Nhiều sáng tạo xóa phòng học tạm 

(NDĐT)- Từ đầu năm học 2020, giáo viên và học sinh nhiều điểm trường trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị vui mừng khi được dạy và học trong các phòng học mới được xây dựng kiên cố theo Nghị quyết 34/2018/NQ-HĐND (Nghị quyết 34) của Hội đồng nhân dân tỉnh về “Xóa phòng học tạm, phòng học mượn”. Kết quả này là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh, các ngành, địa phương nhằm giải quyết tình trạng thiếu phòng học kiên cố đã kéo dài suốt mấy chục năm qua.

Nhiều sáng tạo xóa phòng học tạm

Điểm trường mầm non Húc Pa Lu (xã Lìa, huyện Hướng Hóa) vừa được xây dựng, đưa vào sử dụng theo Nghị quyết 34.

Những phòng học mới giữa núi rừng

Theo Nghị quyết 34, trong khoảng thời gian 2019-2021, toàn tỉnh Quảng Trị cần xây dựng xong 109 phòng học mới, kiên cố trong phần ngân sách của tỉnh và các huyện. Song, trên thực tế chỉ trong năm 2019, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng số phòng học này, thay cho những phòng học tạm, phòng học phải đi mượn ở các huyện miền núi.

Sau khoảng thời gian giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, cuộc sống của người dân miền núi, biên giới tỉnh Quảng Trị trở lại trạng thái bình thường. Học sinh con em các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Tà Ôi… được các thầy giáo, cô giáo đến từng nhà vận động trở lại lớp học. Không gì vui hơn khi các thầy cô, học sinh được dạy và học trong những phòng học mới vừa đưa vào sử dụng, thay vì phòng học tạm tranh tre nứa lá; phòng học mượn từ các nhà cộng đồng, các điểm trường cũ, nơi làm việc của đồn biên phòng như trước. Cô giáo Lê Thị Nhung và các học sinh ở điểm Trường mầm non bản Xa Rường, xã Hướng Tân, huyện miền núi Hướng Hóa thể hiện rõ sự vui mừng khi tận tay chạm vào bức tường của một phòng học mới được xây dựng còn nồng mùi sơn. Điểm trường này “xa lắc, xa lơ”, nằm sát biên giới Việt Nam - Lào, khi hết đường ô-tô, chúng tôi phải đi xe máy, lội suối, leo dốc thêm 5 km nữa mới đến được. Ở Xa Rường, sĩ số lúc cao nhất cũng chưa đến 20 học sinh mẫu giáo học chung một lớp cho cả ba độ tuổi. Hàng chục năm nay, cô và trò ở điểm trường này đều phải dạy và học trong phòng tạm dựng bằng tranh tre nứa lá hoặc phòng học mượn. Ngày khởi công phòng học mới, cả bản Xa Rường ăn mừng, vui như Tết vì con em của họ sắp được ngồi học trong phòng kiên cố, thông thoáng, không còn bị gió lùa, mưa dột nữa… Trưởng thôn Xa Rường, Hồ Văn Hoàng có con đang học mẫu giáo lớn chia sẻ: Các cháu có chỗ học khang trang, các thầy giáo, cô giáo rất vui và chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn khi cho con em mình đến trường.

Chia tay vùng bắc huyện miền núi Hướng Hóa giữa Trường Sơn xanh thẳm, chúng tôi đến xã Lìa, nằm về phía nam của huyện. Cô giáo Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường mầm non A Túc cho biết, điểm trường Húc PaLu được tỉnh đầu tư xây dựng hai phòng học kiên cố, đưa vào sử dụng vào đầu năm 2020. Điểm trường này dạy học hơn 70 học sinh. Trước đó hàng chục năm, học sinh phải học trong phòng học mượn chật chội, dột nát. Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề cho nên tỷ lệ học sinh đến trường cũng bị ảnh hưởng. Lần đầu có phòng học độc lập, kiên cố, có công trình nhà vệ sinh khép kín sạch sẽ, không chỉ giáo viên, học sinh mà mọi người dân trong thôn bản đều mừng vui, hạnh phúc.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, Lê Thị Hương cho biết, tỉnh dù còn nhiều khó khăn nhưng luôn quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo và cơ sở vật chất trường học. Ngoài ngân sách của tỉnh đầu tư xóa phòng học tạm, phòng học mượn, hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông cũng dành ngân sách của địa phương đầu tư xây thêm phòng học kiên cố cho học sinh các cấp để các em có được chỗ học đàng hoàng. Sau một năm thực hiện Nghị quyết 34, huyện Hướng Hóa có thêm gần 50 phòng học mới được xây dựng kiên cố; trong đó ngân sách của tỉnh và huyện đầu tư xây dựng 38 phòng học, số còn lại kêu gọi các tổ chức xã hội, phi chính phủ đầu tư. Huyện Đa Krông cũng có 27 phòng học được xây dựng theo Nghị quyết 34. Các phòng học mới đã tạo ra khung cảnh khang trang, sạch đẹp, thuận lợi cho việc dạy học của thầy và trò nơi vùng cao, vùng xa.

