Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch IPU

Chiều 24/3 (theo giờ địa phương), ngay sau khi Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Geneva, Thụy Sĩ tham dự Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138), Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới, bà G.Cuevas Barron đã gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. 

Tại cuộc gặp gỡ và làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch IPU G.Cuevas Barron, đồng thời cảm ơn Chủ tịch IPU đã tham dự Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 1/2018 vừa qua. Điều này thể hiện tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ của Chủ tịch IPU đối với Quốc hội, đất nước và con người Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phát biểu của Chủ tịch IPU tại Lễ Khai mạc APPF-26 đã nêu bật thông điệp mạnh mẽ về vai trò của các nghị sỹ, phương châm hoạt động của IPU biến lời nói thành hành động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngoại giao nghị viện trên thế giới. 

Với tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, bà G.Cuevas Barron, cũng như Liên minh Nghị viện thế giới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các Nghị viện thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam, trong việc tiến hành những hoạt động nhằm thúc đẩy thực hiện các cam kết vì Mục tiêu phát triển bền vững. Những điều này sẽ là minh chứng sinh động cho quan hệ đối tác nghị viện và tinh thần hành động của IPU trong thời gian tới. 

Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới, bà G.Cuevas Barron nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Thụy Sĩ tham dự IPU-138. Bày tỏ vui mừng gặp lại Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà G.Cuevas Barron đánh giá cao vai trò tích cực của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong việc tham dự đầy đủ các sự kiện của IPU, thể hiện vai trò là thành viên tích cực trong IPU. 

Với những kết quả tốt đẹp đó, bà G.Cuevas Barron mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tiếng nói mạnh mẽ, tham gia tích cực hơn nữa trong các diễn đàn đa phương như: IPU, APPF...; đồng thời chia sẻ, hiện nay IPU đưa ra dự thảo về Tầm nhìn IPU giai đoạn 2017-2021 với nhiều chương trình hành động, chính sách bao trùm lớn. Chủ tịch IPU mong muốn Quốc hội Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ IPU... 

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao sự năng động và tích cực của bà G.Cuevas Barron với những sáng kiến nhằm đổi mới hoạt động của IPU để nâng cao vai trò của IPU trong các vấn đề quốc tế hiện nay, đồng thời mong rằng với nhiệt huyết, kinh nghiệm nghị sỹ của mình, Chủ tịch IPU sẽ thực hiện được những cam kết đưa IPU trở thành một tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn, có trách nhiệm và đảm bảo lợi ích chung của các Nghị viện thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong gần 40 năm là thành viên của IPU, Quốc hội Việt Nam và IPU có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và mang lại những hiệu quả thiết thực. Quốc hội Việt Nam luôn ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của IPU trong giai đoạn thực thi Hiến pháp năm 1992, chương trình hỗ trợ nghị viện kiểu mới để xây dựng thư viện và trung tâm lưu trữ của Quốc hội Việt Nam, cũng như những hoạt động hợp tác khi Quốc hội Việt Nam chủ trì tổ chức hội nghị chuyên đề IPU các năm 2006, 2014, Đại hội đồng IPU-132 năm 2015, Hội nghị chuyên đề khu vực châu Á-Thái Bình Dương về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2017...

Cũng nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ đó, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong IPU đã được nâng cao, thể hiện qua việc các thành viên IPU đã hai lần tín nhiệm bầu Việt Nam vào Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2008 - 2012 và nhiệm kỳ 2015 - 2019. 

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam xác định việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương nhằm thúc đẩy và bảo vệ những lợi ích của Việt Nam, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. 

Đây cũng là nơi Quốc hội Việt Nam có thể tiếp cận với nhiều nội dung, kinh nghiệm hoạt động và thực tiễn tốt của các nghị viện trên thế giới để đóng góp cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của mình. Trong tiến trình đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới. 

Nhân dịp này, chia sẻ về những tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và con người Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới G.Cuevas Barron (Thượng nghị sỹ của Mexico) đã đánh giá, mối quan hệ giữa Mexico và Việt Nam đang phát triển tốt đẹp, cả hai nước đều là những thành viên tích cực trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời khẳng định cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa IPU và các Nghị viện thành viên, trong đó có Quốc hội Việt Nam, phát triển ngày càng tốt đẹp và hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Hạ viện Indonesia

Chiều 24/3 (theo giờ địa phương), tại Geneva, Thụy Sỹ, bên lề Đại hội đồng IPU-138, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Chủ tịch Hạ viện Indonesia Bambang Soesatyo và Đoàn đại biểu Indonesia. 

Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Đoàn đại biểu Nghị viện Indonesia đã tham dự Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 26 tổ chức tại Hà Nội tháng 1/2018 vừa qua; cho rằng, sự tham dự của đoàn là sự ủng hộ quý báu, góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội nghị do Quốc hội Việt Nam chủ trì. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Hạ viện Indoneia Bambang Soesatyo. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trước sự phát triển của quan hệ hai nước trong những năm gần đây, Chủ tịch Quốc hội khẳng định quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ, phục vụ lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, nâng cao hơn nữa sự gắn kết giữa các thành viên trong Cộng đồng ASEAN. 

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc hai bên đang hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng; thúc đẩy sớm ký Thỏa thuận phối hợp tuần tra, lập đường dây nóng giữa hải quân hai nước, lập cơ chế đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng Quốc phòng. 

Chủ tịch Hạ viện Indonesia Bambang Soesatyo bày tỏ vui mừng khi gặp đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng lần thứ 138 Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-138); tin tưởng rằng, cuộc gặp này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Chủ tịch Hạ viện Indonesia cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan lập pháp hai nước cần tăng cường hợp tác trao đổi đoàn các cấp và giám sát những thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước; bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa hai bên tiếp tục được tăng cường, góp phần gắn kết hơn nữa mối quan hệ Indonesia - Việt Nam. 

Nhân dịp này, Chủ tịch Hạ viện Indonesia cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Indonesia làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2019 - 2020. Indonesia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. 

Về lĩnh vực kinh tế, Indonesia mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Indonesia trong những lĩnh vực như: thăm dò, khai thác dầu khí. Chủ tịch Hạ viện Indonesia hy vọng, Việt Nam là một trong những bạn hàng thương mại lớn của Indonesia. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với những ý kiến của Chủ tịch Hạ viện Indonesia; đồng thời cho rằng, tiềm năng hợp tác hai nước nhất là về thương mại và đầu tư còn rất lớn, cần tăng cường hợp tác để đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 10 tỷ USD trong thời gian tới. 

Cùng với đó, để tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiềm năng và lợi thế như hợp tác biển, đại dương và nghề cá, Chủ tịch Quốc hội mong Chủ tịch Hạ viện Indonesia quan tâm thúc đẩy cơ quan hữu quan tích cực tìm kiếm giải pháp nhằm sớm kết thúc đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển mà hai bên đã phân định ranh giới thềm lục địa năm 2003, hai bên sớm ký Bản Ghi nhớ về hợp tác Thủy sản và nghề cá, thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Đánh giá cao Indonesia tích cực hợp tác giải quyết đưa ngư dân Việt Nam về nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên cần giải quyết vấn đề này trên tinh thần nhân đạo, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược và cùng là thành viên trong cộng đồng ASEAN; đặc biệt Indonesia cùng Việt Nam thiết lập đường dây nóng chống đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Cộng đồng ASEAN đã bước vào năm thứ 3 kể từ khi thành lập năm 2015. Trong thời gian qua, Cộng đồng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN trên khu vực và thế giới. 

Chủ tịch Quốc hội mong hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ và cùng các nước ASEAN khác gia tăng hợp tác nội khối, tăng cường đoàn kết và thống nhất ASEAN, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; cùng các nước đối tác giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Indonesia thời gian qua luôn duy trì và phát triển tốt đẹp trên cả khuôn khổ song phương và đa phương. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc trao đổi đoàn giữa hai bên chưa được nhiều, do vậy đề nghị hai bên trong thời gian tới cần quan tâm tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, chú trọng hợp tác giữa các ủy ban chuyên môn nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động nghị viện, đồng thời tăng cường phối hợp với nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF); hai bên cần tăng cường, thúc đẩy giao lưu giữa hai Nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước… 

Nhân dịp này, qua Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch Quốc hội gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới Chủ tịch Thượng viện Indonesia; đồng thời trân trọng mời Chủ tịch Hạ viện Indonesia sớm sang thăm chính thức Việt Nam trong thời gian thích hợp nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương, cũng như sự phối hợp và hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước tại các Diễn đàn Nghị viện thế giới và liên khu vực.

