Nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) 

(ĐCSVN) – Sau hơn 2 tháng triển khai khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kết thúc vào ngày 15/3. Nhiều ý kiến tham gia góp ý đã thể hiện sự tâm huyết, chất lượng và đầy trách nhiệm để hoàn chỉnh dự thảo Luật, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

 Gần 8.000 lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Thời gian qua, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp; suy thoái, ô nhiễm, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng…

Những tồn tại, bất cập trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, yêu cầu phát triển của đất nước; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có liên quan chưa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ; giá đất chưa phản ánh thực tế thị trường; việc thực hiện pháp luật về đất đai có lúc, có nơi còn chưa nghiêm...

Có thể khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị quyết của Quốc hội, ngày 23/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Để triển khai Nghị quyết nêu trên, ngày 31/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170 về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Trong suốt hơn 2 tháng qua, từ khắp các phường, xã, thị trấn đến cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố... đã tổ chức các hội nghị tiếp thu, góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những ý kiến của người dân đều được nghiên cứu kĩ lưỡng và gửi gắm rất nhiều tâm huyết đến Ban soạn thảo. 

Theo Bộ TN&MT, tính đến ngày 13/3, đã có 7.979 lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân trên cả nước góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề về: Chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất; thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…

Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nhiều bộ, ngành đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai và gửi về Bộ TN&MT. Cùng với đó là những hội nghị góp ý từ Mặt trận Tổ quốc các cấp; các hội thảo góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp, giới luật gia, các nhà khoa học, kiều bào cũng được tổ chức nghiêm túc, chất lượng. Đặc biệt, các hội nghị do Chính phủ tổ chức với sự tham gia của các đại diện địa phương với nhiều ý kiến góp ý tâm huyết, xuất phát từ thực tế của từng địa phương cũng cho thấy các địa phương đã triển khai việc tiếp thu ý kiến nhân dân hết sức cầu thị, nắm chắc thực tế tại địa phương để soi chiếu vào dự thảo Luật.

Ngoài góp ý trực tiếp, Ban soạn thảo cũng tiếp nhận các ý kiến góp ý từ người dân theo hình thức văn bản hoặc qua kênh trực tuyến Cổng thông tin điện tử chính phủ, trang web luatdatdai.monre.gov… Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Tiếp tục lấy ý kiến đến khi Luật được thông qua

Qua việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Tổ trưởng Tổ biên tập dự án Luật, cho biết qua tổng hợp nội dung tại các hội nghị, hội thảo, phần lớn ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Quy định chung; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Dựa trên các ý kiến góp ý, Tổ biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023.

Cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho hay: Theo Nghị quyết 671 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch 170 của Chính phủ, đến ngày 15/3, thời hạn lấy ý kiến nhân dân kết thúc. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục lấy ý kiến đến khi Quốc hội thông qua Luật. Tất cả các ý kiến có trách nhiệm, giá trị đều đươc cơ quan soạn thảo  tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ để nâng cao chất lượng dự thảo Luật trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền.

Về tiến độ triển khai, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho hay, tất cả các tỉnh, thành phố đã tổ chức xong việc lấy ý kiến nhân dân thông qua các hội thảo, báo cáo, các hội nghị với những hình thức phong phú,khác nhau. Hiện nay, trên website  của Bộ TN&MT, có gần 8.000 ý kiến trực tiếp; 75 ý kiến bằng văn bản, trong đó 22 ý kiến của tổ chức.

Theo Thứ trưởng, từ nay đến ngày 1/4, với khối lượng công việc rất lớn, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến từ các báo cáo của cơ quan Mặt trận tổ quốc, bộ ban, ngành… để tổng hợp thành báo cáo với dung lượng lớn thể hiện đầy đủ, kịp thời khách quan ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo Luật.

Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa chính trị quan trọng với tầm ảnh hưởng rộng lớn. Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật như một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn nhân dân, triển khai sâu rộng đến từng thôn xã, tổ dân phố, cơ sở; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những lo lắng của nhân dân. Do đó, ngay từ rất sớm, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, tập trung chuẩn bị công tác lấy ý kiến về dự thảo Luật. Dự thảo luật là kết quả của sự đóng góp chung của người dân, nhà khoa học, chuyên gia… và đến nay đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Phó Thủ tướng nêu rõ, dự thảo Luật khi trình Quốc hội và sau khi được ban hành, mục tiêu và kỳ vọng đặt ra là tháo gỡ ngay được các khó khăn, tạo ra những đổi mới đột phá về đất đai trong tầm nhìn dài hạn; phát huy vai trò của bộ luật nhằm thực hiện hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. “Nếu chúng ta làm được điều đó, đây chính là thước đo về năng lực, thể chế hóa các chủ trương của Đảng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

 
Bích Liên
289 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 751
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 751
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76791094