Hình ảnh tại buổi Tọa đàm (Ảnh: M.P)
Sáng 10/10/2018, tại Hà Nội, VEPR đã tổ chức Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III - 2018.
Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy kinh tế Việt Nam quý 3/2018 tăng trưởng ở mức 6,88%. Con số này cao hơn mức tăng trưởng quý 2 (6,73%), xua tan các nhận định về tính giảm dần của tăng trưởng các quý trong năm 2018. Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98%, mức tăng 9 tháng cao nhất từ năm 2011.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng/2018 tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành được coi là động lực chính của tăng trưởng - công nghiệp chế biến, chế tạo - tiếp tục tăng trưởng cao 12,9%. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tạo ra trong ngành này chủ yếu tới từ khu vực FDI.
Theo nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, điều này cho thấy sự phụ thuộc ngày càng nhiều của tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Lạm phát quý 3 tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn giữ ở mức cao, chủ yếu đến từ việc giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu liên tục.
“Trước những diễn biến của tình hình giá năng lượng thế giới như hiện nay, chúng tôi cho rằng việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên xăng dầu vào đầu năm sau sẽ tạo ra rủi ro lạm phát. Mức mục tiêu 4% những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy.” TS. Nguyễn Đức Thành cho hay.
Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu VEPR, đồng USD ngày càng mạnh lên khi Fed liên tục nâng lãi suất, khiến cho tỷ giá VND/USD sẽ tiếp tục có những biến động tương đối mạnh như thời gian qua. Việc tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị đồng VND trong ngắn hạn đều có thể dẫn tới những rủi ro cho nền kinh tế. Trên thực tế lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn tương đối mỏng tính theo tuần nhập khẩu, nên việc can thiệp có quy mô hạn chế. Tiếp đó, việc tăng lãi suất sẽ dẫn tới những hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và 2020.
Một lưu ý nữa cũng được VEPR nêu ra tại Tọa đàm đó là, cuộc đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay chính là cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách để chủ động cải thiện tình trạng của chính mình đối với hai nước. Về mặt vĩ mô, Việt Nam cần tranh thủ nỗ lực tạo thêm dự địa chính sách để tăng sức chịu đựng trước những rủi ro sắp tới từ môi trường toàn cầu. Đó là việc tiếp tục giảm thâm hụt ngân sách, tăng thặng dư thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và thủ tục hành chính, sắp xếp lại bộ máy nhà nước và chống tham nhũng, v.v…
Một lần nữa việc chênh lệch giữa các con số thống kê lại được VEPR nêu ra tại tọa đàm. Việc Tổng cục Thống kê và Tổng cục Hải quan đưa ra những con số hoàn toàn khác biệt về tình hình thương mại tháng 8 vừa qua một lần nữa cho thấy vấn đề về tính minh bạch và chính xác của số liệu thống kê kinh tế. VEPR cho rằng, Tổng cục Thống kê với vai trò là cơ quan đứng đầu thu thập số liệu của Việt Nam cần phối hợp tốt hơn với các cơ quan chuyên trách để đưa ra những con số chính xác hơn tới công chúng, thay vì chỉ cố gắng đưa ra con số ước lượng vội vã cho kịp hạn công bố.
Dự báo, với mức tăng trưởng tích cực 6,88% của quý 3, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, VEPR cho rằng chỉ tiêu lạm phát bình quân dưới 4% sẽ đạt được nếu không có cú sốc lớn nào về giá năng lượng trong quý 4.
Ở tầm nhìn xa hơn, theo tính toán của VEPR, mặc dù lạm phát trong năm nay được đánh giá là vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng lo ngại về lạm phát trong năm 2019 vẫn có nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3000 lên 4000 đồng/lít) kể từ 1/1/2019.
Những tính toán sơ bộ của VEPR cho thấy chỉ riêng sự thay đổi này có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm. Điều này đòi hỏi NHNN cần rất thận trọng với việc điều tiết cung tiền và tín dụng trong thời gian tới nếu không muốn lạm phát vượt khỏi kiểm soát../.
Minh Phương