Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh:M.P)

Theo báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nền tảng tài chính đang ngày càng được củng cố, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, nên trong năm 2018, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được tạo điều kiện thuận lợi.

Báo cáo đã nhận định, tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đã được hỗ trợ tích cực bởi một số nhân tố chủ đạo: môi trường kinh doanh tiếp tục cải thiện tích cực, vốn đầu tư trực tiếp đăng ký tăng trên 50% và vốn gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh nhất từ năm 2011; khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực của tăng trưởng với số lượng doanh nghiệp đăng ký đạt kỷ lục trên 125 nghìn doanh nghiệp và tăng 40% số vốn; nền tảng tài chính ngày càng được củng cố, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Cụ thể, cung ứng vốn của hệ thống tài chính tăng khá (28,6%), với sự gia tăng tỷ trọng từ thị trường vốn (từ mức 28% năm 2016 lên mức 33,4%). “Sự mất cân đối về cơ cấu từ khá lâu của thị trường tài chính được cải thiện, thị trường vốn huy động giúp huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn cho nền kinh tế; các rủi ro về kỳ hạn được giảm thiểu. Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất khu vực và nằm trong số 5 thị trường tăng trưởng hàng đầu thế giới. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt xấp xỉ 66% GDP, gấp hai lần năm 2015”, báo cáo đánh giá.

Tại hội thảo, TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát (NFSC), Thư ký Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, dự báo năm 2018, tăng trưởng sẽ được duy trì, lạm phát tăng nhưng không nhiều khi giá thế giới tăng ít và tín dụng được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, vị này vẫn đưa ra một số điểm cần chú ý đối với nền kinh tế vĩ mô do lo ngại những rủi ro từ nông nghiệp có thể giảm tăng trưởng, lạm phát tăng do ảnh hưởng của khu vực bất động sản, áp lực lên tỷ giá ngoại tệ gia tăng khi dòng vốn nước ngoài vào nhiều nhưng tỷ giá trong nước giữ ổn định, tỷ giá thế giới xuống thấp sẽ ảnh hưởng tới nguồn lực cho chế biến, sản xuất.

Đối với khu vực tài chính – ngân hàng, theo ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp (NFSC), năm 2017, tổng tài sản của các định chế tài chính tăng trưởng 17,3%, tương đương 200% GDP (năm 2016 là 189% GDP) nhưng vẫn nhỏ hơn so với các nước khu vực. Về hệ thống các tổ chức tín dụng, ông Thùy cho hay, kết quả kinh doanh của hệ thống đã cải thiện mạnh, lợi nhuận sau thuế năm 2017 ước tăng 44,5% so với năm 2016, thanh khoản tương đối ổn định, tổng tài sản ước tăng 17,2% so với cuối năm ngoái, tăng trưởng tín dụng liên tiếp 3 năm đạt khoảng 19%.

“Tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 9,5%, giảm mạnh chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm; quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn”, ông Thùy nhận định.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban này đánh giá, mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng. Nguyên nhân do thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông, rào cản nợ xấu.

Mặc dù vậy, các chuyên gia tại hội thảo đều tỏ ra lạc quan về tình hình thị trường tài chính trong năm 2018, lợi nhuận của hệ thống các tổ chức tín dụng có nhiều khả quan do tín dụng giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định như năm 2017; nợ xấu được xử lý nhanh hơn; do đó các tổ chức tín dụng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Minh Phương