Chủ tịch Quốc hội thăm Phái đoàn, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ

Chiều tối 24/3 (giờ địa phương), tại Geneva, Thụy Sĩ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp mặt cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tại cuộc gặp mặt, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva Dương Chí Dũng đã báo cáo vắn tắt về công tác của Phái đoàn Việt Nam, về tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ; trong đó nhấn mạnh Thụy Sỹ là địa bàn có đông trí thức kiều bào, nhiều bà con có những đóng góp tri thức, trí tuệ vào phát triển đất nước, quê hương... 

Tại cuộc gặp, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ phát biểu bày tỏ vui mừng chào đón Chủ tịch Quốc hội đến Thụy Sĩ và có cuộc gặp cộng đồng người Việt Nam; đồng thời bày tỏ vui mừng vì tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. 

Bà con kiều bào chia sẻ, mặc dù sinh sống xa quê nhưng luôn muốn có những đóng góp thiết thực hướng về đất nước. Đại diện cộng đồng cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước hiện nay, đặt vấn đề làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng gặp cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, Đại sứ quán và đại diện bà con kiều bào tại Thụy Sĩ. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ lời chúc dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

Chủ tịch Quốc hội đã thông báo mục đích chuyến thăm của đoàn là dự Đại hội đồng IPU-138, tiếp xúc song phương với một số đoàn và gặp bà con người Việt ở sở tại. 

Chủ tịch Quốc hội đã thông báo tình hình chính trị, an ninh, kinh tế - xã hội, đối ngoại của Việt Nam trong thời gian gần đây và tóm tắt một số kết quả chủ yếu của Kỳ họp thứ 4 và tình hình chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, những kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước thời gian gần đây. 

Biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên của cơ quan đại diện đã khắc phục những khó khăn, vất vả trong công việc và cuộc sống để hoàn thành tốt công việc do Đảng và Nhà nước giao phó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước, trong đó có Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. 

Tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 2009. Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm quán triệt và triển khai thực hiện định hướng chiến lược của Đảng và cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất với các luật mới được ban hành có liên quan; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới. 

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, sự ủng hộ của Quốc hội là sự động viên, chia sẻ, đồng thời cũng là sự gửi gắm niềm tin những cán bộ, nhân viên đang công tác tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng và nhân dân giao phó. 

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng cán bộ, nhân viên Phái đoàn, Đại sứ quán tăng cường đoàn kết, trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao Phái đoàn, Đại sứ quán đã phối hợp tốt với Ban Thư ký IPU, các cơ quan liên quan của Thụy Sỹ trong tổ chức chuyến công tác lần này của đoàn. 

Chia sẻ với bà con đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ và các khu vực lân cận, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các ý kiến phát biểu của bà con rất tâm huyết, cùng những kiến nghị thiết thực đã thể hiện tâm tư, nguyện vọng, sự quan tâm của bà con đóng góp cho sự phát triển của đất nước và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 

Đánh giá cao cộng đồng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt khó khăn để ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội sở tại và có những đóng góp tích cực đối với đất nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, mặc dù bà con sống rải rác nhưng đã rất nỗ lực gìn giữ những nét đẹp truyền thống và luôn tự hào là người Việt khi tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng ở sở tại. Bà con phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán trong công việc, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tăng cường đoàn kết, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam, hưởng ứng nhiệt tình các phong trào hướng về quê hương, đất nước. 

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội khẳng định chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, hòa nhập vào xã hội nước sở tại, giúp cộng đồng duy trì và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về quê hương đất nước. 

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ phần lớn đều là trí thức, luôn quan tâm theo dõi tình hình và đóng góp xây dựng quê hương. Đảng và Nhà nước luôn chú trọng công tác thu hút, kết nối trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Các mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt kiều đã được Chính phủ mời về nước tham vấn và trực tiếp thực hiện nhiều dự án hợp tác. Điều này vừa thể hiện sự tâm huyết, nhiệt tình của kiều bào với đất nước, vừa thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài./.

Theo vietnamplus.vn