Đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam xây dựng và thực hiện dự án phát triển trồng trọt, chăn nuôi và thuỷ sản phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp; đến nay đã chỉ đạo trồng thử nghiệm 22 ha dứa tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Công ty CPXKTP Đồng Giao phối hợp với các địa phương cung ứng giống, phân bón, bạt phủ để trồng dứa, đến nay đã trồng được 86 ha. Phối hợp với Viện khoa học nông nghiệp Bắc Trung Bộ xây dựng mô hình lạc (16ha) và mô hình ngô (4 ha) trong vụ Đông xuân 2016-2017 tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh; phối hợp với Công ty TNHH SX-TM Đại Nam ký hợp đồng với 14 HTX trên địa bàn tỉnh để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao RVT vụ hè thu 2017 với tổng diện tích gần 102 ha. Triển khai 6 mô hình CSA “ Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hoá và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích” tại một số địa phương trong tỉnh.
Nhiều địa phương đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Kết luận 38-KL/TU và Kết luận 49-KL/TU, lựa chọn những nội dung phù hợp, sát với thực tế của địa phương mình để triển khai thực hiện. Trọng tâm là triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, chú trọng nông nghiệp hữu cơ. Điển hình như huyện Hải Lăng đã ban hành Kế hoạch về tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó xác định sản phẩm chủ lực 5 cây 3 con, ban hành chính sách hỗ trợ một số cây trồng, con nuôi có hiệu quả, tiềm năng phát triển, tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn huyện; xây dựng 15 cánh đồng lớn với tổng diện tích 370 ha, triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ 17,5 ha; hình thành vùng cam tập trung 34,9ha; mô hình trồng bưởi da xanh và cây cam V2 sử dụng hệ thống tưới phun mưa với diện tích 6,3 ha; mô hình làm điểm ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch; mô hình cây chè vằng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt 3ha… Huyện Gio Linh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao 30 ha, mô hình trồng sả 4ha, mô hình trồng dứa công nghệ cao 4 ha có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu lúa để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Bia Hà Nội; mở rộng diện tích cây nghệ ở các xã vùng Tây lên 163 ha, năng suất 70,4 tạ/ha, sản lượng đạt 1.149 tấn, giá cả ổn định, cho thu nhập cao. Huyện Cam Lộ đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “ Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương”; chỉ đạo tổng kết, nhân rộng các mô hình sản xuất và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức hội thảo khoa học “ Kết nối thị trường tiêu thị sản phẩm nông nghiệp huyện Cam Lộ”, Hội chợ triển lãm “ Đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá huyện Cam Lộ năm 2017” để quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của địa phương. Ký kết biên bản ghi nhớ với một số doanh nghiệp, tập đoàn để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hoá của địa phương như lạc, gạo, hồ tiêu, cây ăn quả hữu cơ, cây dược liệu... Huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn với phát triển kinh tế hộ, liên kết hộ; xây dựng cánh đồng lớn, phát triển trang trại, gia trại; tổ chức thử nghiệm tuor du lịch văn hoá, lịch sử tại huyện...vv...
Hầu hết các mô hình sản xuất mới được triển khai thực hiện ở các địa phương trong thời gian qua đã đi đúng hướng, vốn đầu tư không nhiều nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao; thu hút được hàng chục ngàn nông dân, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, nghề nghiệp tham gia, mang lại hiệu quả tích cực, được thị trường đánh giá cao. Hiện nay các địa phương đang chỉ đạo triển khai nhân rộng. Hải Yến