Nhiều điểm mới trong Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu 

(ĐCSVN) - Liên quan đến nội dung này, bà Vũ Thuý Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

 

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì cuộc họp báo 

Tại Họp báo thường kỳ được Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 29/3, phóng viên các cơ quan báo chí quan tâm đến những điểm mới được nêu tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo bà Vũ Thuý Hiền, đối với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo Nghị định dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường, theo đó Nhà nước sẽ ban hành công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá mà công thức giá quy định.

Đối với nội dung về cơ chế bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập và cần được nghiên cứu, xem xét, sửa đổi. Theo đó, việc quy định cụ thể hơn về mức trích, chi và thời gian trích, chi cũng như các nội dung khác liên quan cũng đang được xem xét.

Liên quan đến bình ổn giá, Dự thảo Nghị định cũng quy định Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá xăng dầu, điều này cũng phù hợp với quy định Luật Giá năm 2023 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2024.

Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện đang được lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức có liên quan, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện và xin ý kiến rộng rãi.

Thông tin thêm về những nội dung tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới thay thế 3 Nghị định quản lý xăng dầu hiện nay, gồm có: Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và yêu cầu cố gắng trong tháng 3/2024 đã phải trình Chính phủ.

Tuy nhiên, theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì cần có thời gian để đăng công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi của tất cả mọi người và theo quy định phải có 60 ngày, nên Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ 27/3.

Liên quan đến điều hành giá, theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, hiện nay điều hành giá trên tinh thần Liên bộ, đưa ra mức giá trần để làm tham khảo và từ đó các doanh nghiệp đưa ra mức giá tính toán của mình cao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của họ, nhưng không vượt mức giá trần.

Còn nội dung về giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, đây là nội dung còn nhiều tranh luận nên Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến. Về nội dung trích lập quỹ, hiện có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hoá, đưa vào dự thảo Nghị định.

Triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024 của Bộ Công Thương, trả lời câu hỏi của phóng viên về nguyên nhân đạt tín hiệu khởi sắc của hoạt động xuất khẩu trong quý I/2024, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh đang phát triển khá tốt nhờ đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng đã có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái.

Mặt khác, theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, sự khởi sắc của xuất khẩu hàng hoá phải kể tới hiệu quả từ các giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt độn, như về giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, Việt Nam đã và đang tích cực thu hút đầu tư, cũng như đón các làn sóng dịch đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thông tin về tình hình khai thác các thị trường có FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, hiện Việt Nam tham gia ký kết 16 FTA, cơ bản các thị trường FTA đều có hiệu quả rất tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các FTA.

Ngoài ra, "hiện có một số khu vực, địa bàn chưa có FTA như Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Vì vậy, Bộ Công Thương đang nỗ lực tìm kiềm khả năng để tiến tới ký kết FTA, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới"- ông Hải cho hay.

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, ngoài 16 FTA Việt Nam tham gia, hiện có 3 FTA đang đàm phán đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); Việt Nam tham gia khuôn khổ đàm phán FTA Asean và Canada; FTA Việt Nam với UAE hiện đang nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. “Riêng FTA Việt Nam với UAE, đây là FTA đã được đàm phán nhanh, khi hai bên nhận thấy các tiềm năng hợp tác phát triển”- ông Hải nói.

Nêu rõ giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 đạt 377 tỷ USD, tăng khoảng 6% so với năm 2023, ông Trần Thanh Hải cho biết: Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến các ưu đãi từ FTA. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá.

Nhấn mạnh về khai thác hiệu quả các thị trường FTA, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ thêm, ngoài việc tiếp tục mở rộng, nghiên cứu ký kết thêm các FTA, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, Việt Nam cần tăng cường nâng cấp các FTA đã tham gia ký kết; tận dụng tốt hơn các ưu đãi các FTA, khai thác các thị trường truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường tiềm năng./.

 
Tin, ảnh: Kim Dung
80 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1225
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1226
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87174517