Tập trung ngân sách xây phòng học

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị chia sẻ, cụ thể hóa nghị quyết của T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tỉnh Quảng Trị đã không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước bằng những việc làm cụ thể. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, tỉnh còn luôn quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Tuy ngành giáo dục và đào tạo Quảng Trị đạt được những kết quả đáng mừng, nhưng có một vấn đề lớn luôn khiến mọi người trăn trở vì tại các huyện miền núi vẫn còn nhiều phòng học tạm, phòng học mượn. Vấn đề này đặt ra cần có một chủ trương lớn hơn để giải quyết khoa học, thấu đáo, phù hợp tình hình kinh tế, xã hội địa phương. Vì vậy, tỉnh đã từng bước xóa phòng học tạm, phòng học mượn bằng cách đầu tư nhiều chương trình xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học.

Phân tích những sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết 34, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Hoàng Nam cho biết, địa phương luôn xác định đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai cho nên đã tạo mọi nguồn lực phát triển giáo dục và đào tạo. Đáng chú ý, để một chủ trương lớn của tỉnh được cụ thể hóa, chi tiết hóa bằng Nghị quyết 34 trong điều kiện kinh tế khó khăn, UBND tỉnh đã tiết kiệm chi hành chính, hội nghị, hội họp; giảm ngân sách đầu tư vào những công việc chưa cấp bách, tập trung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. Trong quá trình triển khai, tỉnh đã phân cấp cụ thể ngân sách tỉnh đầu tư bao nhiêu phòng học, ngân sách huyện đầu tư bao nhiêu phòng… Trên cơ sở đó có quyết định vốn đầu tư xây dựng hoàn thành, dứt điểm từng công trình cụ thể để đưa vào sử dụng ngay, chứ không có chuyện trên một công trình mà chia ra hạng mục này là vốn của tỉnh, hạng mục kia là vốn của huyện. Nhờ tính toán hợp lý và khoa học, chỉ trong thời gian một năm, 109 phòng học được xây dựng hoàn thành ở 36 điểm trường cho các khối mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Ngoài ngân sách tỉnh đầu tư, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp các ngành, địa phương huy động nguồn lực, lồng ghép vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... để xây dựng thêm nhiều phòng học nữa. Trong quá trình thực hiện, nhiều người dân đã tự nguyện tặng một phần diện tích đất của gia đình để có mặt bằng xây dựng, nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung sức ủng hộ kinh phí.

Toàn bộ 109 phòng học xây dựng theo Nghị quyết 34 nằm rải rác tại 36 điểm trường, nhiều nhất ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông, giao thông cách trở cho nên các đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng. Các đơn vị phải dùng nhiều phương tiện thô sơ như xe rùa, thuyền chèo tay men theo sông suối, rồi gùi, cõng leo đồi, vượt dốc đưa vật liệu vào được các điểm trường. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa điểm gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự quyết tâm cao của cả tỉnh cho nên đã hoàn thành mục tiêu đề ra sớm hơn thời gian dự kiến.

Với Nghị quyết 34, một nghị quyết đầy tính nhân văn, tỉnh Quảng Trị được đánh giá có nhiều sáng tạo trong việc xóa phòng học mượn, phòng học tạm. Tuy còn khó khăn nhưng Quảng Trị đã từng bước cố gắng đầu tư tốt nhất cho giáo dục. Từ năm 2020, tỉnh tiếp tục tìm nguồn vốn đầu tư tiến tới xóa hết phòng học mượn, phòng học tạm, bảo đảm đủ phòng học cho học sinh để niềm vui đến trường của giáo viên và học sinh được nhân lên từng ngày.

BÀI, ẢNH: QUANG HUY VÀ HỒNG PHÚC

450 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1387
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1387
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87097848