|
Hình ảnh tại 1 cuộc thi sát hạch lái xe. (Ảnh nguồn : Vnexpress) |
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023 do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức chiều 6/4, tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Thanh Tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và ý kiến của các cơ quan chức năng và dư luận xã hội, Bộ GTVT nhận thấy, một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực. Trước thực trạng đó, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc; đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT và pháp luật về kết quả thực hiện; kiểm tra đến đâu nếu phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý ngay đến đó.
Đến nay, trên cơ sở kết quả kiểm tra được 40/63 Sở GTVT, bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Bộ đã tổng hợp và báo cáo một số tồn tại, sai phạm trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Đồng chí Lâm Văn Hoàng – Chánh Thanh tra Bộ GTVT nêu nguyên nhân cụ thể trong quản lý công tác đào tạo còn tồn tại một số Sở GTVT để cơ sở đào tạo gửi báo cáo tiếp nhận danh sách học viên một số khoá học qua phần mềm chậm hơn nhiều ngày quy định; một số Sở GTVT còn hạn chế trong khai thác dữ liệu trên phần mềm hệ thống dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe) do đó chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với cơ sở đào tạo không thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch, tiến độ đào tạo, tổ chức thi kết thúc khoá học cho học viên khi chưa đủ điều kiện; chưa phát hiện, xử lý đối với các phiên học có dấu hiệu bất thường về dữ liệu DAT của cơ sở đào tạo.
Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết: “Đã phát hiện sai phạm cùng thời điểm dữ liệu DAT của 1 học viên có trên 2 xe tập lái hoặc trên 1 xe tập lái có dữ liệu của nhiều học viên . Hiện nay, Đoàn kiểm tra số 3, Cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với một số chuyên gia công nghệ để làm rõ nguyên nhân về hiện tượng bất thường đột biến ở một số cơ sở đào tạo”.
Về công tác sát hạch, một số Sở GTVT duyệt danh sách học viên dự sát hạch khi chưa có đầy đủ dữ liệu trích xuất qua thiết bị DAT (theo quy định phải có: báo cáo kết quả thực hành lái xe trên đường qua thiết bị DAT; đủ số km thực hành lái xe trên đường, có dữ liệu học thực hành lái xe ban đêm, lái xe với xe số tự động). Qua hình ảnh lưu trữ, tại một số kỳ sát hạch, trong Phòng sát hạch lý thuyết lái xe mô tô hạng A1 có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau khi làm bài, sát hạch viên trao đổi, hỗ trợ thí sinh.
Bên cạnh đó, nhiều Sở GTVT chưa xây dựng, trình UBND cấp tỉnh ban hành quy định về đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1, A4 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt. Nhiều Sở GTVT vẫn tồn tại tình trạng chưa quyết liệt, sâu sát trong quản lý; chưa kiểm tra, giám sát công tác đào tạo hoặc có kiểm tra, giám sát nhưng còn mang tính hình thức, không đúng thực tế, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gian lận, tiêu cực của cơ sở đào tạo.
Cũng theo Thanh tra Bộ GTVT: Thiết bị DAT mới được triển khai từ 15/6/2022, hoạt động thời gian đầu có lúc chưa ổn định; phần mềm DAT chưa quy định đầy đủ những tính năng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.
“Do đó, các Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT đã yêu cầu các Sở GTVT phải tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở đào tạo có dấu hiệu vi phạm hoặc chưa thực hiện đúng quy định pháp luật; xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị có vi phạm; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tiêu cực phải chuyển cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định” – Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết.
Những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được phân cấp tương đối triệt để cho địa phương; đồng thời đã thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe (hiện nay các trung tâm do tư nhân đầu tư, quản lý chiếm tới 70%) về cơ bản, đáp ứng đủ nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội .
Cả nước hiện nay có 358 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 381 cơ sở đào tạo lái xe ô tô; hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy, đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái của cơ sở đào tạo lái xe được đầu tư, củng cố, tăng cường, cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy; có 152 Trung tâm sát hạch lái xe ô tô tại 57 tỉnh, thành phố. Cả nước chỉ còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch lái xe ô tô gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bạc Liêu. |