Nhiều sự cố trong năm 2018, Bộ GTVT “mạnh tay” với hãng hàng không 

(Chinhphu.vn) - Hãng hàng không Vietjet vừa có cuộc họp cùng Bộ trưởng Bộ GTVT về hệ thống khai thác và quản lý an toàn chất lượng và các nội dung liên quan tới việc xử lý sau sự cố hàng không.

Lập tổ điều tra, tăng cường giám sát hoạt động

 

Đại diện hãng hàng không Vietjet cho biết, Vietjet luôn đạt được các mục tiêu và chỉ số an toàn đã đề ra theo đúng yêu cầu của Cục Hàng không Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, trong hoạt động khai thác đã để xảy ra các sự cố: Chuyến bay VJ356 từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột ngày 29/11/2018 và sự cố chuyến bay VJ689 từ Cam Ranh đi TPHCM ngày 25/12/2018.

Với chuyến bay VJ356 ngày 29/11 tại Buôn Ma Thuột, về công tác điều tra nội bộ và khắc phục sự cố, ngày 3/12, Tổng giám đốc Vietjet đã ký quyết định về việc thành lập tổ điều tra và khắc phục sự cố trong đó phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm của từng bộ phận có liên quan. Công ty cũng đã cử đại diện phối hợp với Tổ điều tra của Cục Hàng không Việt Nam và nhà chế tạo Airbus để hỗ trợ kỹ thuật và tham gia công tác điều tra, thu thập thông tin hiện trường, bàn giao hộp đen, phân tích dữ liệu ban đầu.

Về chuyến bay VJ689, chặng Cam Ranh (Khánh Hòa) – TPHCM ngày 25/12, Vietjet đã thực hiện báo cáo sự cố cho Cục Hàng không, đình chỉ khai thác đối với người lái và người phụ trách khai thác bay để phục vụ công tác điều tra. Công ty đã thành lập tổ điều tra nội bộ của công ty, thu thập các hồ sơ tài liệu phục vụ công tác điều tra.

“Chúng tôi đã triển khai tăng cường cán bộ quản lý, giám sát các hoạt động khai thác bay và bảo dưỡng ở các sân bay và 5 căn cứ chính của mình. Vietjet sẽ khẩn trương thực hiện nghiêm túc các yêu cầu và chỉ đạo của Cục Hàng không Việt Nam”, Tổng giám đốc Vietjet khẳng định.

Báo cáo thêm, Vietjet cho biết, hãng luôn thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Cục Hàng không Việt Nam và thông lệ quốc tế. Công tác an toàn được thực hiện định kỳ hằng tháng, quý và năm. Vietjet cũng tham gia trao đổi định kỳ về công tác an toàn hàng không với tổ chức Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (Association of Asia Pacific Airlines).

Vietjet cũng vừa bảo vệ thành công chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA” lần thứ 3 vào tháng 9/2018. Đồng thời với chứng chỉ IOSA về an toàn khai thác, hãng đã được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội các nhà vận tải hàng không quốc tế (IATA) vào ngày 22/8/2016. Các chỉ số an toàn-khai thác của Vietjet thuộc nhóm các hãng hàng không dẫn đầu trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng nhận định, thời gian vừa qua Vietjet là hãng hàng không trẻ, có sự phát triển nhanh chóng, sở hữu đội bay tương đối lớn, mới và hiện đại nhưng công tác chuẩn bị nguồn lực vật chất, con người đều được kiểm soát.

“Trước khi xảy ra sự cố ở Buôn Ma Thuột thì bức tranh an toàn của Vietjet được Cục Hàng không đánh giá tốt”, ông Đinh Việt Thắng nói.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hàng không

 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có những biện pháp “mạnh tay” với Vietjet nói riêng và các hãng hàng không nói chung.

Cụ thể, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay, đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật đối với hãng hàng không VietJet Air. Cục Hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không VietJet Air, ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra nguyên nhân xảy ra các sự cố uy hiếp an toàn bay trong thời gian qua.

Cục Hàng không nghiên cứu việc cấp slot (giờ cất, hạ cánh) cho các chuyến bay nhằm đảm bảo thời gian dãn cách của các chuyến bay, tăng chuyến bay vào khung giờ thấp điểm; giảm chuyến bay vào khung giờ cao điểm; xem xét thời gian quay vòng chuyến bay hợp lý

Có thể thấy, thời gian gần đây, các sự cố nghiêm trọng (nhóm B) liên quan đến máy bay của các hãng hàng không Việt Nam liên tiếp xảy ra như:

Chiều 29/4, máy bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay số hiệu VN7344 từ TPHCM đi Cam Ranh cũng đã gặp sự cố nghiêm trọng khi hạ cánh nhầm xuống đường băng số 2 chưa đưa vào khai thác tại cảng hàng không Cam Ranh.

Tối 16/7, chiếc máy bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay VN1266 từ TPHCM đi Vinh đã đã hạ cánh lệch đường băng sân bay Vinh trong lúc mưa to khiến máy bay nổ lốp, hỏng càng.

Tối 28/7, máy bay A321 của Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay số hiệu VN1544 từ Huế đi Hà Nội đã hạ cánh lệch vị trí quy định trong điều kiện thời tiết xấu, mưa lớn tại sân bay Nội Bài.

Đêm 29/11, máy bay A321 Neo của Vietjet thực hiện chuyến bay VJ 356 từ TPHCM đi Buôn Ma Thuột đã gặp sự cố nghiêm trọng văng 2 bánh trước trong lúc hạ cánh.

Trưa 25/12, chuyến bay VJ689 của Vietjet bằng máy bay A320 cất cánh từ Cam Ranh đi Tân Sơn Nhất có cảnh báo kỹ thuật. Tổ bay quay lại hạ cánh xuống Cam Ranh nhưng đáp nhầm xuống đường băng sắp đưa vào khai thác.

Thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, mặc dù số lượng máy bay và hoạt động bay tăng mạnh nhưng ngành hàng không Việt Nam đã liên tiếp giữ vững thành tích 20 năm liên tục không để xảy ra tai nạn, thiệt hại về người hoặc thiệt hại lớn về tài sản.

Kết quả đánh giá năng lực giám sát an toàn hàng không của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) vào năm 2016 chỉ ra rằng mức độ triển khai hiệu quả hệ thống giám sát an toàn đối với 8 lĩnh vực của Việt Nam đạt 67,36%, tăng 11,29% so với năm 2011.

Phan Trang

384 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 671
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 671
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77010053