi, phải chịu lãi mỗi ngày”. Về tình trạng “bẻ kèo”, ông Thanh giải thích: “Tổng cục Đường bộ cân nhắc thận trọng, chúng tôi chỉ là đơn vị thực hiện chỉ đạo”. Giảm giá xuống 30.000 đồng/lượt đối với phương tiện loại I, theo ông Thanh là để đảm bảo phương án tài chính. “Nếu giảm còn 25.000 đồng/lượt, thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài tới hơn 30 năm” - ông Thanh nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT lên tiếng về các điểm nóng BOT giao thông

Ngày 2.1.2018, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Tổng cục Đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận thời gian qua đã phát sinh các vấn đề rất nóng liên quan đến các dự án BOT và để hạ nhiệt câu chuyện này cần thực hiện nhiều biện pháp cụ thể trong đó có hai giải pháp chính là đẩy nhanh tốc độ quyết toán và triển khai thu phí tự động.

Liên quan tới việc triển khai thu phí tự động, lãnh đạo bộ nhấn mạnh Tổng cục Đường bộ không được “tính lùi” mà phải khẩn trương để “mình giám sát được, dân giám sát được” và “làm sao để người dân có thể thấy tận mắt một ngày trạm BOT thu bao nhiêu tiền như máy tính trong siêu thị”. Theo Bộ trưởng, triển khai thu phí tự động cần mở cửa cho các DN tham gia vào việc cung cấp dịch vụ thu phí tự động để có sự cạnh tranh chứ không để một đơn vị là Tasco độc quyền, đồng thời các đơn vị liên quan phải có giải pháp cụ thể để tăng số lượng xe được dán tem thu phí không dừng.

Liên quan tới điểm nóng BOT Cai Lậy, trao đổi với báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện Tổng cục vẫn chưa chốt các phương án để báo cáo Chính phủ. Lý giải về điều này, ông Huyện cho rằng, việc đưa ra các phương án khá phức tạp đòi hỏi phải bàn bạc tính toán kỹ và thời gian Chính phủ giao cho Bộ GTVT là 1-2 tháng nên chưa “quá hạn”.

KHÁNH HOÀ

H.THƠ - T.TUẤN - X.NHÀN

1200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 660
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 660
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87254112