|
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 616,24 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Điểm sáng nổi bật nhất phải kể đến đó là sự “bùng nổ” của hoạt động xuất, nhập khẩu với giá trị xuất siêu cao nhất từ trước đến nay. Thông tin mới nhất do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt được kết quả tích cực, cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10 ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD (riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD).
Nhiều chuyên gia cho rằng, những con số nói trên khẳng định sự phục hồi toàn diện, mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất siêu tăng mạnh không chỉ cho thấy hiệu quả của công tác quản lý, chỉ đạo vĩ mô mà còn giúp Việt Nam có điều kiện tích lũy ngoại tệ để phục vụ cho các hoạt động đầu tư trọng điểm.
Cùng với đó, 10 tháng đầu năm nay cũng là quãng thời gian có sự phục hồi nhanh, mạnh ở hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ giữ xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, tổng 10 tháng đạt gần 4,65 triệu tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 18,8 lần so cùng kỳ.
Sự hồi phục mạnh mẽ còn được phản ánh bởi con số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động trong 10 tháng là 178.500 DN, tăng 38,3% so cùng kỳ, gấp gần 1,5 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này là tín hiệu tích cực về “sức khỏe” của nên kinh tế trong bối cảnh vừa chịu những tác động lớn từ đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, về vốn đầu tư, tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 67,1% kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 10 tháng ước đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư nước ngoài có sự gia tăng sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta triển khai thêm nhiều dự án lớn. “Năm 2022, Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21 - 22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đề ra", GS.TS. Nguyễn Mại đưa ra dự báo.
|
GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài. Ảnh: Trọng Hiếu. |
Bên cạnh sự phục hồi mạnh mẽ của các lĩnh vực kinh tế, việc kiểm soát có hiệu quả lạm phát cũng được đánh giá là thành công lớn của Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2022. Theo đó, với những giải pháp đồng bộ, hợp lý, nhìn chung đến nay nền kinh tế vĩ mô đang được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 2,89%. Đây là cơ sở để Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo phù hợp hướng đến mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát cả năm 2022 ở mức dưới 4%.
Với những thông số cơ bản ở trên, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đã đi qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2022 với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các ngành, lĩnh vực, các ngành. Trong điều kiện chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, cạnh tranh giữa các nền kinh tế gay gắt, những tín hiệu trên đã cho thấy kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh chóng, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Theo dự báo, những tháng cuối năm, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi, nhất là lĩnh vực dịch vụ. Qua đó, tạo tiền đề quan trọng giúp nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong cả năm 2022. Đồng thời, những yếu tố này góp phần thêm nguồn lực, động lực cho các năm tiếp theo trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước.
Tuy nhiên, ở góc nhìn tổng thể, các chuyên gia cũng cảnh báo về những yếu tố tiềm ẩn có khả năng tác động đến sự phát triển của các ngành kinh tế, cũng như gia tăng lạm phát trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 như: Giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới vẫn đang ở mức cao và diễn biến này tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế; Giá xăng dầu tiềm ẩn rủi ro tăng trở lại do xung đột tại Ukraine chưa chấm dứt; sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng…
Do vậy, trong những tháng cuối năm, Chính phủ cần tăng cường các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát, đảm bảo kinh tế vĩ mô. Các đơn vị theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức; tận dụng tốt thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, cần đảm bảo đảm ổn định hàng hóa cung cầu, giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023. Đồng thời, tiếp tục dự báo và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Với những tín hiệu tích cực cùng sự điều hành hợp lý, kịp thời của Chính phủ, tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phục hồi và phát triển, để sớm về đích với mức tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 theo dự báo có thể đạt trên 8%./.