Nhiều ước mơ của nạn nhân nhiễm chất độc da cam được thành hiện thực 

VOV.VN -Tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, di chứng da cam còn hiện hữu trong nhiều gia đình.

Những năm qua, cùng với việc giúp đỡ nạn nhân da cam phục hồi chức năng, chính quyền và cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể ở tỉnh Quảng Trị còn có có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp gia đình nạn nhân da cam ổn định cuộc sống.

 

nhieu uoc mo cua nan nhan nhiem chat doc da cam duoc thanh hien thuc hinh 1
Được sự hỗ trợ phát triển sinh kế, ông Nguyễn Văn Minh đầu tư vào mô hình đúc bờ lô.

 

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh, 58 tuổi, ở khu phố 11, phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có 3 người con, trong đó người con trai đầu bị nhiễm chất độc da cam. Trước đây, ông Minh tham gia bộ đội tình nguyện tại Lào và bị nhiễm chất độc da cam.

Năm 1993, ông Minh lấy vợ rồi sinh người con trai đầu là Nguyễn Văn Cường, mang di chứng chất độc da cam.

 

 

 

Đã 24 tuổi nhưng anh Cường như một đứa trẻ. Ông, bà phải thay nhau chăm sóc từ ăn đến ngủ. Công việc bấp bênh, nhà có người đau ốm liên miên nên cuộc sống gia đình ông Minh cứ thiếu trước hụt sau.

 

nhieu uoc mo cua nan nhan nhiem chat doc da cam duoc thanh hien thuc hinh 2
Ngoài thời gian lao động, ông Minh dành thời gian chăm sóc người con bị chất độc da cam.

 

Ông Minh mơ ước có tiền mở một cơ sở đúc bờ lô để bán cho các công trình xây dựng. Biết được nguyện vọng của ông Minh, Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ gia đình ông Minh 10 triệu đồng, giúp ông phát triển sinh kế.

Từ số tiền đó, ông mua nguyên vật liệu, máy móc, dụng cụ cần thiết làm nghề nghề đúc bờ lô, giúp gia đình có thu nhập. Cuộc sống gia đình ông Minh dần ổn định.

"Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, ngành cũng như Hội chất độc da cam đã hỗ trợ một số vốn tạo sinh kế giúp đỡ gia đình. Thời gian qua, gia đình tôi có phát triển thêm được về vấn đề kinh tế, để con cái được học hành", ông Minh phấn khởi cho biết.

Tỉnh Quảng Trị có hơn 15.000 nạn nhân. Sau hơn 10 năm thành lập, Hội Nạn nhân da cam/dioxin Quảng Trị đã vận động được hơn 25 tỷ đồng xây dựng Trung tâm phục hồi chức năng và dạy nghề cho các nạn nhân da cam.

Bà Trần Thị Mùi, 50 tuổi, ở Khu phố 1, Phường Đông Lễ, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị cho biết, hơn 10 năm làm việc tại trung tâm, bà chứng kiến sự vươn lên của các nạn nhân da cam: "Tôi đến với các cháu, thấy hoàn cảnh, bệnh tình của các cháu nên rất thương. Muốn tình nguyện để chăm sóc, tập luyện, ăn uống cho đến dạy dỗ các cháu. Nhiều cháu hay lên cơn động kinh co giật, lúc ấy phải bình tĩnh, biết cách cứu giúp. Vì yêu nghề, yêu các cháu nên tôi kiên nhẫn, các cháu rất thương mình và mình cũng rất thương các cháu".

Ông Lê Văn Dăng, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị cho biết, 2 năm qua, Hội đã huy động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ nhiều gia đình nạn nhân da cam phát triển kinh tế. Hội đã tặng gần 100 con bò cái sinh sản, hỗ trợ vốn giúp các gia đình nạn nhân da cam.

Theo ông Lê Văn Dăng, bên cạnh hỗ trợ sinh kế, Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm đào tạo nghề phù hợp với hoàn cảnh, sức khỏe của các nạn nhân nhân da cam./.

CTV Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung

691 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1299
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1300
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87174668