Nhiều ngân hàng triển khai tín dụng ưu đãi hỗ trợ nền kinh tế 

(Chinhphu.vn) - Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với khách hàng, địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4. Từ đầu năm 2021 đến nay, theo thống kê sơ bộ, có 17 TCTD đã công bố công khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi.

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - Ảnh: VGP

 

Đây là thông tin được ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết tại buổi họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2021 do NHNN tổ chức ngày 21/6 tại Hà Nội.
 

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới...). Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VNĐ và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh.

 

Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) hỗ trợ các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng).

 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ, lãi suất giảm 1-1,5% so với kỳ trước.

 

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) giao quyền chủ động cho các chi nhánh được giảm đến 2% lãi suất cho vay; dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của Vietinbank tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).

 

Ngoài ra, một số ngân hàng TMCP, ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính đã tích cực triển khai các gói tín dụng đối với khách hàng với lãi suất phù hợp, có thể kể đến như: Bắc Á, Hàng Hải, An Bình, Việt Nam Thương tín, Nam Á, Kỹ Thương, Bảo Việt, Sài Gòn Công Thương, UOB (Singapore), HSBC, Công ty tài chính Mirae Asset.

 

Đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines (VNA), đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến nay, có 3 TCTD (Đông Nam Á, Hàng Hải và Sài Gòn-Hà Nội) đã có văn bản cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của NHNN.

 

Các TCTD và VNA đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay cuối tháng 6-7/2021.

 

Còn đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đến 31/1/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổng số tiền 42,9 tỷ đồng và NHCSXH đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc.

 

Dư nợ của chương trình tại NHCSXH đến nay là 38,47 tỷ đồng. Hiện, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang là đầu mối phối hợp với các đơn vị xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 (trong đó có chính sách tín dụng).

Hiện nay, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH đạt 238.729 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

 

Lãnh đạo NHNN cho biết, các TCTD cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tính đến cuối tháng 5/2021, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 337.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 677.000 khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480.000 khách hàng.

 

Để góp phần đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2021 là 6% theo mục tiêu Quốc hội giao và mức Chính phủ phấn đấu là 6,5%, trên tinh thần bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

 
Anh Minh
228 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1159
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1159
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87086684