|
Ảnh minh họa: M.P |
Dự thảo Nghị định quy định đầy đủ các nội dung, bao gồm: Đối tượng áp dụng, nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, điều kiện được hỗ trợ lãi suất, thời hạn và mức lãi suất hỗ trợ, phương thức hỗ trợ lãi suất cũng như trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất. Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị định cũng phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong triển khai Nghị định.
Cụ thể, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn thuộc các ngành nghề: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp, chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động có liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin. Hoặc có mục đích sử dụng vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dư án do Bộ Xây dựng công bố.
Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm đối với khoản vay được giải ngân trong khoảng thời gian từ 11/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Các khoản vay của khách hàng sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất đến hết ngày 31/12/2023 hoặc tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đạt tối đa 40.000 tỷ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước.
Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian theo quy định. Tuy nhiên, Dự thảo cũng quy định khách hàng sẽ không được hỗ trợ lãi suất nếu khoản vay của khách hàng có số dư nợ gốc bị quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả, khách hàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ lãi suất sau khi đã trả hết số dư nợ gốc quá hạn và/hoặc số dư lãi chậm trả.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về trình tự, thủ tục tạm cấp bù lãi suất và quyết toán cấp bù lãi suất. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước số tiền 40.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho Bộ Tài chính để thực hiện tạm cấp bù lãi suất, quyết toán cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại.
Trong 5 ngày kể từ ngày kết thúc quý, ngân hàng thương mại gửi Bộ Tài chính hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý. Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tạm cấp bù lãi suất quý của ngân hàng thương mại, Bộ Tài chính thực hiện tạm cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại. Số tiền tạm cấp bù lãi suất bằng 90% số tiền ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng trong quý theo quy định.
Dự thảo Nghị định đưa ra yêu cầu NHNN và Bộ Tài chính theo dõi kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất và tạm cấp bù lãi suất của ngân hàng thương mại.
Khi tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng (bao gồm số lãi tiền vay khách hàng đã được hỗ trợ lãi suất và dự kiến số lãi tiền vay còn phải thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này đến ngày 31/12/2023) đạt khoảng 35.000 tỷ đồng, NHNN phối hợp Bộ Tài chính có biện pháp quản lý bằng phương pháp phân bổ hạn mức số tiền hỗ trợ lãi suất còn lại đối với từng ngân hàng thương mại và thông báo cho ngân hàng thương mại để đảm bảo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo Nghị định này không vượt quá 40.000 tỷ đồng. Việc phân bổ hạn mức căn cứ vào kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của từng ngân hàng thương mại.
Trước đó, ngày 22/2, NHNN đã có cuộc họp với các lãnh đạo cơ quan, hiệp hội, ngân hàng… lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, NHNN đã bắt tay ngay vào soạn thảo Dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư hướng dẫn Nghị định.
Để đảm bảo khẩn trương đưa chính sách đi vào cuộc sống, trên tinh thần khẩn trương nhất, NHNN tiếp tục tổ chức họp lấy ý kiến làm sao sớm hoàn thiện cơ chế đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Phó Thống đốc thường trực NHNN cho rằng, việc sớm lấy ý kiến đóng góp vừa giúp Nghị định, Thông tư sớm ban hành mà còn đảm bảo các quy định đồng bộ, rõ ràng, cụ thể, bao quát được các vấn đề, hạn chế tối đa các vấn đề phát sinh, nhất là đúng đối tượng thụ hưởng đảm bảo sự công bằng./.