Nhiều chuyển biến tích cực sau 5 năm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo 

(ĐCSVN) - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

 

 

Ảnh minh họa: VA

Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận

Theo Bộ GD&ĐT, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non ngày càng được nâng lên, các điều kiện đảm bảo chất lượng được tăng cường; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển giáo dục mầm non và tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ. Quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt đối với khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; quy định về tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục.

Chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được triển khai hiệu quả. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. Chất lượng học sinh lứa tuổi 15 nước ta vượt mức trung bình của học sinh các nước khối OECD; chất lượng, kết quả học sinh tham dự các kỳ thi Olympic các môn văn hóa, sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc tế luôn ở top đầu.

Tích cực triển khai xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới. Đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; thẩm định các chương môn học và tổ chức thực nghiệm chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông đã được quan tâm, được thể hiện rõ nét hơn trong chương trình giáo dục; đa dạng hóa các hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng thiết thực, tăng tính thực hành, gắn với thực tiễn; có cán bộ phụ trách về công tác này ở các cơ sở giáo dục; tăng cường sự tham gia của các lực lượng xã hội (cộng đồng, doanh nghiệp…) tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa

Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện và có nhiều chuyển biến tốt, công tác đào tạo đã gắn kết với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; các cơ sở giáo dục đại học phát triển chương trình đào tạo đã có sự tham gia của các doanh nghiệp sử dụng lao động, xây dựng chuẩn đầu ra rõ ràng, trở thành cam kết của nhà trường với người học và xã hội; triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên. Chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển rõ rệt, vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có 02 đại học nằm trong nhóm 1000 trường danh tiếng nhất thế giới.

Tự chủ đại học được từng bước được đẩy mạnh; mô hình thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập được triển khai thành công, tạo sự lan toả mạnh mẽ, giúp toàn hệ thống giáo dục đại học chuyển biến tích cực tiến tới tự chủ toàn diện các cơ sở giáo dục đại học. Triển khai thí điểm mô hình đại học tự chủ không có Bộ chủ quản nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình đối với xã hội của các cơ sở giáo dục đại học. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực, hiệu quả, công khai kết quả kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo, chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng và quản lý quá trình đào tạo; chú trọng quản lý chất lượng đầu ra.

Việc đổi mới chính sách sử dụng nhân lực bước đầu đạt được một số kết quả như chính sách đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, trọng dụng nhân lực, nhân tài trong khu vực nhà nước đang từng bước áp dụng theo cơ chế thị trường, từ khâu tuyển dụng đến khâu luân chuyển, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan/tổ chức từ Trung ương tới địa phương, đều được tiến hành một cách kỹ lưỡng theo quy trình trên cơ sở nguồn cán bộ đã được quy hoạch hàng năm và tổ chức thi tuyển công khai. Việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các Bộ luật, luật và các cơ chế, chính sách chuyên ngành đáp ứng tốt hơn công tác quản lý nhà nước về phát triển, sử dụng nhân lực.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được nâng lên và chuẩn hóa; việc triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới được triển khai tích cực; ban hành chuẩn hiệu trưởng, chuẩn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông làm căn cứ để các địa phương rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục hiện có; từ đó, xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn quy định đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới luôn có những diễn biến bất ngờ, phức tạp, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với công cuộc đổi mới GDĐT nước ta. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, làm thay đổi cấu trúc hầu hết các ngành công nghiệp, đòi hỏi sự chuyển đổi hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị nhân lực, đòi hỏi sự thay đổi cung, cầu và cơ cấu lao động của mọi quốc gia, từ đó dẫn đến sự thay đổi của nền giáo dục tương ứng.

Ở trong nước, tình hình chính trị và xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế ngày càng nhanh, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, chính sách khởi nghiệp được Chính phủ quan tâm,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng đột phá về phát triển kinh triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, đất nước ta đang phải đối mặt những khó khăn, thách thức không nhỏ như năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp, mức độ sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thấp, nhu cầu đầu tư phát triển lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp,... Trong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm và dành ngân sách thỏa đáng cho công cuộc phát triển GD&ĐT. Vì vậy, ngành giáo dục cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 29, trong đó xác định ưu tiên cho một số vấn đề.

Cụ thể, Bộ GD&ĐT tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong đổi mới giáo dục; Đổi mới hiệu quả các yếu cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học; Thực hiện phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở đào tạo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp; coi trọng quản lý chất lượng - đây là giải pháp đột phá trong giai đoạn tới; Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT; Tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa đối với GD&ĐT và giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Tích cực, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục./.

Mỹ Anh

362 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 459
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 459
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88315795