Đó là các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam được Tổng cục Hải quan thông tin tại họp báo chuyên đề về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ của ngành Hải quan diễn ra chiều ngày 19/7, tại Hà Nội.
Hình ảnh tại buổi họp báo. (Ảnh: M.P)
Cũng theo Tổng cục Hải quan, một số cá nhân thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác thực hiện gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, có phương thức gian lận khác nữa là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.
Cuối cùng là sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.
Trước thực tế này, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Hải quan các nước trong việc trao đổi thông tin xác minh về việc gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 6 năm nay, Hải quan các nước đã gửi 286 yêu cầu xác minh liên quan đến nguồn gốc xuất xứ đối với các lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam tập trung vào các mặt hàng nông sản như nấm, hành, măng. Hải quan Việt Nam đã gửi 13 yêu cầu xác minh nguồn gốc xuất xứ liên quan đến mặt hàng nhôm, nông sản…
Tuy nhiên, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát Quản lý nhà nước về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện các quy định về xử phạt các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn mác hiện nay còn nhẹ chưa tương xứng với hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc bất cập chính sách nhìn từ vụ Asanzo. Ông Âu Anh Tuấn cho rằng những trường hợp như của Asanzo hiện nay diễn ra nhiều. Do vậy, trong thời gian tới cần hoàn thiện chính sách để có cơ sở pháp lý điều chỉnh những trường hợp tương tự.
“Phía hải quan đang phối hợp với quản lý thị trường và các cơ quan liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với các dấu hiệu mà phương tiện thông tin đại chúng đã nêu về sản phẩm của Asanzo trong thời gian qua. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Thủ tướng và công khai trên các phương tiện đại chúng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Ông Âu Anh Tuấn cũng thừa nhận những bất cập trong chính sách nhìn từ vụ Asanzo. Theo đó, quy định về nhãn mác trong Nghị định 43 đã có, tuy nhiên đối chiếu với quy định về xuất xứ thì lại chỉ áp dụng với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, không áp dụng với hàng hoá sản xuất và lưu thông trong nước.
Đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh việc chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu vào thực hiện các hoạt động về gian lận giả mạo xuất xứ cũng như trung chuyển, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Đồng thời, tăng cường kiểm soát các khu vực cửa khẩu, nắm thông tin doanh nghiệp để xác định được trường hợp tăng giảm bất thường về kim ngạch sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để đưa ra biện pháp phòng ngừa./.
Minh Phương