|
Hoạt động mở đầu hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 2018 diễn ra ở Đà Nẵng ngày 27/5. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống |
“Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2018” được WHO lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” với mục đích thông tin tới cộng đồng mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc lá và các bệnh tim mạch. Nhân dịp này, WHO kêu gọi các quốc gia cần có hành động kịp thời và hiệu quả nhằm làm giảm nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh về tim mạch liên quan đến sử dụng thuốc lá.
Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 2018 từ 25-31/5.
Trong Tuần lễ này, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam… tổ chức các sự kiện hưởng ứng, bao gồm các cuộc mít tinh, diễu hành… với sự tham gia của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động của các đơn vị.
Vào sáng 31/5, tại Bưu điện Thành phố Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ phát hành bộ tem bưu chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Cũng trong dịp này, ở 26 tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các hoạt động như treo khẩu hiệu về phòng chống tác hại của thuốc lá; phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; đăng tải thông tin về tác hại của thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử trên phương tiện thông tin đại chúng; vận động mọi người bỏ thuốc lá tại cộng đồng…
*Ngày 27/5, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp với các đơn vị tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá tại TP. Đà Nẵng.
Hoạt động mở đầu cho Tuần lễ quốc gia này thu hút 1.000 thanh niên, sinh viên trên địa bàn TP. Đà Nẵng; các cơ quan thông tấn báo chí tại Đà Nẵng cùng đại diện WHO tham gia.
Sáng 28/5, Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Nghệ An tổ chức mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 2018.
Trong dịp này, Nghệ An sẽ tích cực thực hiện chiến dịch tuyên truyền sâu rộng về phòng chống tác hại thuốc lá tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh; tăng cường thực thi quy định về môi trường không khói thuốc...
Những cảnh báo về tác hại của thuốc lá ở Việt Nam
40.000 người chết/năm do thuốc lá
Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm như: Ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ước tính từ cuộc điều tra tình hình hút thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam do Bộ Y tế thực hiện (năm 2015) cho thấy, 60,7% học sinh bắt đầu hút thuốc lá khá sớm (7-13 tuổi); 53,5% người không hút thuốc (28,5 triệu người lớn) phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà; 36,8 % người không hút thuốc, làm việc trong nhà bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nơi làm việc.
Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) nêu con số mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá. Điều này có nghĩa là mỗi ngày có hơn 100 người chết vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người/năm vào năm 2030.
Còn theo WHO, tử vong do các bệnh không lây nhiễm hiện đang chiếm tới 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích tại Việt Nam, trong đó, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc và tử vong do các bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh lý mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn nhịp tim, phình tách động mạch chủ. Các nguy cơ này tăng lên tỷ lệ thuận với khối lượng thuốc hút và thời gian hút thuốc.
Cùng với thuốc lá thông thường, gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên kể. Hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử cũng là những người hút thuốc lá. Đa số người dùng thuốc lá điện tử đều coi đây là công cụ để bỏ thuốc lá hoặc giảm hút thuốc. Tuy vậy, thực tế cho thấy, trên tất cả các thương hiệu của thuốc lá điện tử, các thành phần chính trong chất lỏng đều là nicotine, propylene glycol hoặc glycerol và hương liệu.
WHO khuyến cáo hiện nay chưa có bằng chứng quốc tế chứng minh thuốc lá điện tử an toàn.
Nhiều nguy cơ đối với phụ nữ có thai
Các nghiên cứu đều cho rằng, việc sử dụng các chế phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điếu hay thuốc lá điện tử trong quá trình mang thai là một trong những nguyên nhân quan trọng gây sảy thai, đẻ non...
Nicotine cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi thông qua việc gây tăng tiết các chất trung gian thần kinh bất thường trong não, giảm đáng kể trọng lượng và thể tích phổi, rối loạn nhịp tim. Ngoài nicotine, hơn 2.500 chất độc khác được tìm thấy trong thuốc lá có thể tác động đến cơ thể mẹ và thai nhi.
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu thêm gần 50%. Thời gian phơi nhiễm, lượng tiếp xúc và tuổi của mẹ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển dị tật bẩm sinh khi tiếp xúc với khói thuốc lá. Trong một nghiên cứu khi so sánh hơn 14.000 trẻ sinh ra với khuyết tật bẩm sinh với hơn 60.000 trẻ không bị ảnh hưởng, tăng nguy cơ dị tật tim đã được báo cáo ở nhóm trẻ tiếp xúc với khói thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Các dị tật tim bao gồm dị thường động mạch phổi, bất thường van phổi và các khuyết tật vách ngăn nhĩ.
Giá thuốc lá của Việt Nam thấp khiến tỉ lệ người hút cao
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỉ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm là do giá thuốc lá của Việt Nam rất rẻ, thậm chí ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ 6.000 đồng, phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao. Theo dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng đều đặn hằng năm khiến sản phẩm thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, ngay cả với nhóm thu nhập thấp và thanh thiếu niên.
Thanh Xuân (tổng hợp)